Bị hắc lào nặng là tình trạng bệnh lan rộng, dễ tiến triển thành biến chứng và để lại sẹo nếu không được điều trị đúng cách. Dưới đây là các triệu chứng, cách điều trị và chăm sóc để tình trạng này sớm khỏi.
Bị hắc lào nặng có triệu chứng gì?
Một số triệu chứng thường gặp ở những người bị hắc lào nặng đó là:
- Vùng da bị hắc lào lan rộng ra nhiều khu vực. Các vết ngứa rát nặng có chiều dài lên tới 15-20cm.
- Nhiều vị trí cơ thể có dấu hiệu xuất hiện hắc lào
- Các mụn nước nổi to hơn, bị vỡ ra gây lở loét
- Một số vùng da bị chuyển từ màu đỏ sang màu tím tái
- Người bệnh có các biểu hiện kèm theo như: Sốt, chán ăn, đau nhức cơ thể.
Nguyên nhân gây hắc lào nặng
Đây là bệnh nhiễm trùng da do các vi nấm phát triển quá mức gây ra. Bệnh lý này thường gây ra bởi các nguyên nhân như:
Vệ sinh da không tốt
Môi trường da nhiều dầu, mồ hôi và bụi bẩn là “lý tưởng” để các vi nấm phát triển mạnh mẽ hơn. Vì thế, nếu người bệnh có thói quen không vệ sinh sạch sẽ thì các vết hắc lào nặng cũng dễ lây lan rộng sang các vùng da khác.
Sử dụng các loại thuốc bôi chứa corticoid
Ở mức độ nhẹ, bệnh có thể khỏi nhanh khi sử dụng đúng các loại thuốc theo đơn kê của bác sĩ. Tuy nhiên, không ít người bệnh tự ý dùng thuốc chữa bệnh kém chất lượng bán trên thị trường khiến bệnh kéo dài và diễn tiến nặng nề.
Bởi có nhiều loại thuốc có chứa corticoid khiến da giảm sức đề kháng. Vì vậy da của người bệnh dễ tổn thương hơn như lở loét, chảy dịch và tạo điều kiện kích hoạt bội nhiễm.
Do thói quen chà xát, cào gãi lên da
Bệnh hắc lào nặng không chỉ gây tổn thương da mà còn khiến người bệnh ngứa ngáy khó chịu. Chính vì vậy, nhiều người bệnh có thói quen chà xát, cào gãi bề mặt da để giảm ngứa. Thói quen xấu này có thể khiến da tổn thương nặng hơn, tăng nguy cơ nhiễm trùng và tổn thương da sâu hơn.
Sức đề kháng suy giảm
Ở những người có sức đề kháng tốt thì quá trình lành các tổn thương trên da sẽ thuận lợi hơn. Ngược lại, một số người bệnh có sức đề kháng suy giảm thì quá trình tổn thương da thường chậm lành. Vì vậy bệnh nhân bị tiểu đường, HIV, trẻ em, phụ nữ mang thai thường có tỷ lệ bị hắc lào nặng cao hơn người bình thường.
Bị hắc lào nặng có nguy hiểm không?
Tình trạng này không nguy hiểm đến tính mạng tuy nhiên ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tinh thần của người bệnh. Đặc biệt khi làm việc đổ mồ hôi nhiều, thời tiết nóng bức hay ẩm ướt cũng khiến người bệnh hết sức khó chịu.
Ngoài ra, bệnh lý này còn làm mất tính thẩm mỹ do các vết mẩn, mụn nước và vảy trên da khiến người bệnh có cảm giác tự ti trong giao tiếp.
Nghiêm trọng hơn, ở các vùng da hắc lào nặng thường lở loét nhiễm trùng có thể gây bội nhiễm, để lại sẹo hoặc chuyển sang chàm. Khi bị chàm, vùng da khô sạm sần sùi, mất tính thẩm mỹ và khó điều trị hơn. Một số trường hợp nam giới bị hắc lào ở háng nặng, vi nấm có thể lan đến vùng bìu và xâm nhập vào cậu bé và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Bệnh còn dễ lây nhiễm cho những người có tiếp xúc da thịt hoặc dùng chung khăn/quần áo. Vì vậy, người bệnh nên chủ động điều trị kịp thời ngay từ khi mới bị để hạn chế những biến chứng không mong muốn.
Cách chữa trị hắc lào nặng dứt điểm
Bệnh khi đã diễn tiến nặng thì việc điều trị sẽ khó khăn hơn lúc mới phát bệnh. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có thể chữa trị dứt điểm nếu nghiêm túc điều trị kết hợp với các phương pháp chăm sóc tốt tại nhà. Khi bị hắc lào nặng, bạn có thể điều trị như sau:
Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ
Với người bệnh bị hắc lào nặng, sử dụng thuốc để điều trị được nhận định là giải pháp bắt buộc. Các loại thuốc giúp ức chế hoạt động của vi nấm từ đó kiểm soát tổn thương da và ngăn ngừa tình trạng bội nhiễm nặng hơn. Một số loại thuốc thường được các bác sĩ kê đơn theo toa gồm:
- Thuốc kháng nấm dạng kem bôi: Loại thuốc này giúp giảm tổn thương da lan rộng từ đó giúp người bệnh dễ chịu hơn, làm dịu cảm giác đau rát và ngứa ngáy. Một số loại thuốc bôi phổ biến có thể kể đến là miconazol, ketoconazol, hay econazol.
- Thuốc kháng nấm đường uống: Được dùng kết hợp dạng bôi để giảm nhanh các triệu chứng bệnh hắc lào nặng. Một số loại thuốc thường được bác sĩ chỉ định có thể là: itraconazole, griseofulvin, ketoconazol, fluconazole…
- Thuốc kháng sinh: Được dùng khi có bội nhiễm trên vùng da bị ngứa. Các loại thuốc kháng sinh thường được chỉ định là nhóm penicillin và macrolid.
- Thuốc giảm đau và chống viêm: Các loại thuốc này được dùng trong trường hợp người bệnh bị sốt, đau, viêm kéo dài. Tuy nhiên cần thận trọng khi sử dụng cho người có bệnh về dạ dày, gan hay tim mạch.
- Dung dịch sát khuẩn: Giúp sát trùng nhẹ, giảm viêm và làm dịu da cho người bệnh. Một số dung dịch sát khuẩn thường được kê theo toa như: Jarish, Chlorhexidine, Povidone-iodine…
Người bị hắc lào nặng cần kiên trì sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Trong trường hợp đơn thuốc không đáp ứng hoặc có những biểu hiện bất thường, người bệnh cần liên hệ với các cơ sở y tế để được điều chỉnh phù hợp. Bệnh nhân không tự ý sử dụng, kết hợp, thay thế đơn thuốc trong bất cứ trường hợp nào.
Giải pháp chăm sóc tại nhà cho người bị hắc lào nặng
Để giúp quá trình điều trị hắc lào nặng nhanh hơn, người bệnh cần kết hợp chế độ chăm sóc tại nhà đúng cách. Một số điều bệnh nhân cần lưu ý có thể kể đến như:
- Điều chỉnh chế độ ăn uống bằng cách bổ sung thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất, uống đủ nước. Người bệnh tránh tiêu thụ các thực phẩm như: Hải sản, rau muống, đồ cay nóng…
- Tuyệt đối không được chà xát hay cào gãi lên vùng da bị bệnh
- Sử dụng các sản phẩm vệ sinh dịu nhẹ từ nguyên liệu thiên nhiên để vệ sinh da. Người bệnh không dùng sản phẩm chứa nhiều cồn hay chất tẩy rửa mạnh.
- Mặc đồ thoáng mát, rộng rãi, chất liệu thấm hút mồ hôi
- Người bệnh không nên vận động mạnh làm cơ thể tiết nhiều mồ hôi
- Nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi ngày và tránh căng thẳng để bệnh nhanh thuyên giảm.
Hy vọng các thông tin trên đã giúp bạn hiểu hơn về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị tình trạng bị hắc lào nặng. Lời khuyên cuối: Hãy thăm khám các bác sĩ chuyên khoa ngay khi có biểu hiện bệnh để bảo vệ bản thân và gia đình mình khỏi những biến chứng không mong muốn.