Cứng khớp là một căn bệnh xương khớp có thể gây liệt vận động, tàn phế nếu không được chữa trị kịp thời. Để hiểu rõ hơn về bệnh, mời bạn tìm hiểu chi tiết qua bài viết!
Cứng khớp là gì?
Cứng khớp là tình trạng các khớp giảm lượng dịch dẫn tới nhức mỏi, tê bì, khó khăn khi di chuyển và vận động khớp. Tình trạng này thường xảy ra ở các khớp như: vai, chân, tay, ngón chân…
Các triệu chứng của cứng khớp sẽ nặng hơn sau khi người bệnh ngủ dậy. Lúc này, người bệnh sẽ cảm thấy cơ thể khó khăn để vận động hoặc cử động các khớp hơn. Tình trạng này nếu để lâu dài có thể dẫn đến các tổn thương về khớp gây biến chứng nguy hiểm như liệt vận động.
Dấu hiệu nhận biết cứng khớp
Các triệu chứng cứng khớp không khó để nhận biết, người bệnh có thể nhận biết qua các biểu hiện sau:
- Đau nhức khi cử động khớp: Người bị cứng khớp thường đau ở các khớp, cơn đau tăng mạnh khi cử động đột ngột. Ngoài ra, người bệnh sẽ cảm nhận rõ cảm giác đau vào đêm khuya, sáng sớm sau khi ngủ dậy hoặc khi thời tiết chuyển mùa.
- Khớp cử động không linh hoạt: Cứng khớp khiến cho các khớp trong cơ thể không thể linh hoạt như trước đó. Người bệnh thường mất một thời gian ngắn để co duỗi các khớp, cúi người, nghiêng cổ…
- Phạm vi khớp chuyển động hạn chế: So với các khớp còn lại hoặc so với người bình thường, những khớp bị cứng thường có phạm vi chuyển động hạn chế hơn. Ví dụ, tay không thể duỗi thẳng ra hết mức, chân không thể dang rộng….
- Một số triệu chứng khác: Cứng khớp có thể khiến người bệnh mệt mỏi, suy nhược, khó ngủ và ảnh hưởng đến dây thần kinh.
Nguyên nhân gây cứng khớp
Nguyên nhân gây cứng khớp thường gặp nhất là do lão hóa tự nhiên của cơ thể. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác về sinh hoạt và các bệnh lý tiềm ẩn cũng có thể gây ra tình trạng này, cụ thể:
- Do chấn thương: Như lao động, chơi thể thao, bị ngã… gây vỡ xương, gãy xương, trật khớp, đứt gân. Những chấn thương này không được phục hồi đúng cách có thể gây cứng khớp, cử động khớp khó khăn.
- Bẩm sinh: Có một số người sinh ra đã gặp tình trạng xương khớp yếu dẫn đến nguy cơ bị cứng khớp cao.
- Những người điều trị các bệnh lý khác: Một số bệnh lý như lupus ban đỏ, vảy nến, HIV, gout… có thể ảnh hưởng đến sức khỏe xương khớp khiến người bệnh có nguy cơ bị cứng khớp cao.
- Người mắc các bệnh về xương khớp như: sưng khớp, viêm khớp dạng thấp, thoái hóa xương khớp…
- Người từng phẫu thuật xương khớp: Những người từng phẫu thuật xương khớp như thay khớp, bó bột… thường có hệ xương khớp yếu hơn thông thường dẫn tới nguy cơ bị cứng khớp cao.
Bệnh cứng khớp có nguy hiểm không?
Cứng khớp là một bệnh lý ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe người bệnh. Mức độ nguy hiểm của cứng khớp phụ thuộc vào diễn tiến của bệnh. Thông thường, những người bị cứng khớp có thể đối mặt với các biến chứng sau:
Suy giảm, mất chức năng vận động
Những người bị cứng khớp sẽ khiến việc đi lại khó khăn, bàn tay khó cầm nắm. Tình trạng này kéo dài có thể làm các bộ phận này suy giảm chức năng nghiêm trọng thậm chí gây mất khả năng vận động.
Nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch
Ở những người bệnh bị cứng khớp do viêm khớp kéo dài không chỉ gây ảnh hưởng đến khớp mà còn tấn công tới nhiều cơ quan khác của cơ thể như tim mạch. Tình trạng cứng khớp gây tổn thương tới niêm mạc mạch máu và gây tích tụ các mảng bám. Những mảng bám này có thể dẫn đến hẹp động mạch, giảm lưu lượng máu đến tim gây ra các bệnh lý tim mạch.
Teo cơ, biến dạng khớp thậm chí tàn phế
Nếu không điều trị kịp thời cứng khớp có thể dẫn đến khớp biến dạng, dính khớp hoặc teo cơ. Khi tình trạng teo cơ kéo dài có thể khiến người bệnh bị tàn phế, mất hoàn toàn khả năng lao động.
Các phương pháp điều trị cứng khớp
Các phương pháp điều trị cứng khớp giúp người bệnh giảm đau nhức, phục hồi khả năng vận động của xương khớp. Thông thường, người bệnh sẽ được chỉ định các phương pháp điều trị sau:
Sử dụng các loại thuốc giảm đau, kháng viêm
Các loại thuốc giảm đau, kháng viêm thường được chỉ định cho người bị cứng khớp:
- Thuốc giảm đau không steroid: Thường là các loại thuốc có thành phần Diclofenac, Ibuprofen… giúp giảm tình trạng sưng đau hoặc cứng khớp. Tuy nhiên những loại thuốc này có thể ảnh hưởng đến dạ dày nếu người bệnh lạm dụng.
- Thuốc điều trị chứa Corticoid: Những loại thuốc này giúp giảm sưng, cứng, tiêu viêm hiệu quả. Người bệnh cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để tránh nguy cơ mắc các bệnh về gan, thận, loãng xương hoặc tiểu đường.
Thuốc tăng cường sức khỏe xương khớp
Đây là những loại thuốc giúp tăng cường sức khỏe xương khớp cũng như hỗ trợ tái cấu trúc các khớp bị tổn thương, có thể kể đến như: glucosamin, canxi, MSM, Chondroitin sulfate, Collagen…
Vật lý trị liệu
Các phương pháp vật lý trị liệu như châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt… giúp hỗ trợ lưu thông máu và cải thiện tình trạng sưng viêm, đau nhức rõ rệt. Tùy vào tình trạng sức khỏe của người bệnh, các chuyên gia vật lý trị liệu sẽ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Chú ý đến dinh dưỡng và tập luyện
Người bệnh cứng khớp cần bổ sung chế độ dinh dưỡng đầy đủ các chất cần thiết cho cơ thể và xương khớp gồm: chất béo, chất đạm, vitamin và các khoáng chất. Đặc biệt, người bệnh cứng khớp nên bổ sung thêm các thực phẩm giàu canxi, omega 3… để tăng cường khả năng phục hồi của xương khớp.
Ngoài chế độ dinh dưỡng, người bị cứng khớp cần thực hiện các bài tập thể dục tốt cho sức khỏe như đi bộ, bơi lội, yoga…
Khi bị cứng khớp, người bệnh nên chú ý trong việc kiểm soát cân nặng, khám sức khỏe định kỳ cũng như sử dụng các phương pháp điều trị theo chỉ định của bác sĩ để tốt cho xương khớp.
Nhìn chung, cứng khớp không phải là căn bệnh nguy hiểm nếu được kiểm soát và điều trị sớm. Do đó, những người thường xuyên đau nhức xương khớp cần thăm khám và lựa chọn các phương pháp chữa trị tốt nhất để phòng ngừa biến chứng nguy hiểm. Chúc bạn nhanh khỏi bệnh!