Chọc hút dịch khớp gối là một thủ thuật y tế được thực hiện với nhiều mục đích khám chữa và chẩn đoán khác nhau. Thủ thuật đòi hỏi kỹ thuật cũng như trình độ chuyên môn cao với các bước tiến hành phức tạp. Bạn đọc quan tâm và muốn hiểu thêm về kỹ thuật này có thể dành thời gian tìm hiểu với bài viết sau đây.
Chọc hút dịch khớp gối là gì? Mục đích tiến hành
Chọc hút dịch khớp gối là một dang can thiệp ngoại khoa được tiến hành bằng cách sử dụng một đầu tiêm và hút lấy chất lỏng nằm bên trong ổ khớp. Biện pháp này thường được dùng trong điều trị một số vấn đề liên quan đến tổn thương đầu gối cũng như trong chẩn đoán bệnh lý. Mục đích thực hiện chọc hút dịch đầu gối cụ thể như sau:
Chẩn đoán tình trạng bệnh
Biện pháp này được sử dụng phổ biến trong chẩn đoán bệnh, nhất là khi đầu gối người bệnh có hiện tượng sưng tấy và khi sờ tay vào thấy lõm xuống. Sau khi lấy được mẫu dịch lỏng trong đầu gối, bác sĩ sẽ đưa nó đến phòng thí nghiệm để phân tích các thành phần bên trong.
Theo đó, chọc hút dịch thường dùng đối với các trường hợp nghi ngờ nhiễm trùng bao hoạt dịch, nhiễm trùng khớp, chảy máu trong khớp và viêm khớp.
Giảm đau và áp lực trong khớp gối
Nhiều người bệnh bị tràn dịch khớp gối có phần đầu gối sưng tấy và đau nhức dữ dội, ảnh hưởng đến khả năng vận động, sinh hoạt thường ngày. Trong những trường hợp này, các bác sĩ sẽ tiến hành chọc hút dịch bên trong khớp gối và loại bỏ chất lỏng dư thừa ra bên ngoài.
Nhờ đó mà người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn, không còn đau nhức hay căng cứng ở vùng đầu gối. Các mạch máu, dây thần kinh bên trong cũng không còn chịu sự đè nén, chèn ép.
Tăng hiệu quả cho thuốc tiêm điều trị
Chọc hút dịch ở khớp gối cũng được sử dụng để tăng hiệu quả cho thuốc tiêm. Với những người bệnh viêm khớp gối hoặc gặp các vấn đề tổn thương khớp gối cần điều trị bằng thuốc tiêm cortisone, hyaluronic acids,việc dịch khớp gối tích tụ bên trong có thể làm giảm hiệu quả thuốc.
Chính vì vậy, trước khi tiến hành tiêm thuốc vào đầu gối, các bác sĩ sẽ sử dụng kỹ thuật chọc hút để loại bỏ bớt các chất lỏng dư thừa. Nhờ vậy mà thuốc tiêm có thể phát huy tác dụng nhanh chóng, giúp kết quả điều trị đạt được tốt nhất.
Kỹ thuật chọc hút dịch khớp gối
Chọc hút dịch khớp gối thường được thực hiện ở các phòng khám và bệnh viện có chuyên khoa cơ xương khớp. Trước khi thực hiện thủ thuật này, các bác sĩ cần phải tiến hành chụp chiếu và kiểm tra hình ảnh để xác định đúng vị trí cũng như phòng tránh nguy cơ gây tổn hại đến khớp gối trong khi hút dịch.
Bệnh nhân cũng cần xác định tình trạng sức khỏe, bệnh lý nền, tình trạng đông máu để đảm bảo an toàn tối đa. Về cơ bản, chọc hút dịch khớp đầu gối có các bước tiến hành như sau:
Xác định vị trí thực hiện chọc hút dịch
Chọc hút được thực hiện ở bao hoạt dịch bên trong khớp gối. Bao hoạt dịch của khớp gối vốn có cấu trúc như sau:
- Lớp màng bảo vệ bên ngoài được tạo thành từ sợi mô cơ, có tính đàn hồi cao.
- Lớp màng hoạt dịch bên trong, kết cấu mỏng hơn so với lớp bảo vệ. Màng hoạt dịch cũng là nơi thường bị tích tụ chất lỏng, dẫn đến hiện tượng sưng, viêm.
- Phần nhân bên trong làm nhiệm vụ tạo ra các dịch bôi trơn, giúp khớp gối chuyển động linh hoạt là giảm ma sát trong quá trình vận động.
Đa phần các trường hợp chọc hút đều được thực hiện ở mặt trước đầu gối, cách xương bánh chè từ 1 đến 2 cm. Độ sâu của mũi tiêm còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, ví dụ như chọc hút ở ngoài bao hoạt dịch hay bên trong bao hoạt dịch, chọc hút ngoài hay trong ổ khớp,…
Vị trí thực hiện chọc hút cũng được sát trùng, khử khuẩn sạch sẽ bằng cồn y tế. Người bệnh được gây tê cục bộ hoặc gây tê một phần để giảm bớt cảm giác đau đớn khó chịu trong quá trình chọc hút.
Quá trình chọc hút dịch khớp gối
Sau khi đã tiến hành hết các bước kiểm tra cũng như xác định vị trí, người bệnh có thể bắt đầu được chọc hút dịch. Quy trình này gồm các bước sau đây:
- Người bệnh được yêu cần ngồi hoặc nằm ngửa trong quá trình hút dịch. Tư thế của người bệnh đóng một vai trò quan trọng vì nó có thể ảnh hưởng đến cả quá trình. Thông thường, bệnh nhân được cho ngồi dựa lưng, thả lỏng cơ thể, chân hơi cong lại để phần đầu gối lộ ra rõ ràng nhất.
- Bác sĩ sẽ sử dụng bút dạ quang để đánh dấu vị trí thực hiện hút dịch. Vị trí này đã được xác định kỹ càng thông qua chụp X-quang hoặc MRI.
- Sử dụng cồn y tế và bông gòn để sát trùng sạch sẽ cho vùng dầu ở đầu gối. Sau đó, bác sĩ dùng thuốc gây tê dạng lỏng để gây tê cho người bệnh. Chọc hút dịch không cần gây mê tuy nhiên người bệnh có thể yêu cầu nếu có tiền sử lo âu hoặc sợ vật nhọn.
- Sau khi thuốc tê đã ngấm, quá trình chọc hút dịch khớp gối sẽ bắt đầu. Dụng cụ được sử dụng là một ống xi lanh có dung tích lớn. Đầu kim tiêm được đâm vào vị trí đã đánh dấu để hút lấy các chất dịch lỏng bên trong.
Lưu ý khi chọc hút dịch khớp gối
Đối với thủ thuật y tế này, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
- Trao đổi trước với bác sĩ điều trị nếu có tiền sử dị ứng thuốc, máu khó đông, mang thai, tiểu đường, từng phẫu thuật tim,…
- Quá trình chọc hút được thực hiện tương đối nhanh, mất khoảng 5 đến 10 phút. Người bệnh có thể về nhà ngay sau khi chọc hút hoàn tất và thuốc tê đã hết tác dụng.
- Người bệnh nên dành thời gian nghỉ ngơi sau đó, hạn chế chạm tay vào vị trí hút dịch hoặc thực hiện các cử động mạnh ảnh hưởng đến đầu gối.
Chọc hút dịch khớp gối có tốt không? Yếu tố rủi ro thường thấy
Chọc hút dịch khớp gối thường không gây nguy hiểm và được sử dụng phổ biến trong cả điều trị cũng như chẩn đoán. Người bệnh chỉ cần được kiểm tra cẩn thận và thực hiện đúng quy trình chọc hút thì sẽ không để lại biến chứng hay ảnh hưởng tiêu cực nào cho sức khỏe. Kỹ thuật này cũng được đánh giá cao trong những trường hợp bệnh cụ thể, ví dụ như tràn dịch khớp gối vì tính an toàn và hiệu quả cao.
Tuy nhiên, không phải là không tồn tại yếu tố rủi ro đối với người thực hiện chọc hút dịch khớp đầu gối. Bệnh nhân nên tìm kiếm sự trợ giúp y tế sớm nhất nếu gặp phải các vấn đề sau đây:
- Đầu gối sưng tấy nghiêm trọng, có hiện tượng bầm tím do tụ máu.
- Mẩn ngứa, nổi mề đay ở vùng da xung quanh đầu gối.
- Chảy máu ở vị trí thực hiện chọc hút.
- Sốt cao, chóng mặt, buồn nôn hoặc mệt mỏi kéo dài.
Chọc hút dịch khớp gối có giá bao nhiêu? Địa chỉ thực hiện
Chi phí chọc hút dịch khớp gối nhận được sự quan tâm của không ít người bệnh. Theo như tìm hiểu của bài viết, vấn đề này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, ví dụ như số lần chọc hút, các biện pháp kiểm tra đã sử dụng trước đó, thuốc gây tê, bác sĩ thực hiện, bảo hiểm,… Vì đây là một thủ thuật đơn giản nên giá cả thường không quá đắt đỏ, ở các bệnh viện nhà nước dao động trong khoảng vài trăm nghìn đồng.
Hiện nay, có rất nhiều cơ sở y tế thực hiện chọc hút dịch khớp gối, từ tư nhân cho đến công lập. Người bệnh tốt nhất nên lựa chọn các địa chỉ uy tín, có đầy đủ giấy phép hoạt động và đội ngũ y bác sĩ trình độ cao. Nếu ở khu vực Hà Nội, các bệnh viện như Thanh Nhàn, Bạch Mai, 108,… là lựa chọn tốt hơn cả. Còn đối với người bệnh sinh sống ở Tp. HCM thì có thể tìm đến bệnh viện Nhân Dân 115, Bệnh viện Chợ Rẫy,…
Hy vọng bài viết đã giúp bạn đọc có thêm những thông tin cần thiết về vấn đề chọc hút dịch khớp gối. Dù đây là thủ thuật xâm lấn đơn giản, người bệnh vẫn nên lựa chọn các cơ sở y tế uy tín, chất lượng cao để tiến hành. Điều này giúp tăng hiệu quả điều trị và đảm bảo rủi ro ở mức thấp nhất, tránh gây hại cho sức khỏe về sau.