Cơ trơn là một nhóm cơ quan trọng đối với cơ thể con người khi tham gia vào các hoạt động sống như lưu thông máu hay đào thải chất thải. Chính vì vậy, nếu nhóm cơ này gặp tổn thương hay sự cố, sức khỏe của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Bạn đọc muốn tìm hiểu thêm về cấu tạo, chức năng, vị trí cũng như các bệnh lý thường gặp ở nhóm cơ thì đừng bỏ lỡ bài viết sau đây!
Cơ trơn là gì? Nằm ở đâu?
Cơ trơn (tên tiếng Anh: Smooth muscle) là một dạng mô cơ được sử dụng bởi các hệ thống, cơ quan khác nhau trên cơ thể. Thành phần chính của cơ trơn là các sợi tế bào có chứa actin và myosin. Cơ trơn có thể co lại hoặc giãn ra dưới tác động ATP – một hoạt chất được cơ thể chúng ta giải phóng khi phải chịu kích thích.
Cơ trơn có mặt trong nhiều bộ phận thuộc hệ thống tuần hoàn và hệ thống tiêu hóa của con người. Đối với hệ thống tuần hoàn, nhóm cơ này giúp duy trì và kiểm soát áp suất của máu cũng như lưu thông khí oxy đi khắp cơ thể. Lực đẩy chính được tạo ra bởi tim, mọi động mạch và tĩnh mạch đều được lót bằng một lớp cơ trơn. Nhờ vào nhóm cơ trơn lót này, máu và khí oxy được tuần hoàn đều đặn để nuôi dưỡng mọi tế bào, bộ phận trong cơ thể.
Cơ trơn cũng là cơ lót của những cơ quan nội tạng thuộc hệ thống tiêu hóa. Nhóm cơ này giúp hoạt động tiêu hóa, hấp thụ thức ăn thuận lợi và dễ dàng hơn. Ví dụ: Các mô cơ trơn trong đường ruột phản ứng khi chúng ta bắt đầu nuốt thức ăn, tạo thành hiện tượng “nhu động ruột” để thức ăn có thể di chuyển qua các đường xoắn ruột.
Bên cạnh hai khu vực chính kể trên, cơ trơn cũng có mặt ở mống mắt (irises), giúp kích thước đồng tử có thể co giãn trong quá trình mắt tiếp nhận thông tin hình ảnh, ánh sáng. Nhiều nhà khoa học cũng chỉ ra sự tồn tại của nhóm cơ này trên da với tác dụng nuôi dưỡng lông, tóc và khiến chúng ta “nổi da gà” khi tiếp xúc với khí lạnh.
Cấu trúc cơ trơn
Cơ trơn được cấu tạo từ những mô cơ trơn. Tuy nhiên, khác với mô xương hay mô cơ tim, mô cơ trơn không có các đường vân đặc trưng dễ dàng quan sát được trên tế bào. Điểm khác biệt này là do mô cơ trơn được tổ chức, sắp xếp theo một cách khác.
Như đã nói ở trên, thành phần tạo nên các mô cơ của nhóm cơ này là sợi actin và myosin. Các sợi actin và myosin này khi soi chiếu dưới kính hiển vi có cách sắp xếp theo kiểu chất chồng lên nhau. Cụ thể, sợi actin đi từ đầu này đến đầu kia tế bào, nối lại với các thể dày (dense body) và màng tế bào. Còn sợi myosin nằm ở giữa những sợi actin. Về mặt hình ảnh, actin và myosin giống như đang xếp bậc thang.
Bên cạnh các sợi actin và myosin, cơ trơn còn có các protein khác đảm nhận chức năng co bóp như calponin, calmodulin, caldesmon.
Chức năng của cơ trơn
Chức năng của cơ trơn là co bóp. Tuy nhiên, phụ thuộc vào nơi mà chúng hình thành, nhiệm vụ vai trò cũng có một số khác biệt đáng kể. Cụ thể như sau:
- Cơ trơn thành mạch máu: Loại cơ này tạo nên lớp lót trong của cả động mạch, tĩnh mạch và các mạch máu nhỏ li ti chạy khắp cơ thể. Cơ trơn vừa giúp thành mạch co bóp trong quá trình vận chuyển máu vừa giúp ổn định áp suất trong mạch máu. Điều này khiến vấn đề tắc mạch, nghẽn mạch được hạn chế tối đa.
- Cơ trơn trong các bộ phận hệ tiêu hóa: Hệ thống tiêu hóa cũng là nơi có chứa nhiều cơ trơn, từ dạ dày, ruột non cho đến đại tràng. Hoạt động co bóp của cơ trơn ở đây giúp quá trình hấp thu thức ăn, nước uống được dễ dàng hơn. Tại dạ dày, nhờ có cơ trơn, thức ăn được nghiền nhỏ, trộn với dịch axit và phân giải thành các chất dễ hấp thu. Đến ruột non, cơ trơn ở thành ruột giúp thức ăn di chuyển thuận lợi hơn. Cuối cùng, các chất thải được loại bỏ thông qua hệ thống ruột già và hậu môn, nói cũng được cấu tạo từ nhiều mô cơ trơn.
- Cơ trơn trong cơ quan tiết niệu: Thận, bàng quang, dương vật, niệu đạo,… đều có sự xuất hiện của cơ trơn. Cơ trơn nhận tín hiệu dẫn truyền từ dây thần kinh, làm nhiệm vụ co bóp bàng quang cũng như mớ “cửa xả” giúp cơ thể loại bỏ chất lỏng thải ra bên ngoài.
- Cơ trơn trên mống mắt: Cơ trơn cũng có mặt trên mống mắt, đảm nhận nhiệm vụ điều tiết kích thước, độ co giãn của đồng tử. Tùy theo ánh sáng chiếu về phía mắt, đồng tử sẽ thu nhỏ lại hoặc giãn rộng ra, giúp con người phân biệt được thông tin hình ảnh như màu sắc, đặc điểm đồ vật,…
- Cơ trơn trong tử cung: Khi người phụ nữ mang thai, cơ trơn trong tử cung bắt đầu được giãn duỗi và thả lỏng hơn so với ban đầu. Điều này phần lớn là nhờ tác động của hormone relaxin, giúp dạ con có thể co giãn phù hợp với từng giai đoạn phát triển của thai nhi. Trong quá trình chuyển da, cơ trơn cũng liên tục co bóp nhằm tạo ra áp lực đẩy em bé ra ngoài.
Các tình trạng bệnh lý ở cơ trơn
Cơ trơn có thể gặp phải một số tình trạng bệnh lý khác nhau, ví dụ như:
- Viêm cơ trơn: Tình trạng này thường xảy ra với các nhóm cơ trơn thuộc hệ thống tiêu hóa. Tác nhân gây bệnh chính có thể là vi khuẩn HP hoặc việc con người duy trì một số thói quen xấu như ăn không đủ chất, lạm dụng thuốc,… Viêm cơ trơn có thể gây loét nếu không được điều trị kịp thời.
- U cơ trơn: Cơ trơn vốn là mô tế bào, vì vậy chúng hoàn toàn có thể hình thành khối u. Đa phần các trường hợp u cơ trơn là lành tính nhưng cũng có các ca bệnh phát triển thành ác tính, nhất là khi khối u bắt đầu ở tử cung, thực quản và ruột non.
- Một số tình trạng khác: Cơ trơn có thể gặp phải một số tình trạng khác như hội chứng Leiomyosarcoma, rối loạn kháng thể cơ trơn, u hỗn hợp Hamartoma,…
Trên đây là những thông tin bài viết tổng hợp xoay xung quanh vấn đề liên quan đến cơ trơn. Để phòng tránh hiệu quả các tình trạng nguy hiểm ở nhóm cơ này, mỗi người cần xây dựng cho bản thân một lối sống tích cực, khoa học và khỏe mạnh. Bên cạnh đó, đừng quên đi khám định kỳ để sớm phát hiện những tổn thương mà cơ thể đang gặp phải.