Chắc hẳn cái tên acid uric không còn quá xa lạ với mọi người. Sự tăng bất thường của chỉ số acid uric chính là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh gout. Vậy cách giảm acid uric trong máu như thế nào?, chúng có dễ thực hiện không? và hiệu quả ra sao?, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu cụ thể trong bài viết dưới đây.
Acid uric là gì?
Acid uric là sản phẩm của quá trình chuyển hóa chất đạm diễn ra trong cơ thể con người. Cụ thể, chất đạm này có đặc điểm đặc trưng là chứa nhân purin. Khi cơ thể nạp nhiều thức ăn giàu đạm và bia rượu sẽ khiến cho acid uric được tổng hợp nhiều hơn so với thông thường hoặc làm suy yếu chức năng đào thải của thận dẫn đến lượng acid uric bị đào thải ít hơn bình thường. Từ đó, lượng acid uric trong máu sẽ tăng cao, vượt chỉ số bình thường. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến viêm khớp, gout và có thể là cả các bệnh lí liên quan đến tim, thận tùy vào vị trí acid uric bị lắng đọng. Như vậy, biết cách giảm acid uric trong máu sẽ giúp ngăn ngừa được một số vấn đề đáng lo ngại về sức khỏe.
Hướng dẫn 10 cách giảm acid uric trong máu hiệu quả, giúp đào thải nhanh
Uống nhiều nước
Uống nhiều nước là cách giảm acid uric trong máu đơn giản nhất. Cách này còn có tác dụng ngăn ngừa sự tích tụ thành muối urat (nguyên nhân chính gây nên gout) của acid uric. 2 lít nước là lượng nước cần nạp mỗi ngày và cần bổ sung thêm khi có các hoạt động khiến cơ thể toát nhiều mồ hôi, mất nước như thể thao hay lao động nặng nhọc, thời tiết oi nóng. Bên cạnh nước lọc, mọi người có thể bổ sung thêm nước dừa, nước khoáng, nước ép trái cây hay sữa không đường để bổ sung thêm lượng nước và chất dinh dưỡng cần thiết.
Ăn nhiều rau xanh
Lượng lớn rau xanh cũng có khả năng cân bằng lượng acid uric trong máu. Các loại rau xanh chứa nhiều vitamin C nên được ưu tiên. Ví dụ như rau cần tây (ăn hoặc uống nước ép); cây trạch tả giúp thận bài tiết acid uric tốt hơn và rau mùi có khả năng vừa giảm acid uric vừa chống oxy hóa. Rau xanh là thực phẩm không thể thiếu trong mỗi bữa ăn với nhiều công dụng khác nữa nên mọi người hãy bổ sung thật nhiều, nhất là những loại rau kể trên để cải thiện và nâng cao sức khỏe.
Bổ sung vitamin C
Vitamin C có thể giúp cơ thể kiểm soát được chỉ số acid uric nhờ vào việc có tác động tích cực đến chức năng bài tiết của thận trong việc đào thải acid uric ra ngoài cơ thể. Bên cạnh đó, vitamin C cũng là một loại chất dinh dưỡng tăng cường sức đề kháng, làm quá trình lão hóa diễn ra chậm hơn và tốt cho xương khớp. Như vậy, việc bổ sung vitamin C là rất cần thiết. Mọi người có thể tìm thấy nhiều dưỡng chất này ở các loại quả họ cam, dưa hấu, dâu tây, ở các loại rau lá màu xanh đậm,…
Sử dụng củ cải trắng và lá tía tô
Củ cải trắng và lá tía tô đều chứa vitamin C trong bảng thành phần. Cụ thể, bên cạnh vitamin C, củ cải trắng không có nhân purin và chứa nhiều kẽm, phốt-pho nên có tác dụng hiệu quả trong việc hỗ trợ giảm acid uric trong máu. Bên cạnh thành phần chính là vitamin C, lá tía tô còn chứa vitamin A và phốt-pho. Vì vậy, ăn nhiều lá tía tô có thể làm chậm quá trình tổng hợp acid uric trong máu từ đó chỉ số này cũng được cải thiện rõ rệt. Cùng với đó, lá tía tô cũng tốt cho những người mắc bệnh gout, giúp kháng viêm giảm đau ở phần xương khớp bị ảnh hưởng.
Kiểm soát chặt chẽ cân nặng và sẵn sàng giảm cân nếu cần
Sự tăng acid uric trong máu gây ra bởi sự rối loạn chuyển hóa trong cơ thể. Thừa cân – béo phì chính là một trong những nguyên nhân gây ra sự rối loạn này. Thêm vào đó, gan và thận cũng sẽ chịu tác động xấu bởi sự thừa cân của cơ thể nên chức năng bài tiết, điều tiết lượng acid uric cũng bị ảnh hưởng. Do vậy, kiểm soát cân nặng cũng là một cách giúp kiểm soát chỉ số acid uric hiệu quả. Duy trì cân nặng ở mức hợp lý còn giúp mọi người tránh được các bệnh lý khác và có một vóc dáng đẹp nên hãy kiên trì kiểm soát cân nặng của mình.
Hạn chế căng thẳng
Căng thẳng hay stress được cho là nguyên nhân gây nên nhiều vấn đề sức khỏe về cả thể chất lẫn tinh thần. Nó còn được đánh giá là có mối liên hệ tới sự tăng acid uric gây nên bệnh gout. Bởi vì tình trạng này kéo dài làm giảm lượng vitamin nhóm B, nhất là vitamin B5, làm ảnh hưởng đến việc đào thải acid uric dư thừa. Thêm vào đó, lượng hoóc-môn cortisol tăng bất thường do stress sẽ làm tăng huyết áp, tăng lượng mỡ cũng như lượng đường huyết. Từ đó, việc chuyển hóa cũng bị ảnh hưởng xấu dẫn đến tăng acid uric trong máu. Vì vậy, tránh căng thẳng kéo dài, cố gắng giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ là một cách không thể thiếu giúp cơ thể điều hòa được lượng acid uric trong máu.
Hạn chế ăn thức ăn chứa nhiều purin
Kiểm soát lượng purin nạp vào thông qua thực phẩm trong mỗi bữa ăn là cần thiết bởi purin khi vào cơ thể sẽ được chuyển hóa thành acid uric. Các loại thực phẩm chứa nhiều chất này phải kể tới là thịt bò, trứng cá, nội tạng động vật, hải sản, nước mắm và các loại đậu. Mọi người nên tránh ăn quá nhiều các loại thực phẩm này trong một ngày. Tuy nhiên, cũng không nên kiêng quá mức bởi chúng vẫn chứa các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Nếu có thể, hãy tham khảo các bài viết của chuyên gia dinh dưỡng để có thể xây dựng chế độ ăn hợp lí cho bản thân và gia đình.
Tránh sử dụng bia rượu và các loại đồ uống có cồn khác
Các loại đồ uống này luôn được liệt kê vào danh sách hạn chế trong việc phòng ngừa và điều trị nhiều loại bệnh lý khác nhau. Cồn khi vào trong sẽ được cơ thể chuyển hóa thành hai loại acid là lactic và acetic. Lúc này, thận sẽ phải đào thải thêm cả hai loại acid này bên cạnh acid uric nên một lượng acid uric sẽ bị giữ lại trong máu. Cũng bởi đồ uống có hại này mà gan và thận bị ảnh hưởng, làm rối loạn quá trình chuyển hóa và đào thải acid uric trong máu. Do vậy, người bệnh bắt buộc phải hạn chế tối đa việc sử dụng đồ uống có cồn nếu muốn điều chỉnh lượng acid uric.
Hạn chế sử dụng các loại thuốc làm tăng acid uric
Do thành phần trong thuốc mà một số loại thuốc có thể sẽ làm tăng acid uric, đặc biệt là khi sử dụng kéo dài. Các loại thuốc được đề nghị hạn chế sử dụng bởi ảnh hưởng xấu này là thuốc điều trị lao, thuốc lợi tiểu và Aspirin. Khi sử dụng kéo dài, khả năng bài tiết acid uric của thận sẽ bị ảnh hưởng do đó người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ.
Uống thuốc giảm acid uric
Khi cần thiết, người bệnh phải sử dụng một số loại thuốc do bác sĩ chỉ định để làm giảm nhanh và cân bằng lượng acid uric trong máu. Một trong hai nhóm thuốc sau đây có thể được chỉ định là thuốc tăng thải acid uric và thuốc ức chế tổng hợp acid uric. Các loại thuốc này cần phải được dùng đúng liều lượng và có thể gây ra các tác dụng phụ nên hãy tham vấn bác sĩ trước khi sử dụng.
Bài viết trên đây đã cung cấp khái niệm cơ bản về acid uric cũng như 10 cách giảm acid uric trong máu cụ thể, rõ ràng. Có rất nhiều cách hiệu quả, người đọc có thể tham khảo các cách trên đây cũng như hỏi ý kiến của các chuyên gia khi cần thiết. Điều hòa acid uric trong máu giúp cơ thể khỏe mạnh hơn và cũng là cách phòng ngừa bệnh gout hiệu quả.