Viêm khớp chứng bệnh liên quan đến xương khớp rất phổ biến. Liên quan đến bệnh này, có nhiều loại viêm khớp khác nhau. Viêm khớp tự phát thiếu niên là một loại viêm khớp được tương đối ít người biết đến. Vì vậy, bài viết dưới đây sẽ cung cấp các kiến thức cơ bản về khái niệm, các thể khác nhau của bệnh, cách điều trị,… để giúp người đọc hiểu rõ hơn về chứng bệnh này.
Viêm khớp tự phát thiếu niên là gì?
Viêm khớp tự phát thiếu niên là tình trạng viêm khớp mạn tính (bởi thường kéo dài trên 6 tuần), xảy ra ở đối tượng thiếu niên (trẻ em dưới 16 tuổi). Y học hiện đại chưa xác định rõ được nguyên nhân gây bệnh chỉ biết rằng sau khi nhiễm virus, trẻ có thể mắc bệnh. Những dấu hiệu chung của bệnh thường là các biểu hiện sưng khớp, đau khớp hoặc tràn dịch trong khớp.
Các loại viêm khớp tự phát thiếu niên
Dựa vào các đặc điểm đặc trưng khác mà viêm khớp tự phát thiếu niên được chia thành các loại viêm khớp khác nhau như sau:
Viêm khớp thiếu niên thể viêm nhiều khớp
Bệnh được xác định là thể viêm nhiều khớp khi xét thấy có từ 5 khớp trở lên bị tổn thương. Thể viêm nhiều khớp này được chia làm hai nhánh nhỏ hơn là thể có RF âm tính và thể có RF dương tính. Cụ thể, bệnh nhân được chẩn đoán mắc thể viêm nhiều khớp RF âm tính khi kết quả của 2 lần xét nghiệm RF là âm tính trong vòng 3 tháng. Trẻ 2 tuổi và trẻ gần đến tuổi trưởng thành là hai nhóm đối tượng dễ gặp thể này nhất với tỉ lệ nam nhiều hơn nữ. Ngược lại, ít nhất 2 lần xét nghiệm RF trong 3 tháng đều cho kết quả dương tính thì bệnh nhân được chẩn đoán là mắc thể viêm nhiều khớp RF dương tính. Với thể RF dương tính này, trẻ trên 10 tuổi là nhóm đối tượng chủ yếu mắc phải với tỷ lệ nữ nhiều hơn nam (4:1).
Viêm khớp thiếu niên thể viêm ít khớp
Ít khớp ở đây là dưới 5 khớp, nghĩa là viêm khớp tự phát thiếu niên có biểu hiện viêm khớp ở 4 khớp hoặc ít hơn thì được gọi là thể viêm ít khớp. Thể viêm ít khớp này gồm 2 loại nhỏ là thể giới hạn và mở rộng. Cụ thể, trong khi bệnh diễn tiến, số khớp bị viêm vẫn luôn không lớn hơn 4 khớp thì được gọi là thể giới hạn. Ngược lại, khi bệnh tiến triển, số khớp bị tổn thương cũng tăng dần lên vượt quá 5 khớp thì được gọi là thể mở rộng. Thể viêm ít khớp này biểu hiện ở nhóm đối tượng chính là trẻ 2-5 tuổi với tỷ lệ nữ gấp 5 lần nam.
Viêm khớp dạng thấp thể viêm khớp vảy nến
Như tên gọi, đây là tình trạng viêm khớp kèm theo vảy nến. Các điều kiện để chẩn đoán chính xác là tình trạng viêm khớp cùng với biểu hiện vảy nến đặc trưng hoặc cùng với 2 trong 3 biểu hiện: tiền sử vảy nến theo di truyền, ngón chi hình khúc dồi và vảy nến dạng móng. Bệnh này thường xuất hiện ở trẻ em 10-12 tuổi và trẻ em 2-3 tuổi với tỷ lệ nữ lớn hơn nam. Các triệu chứng lâm sàng gồm: biểu hiện của viêm khớp và vảy nến (xuất hiện đồng thời hoặc khác thời điểm); tổn thương khớp loại không đối xứng khi bệnh bắt đầu hình thành và phát triển. Sang giai đoạn tiếp theo, tình trạng ngón chi hình khúc dồi có thể xuất hiện do viêm nhiều khớp. Loại bệnh này thường cho kết quả RF âm tính khi xét nghiệm.
Viêm khớp dạng thấp có viêm điểm bám gân
Dạng viêm khớp này có thể còn được gọi là bệnh viêm cột sống dính khớp. Đây là tình trạng viêm khớp kéo dài làm xuất hiện quá trình vôi hóa ở cột sống cũng như làm dính khớp. Bé trai khoảng 6 tuổi là nhóm đối tượng chính của viêm khác dạng này. Bệnh nhân thường có các triệu chứng lâm sàng là xuất hiện viêm màng bồ đào mạn tính; chi dưới vừa bị viêm khớp không đối xứng vừa xuất hiện các điểm bám của gân và HLA-B27 có mặt với tỉ lệ cao.
Viêm khớp thiếu niên thể hệ thống
Đây là một dạng viêm khớp tự phát thiếu niên có nhóm đối tượng chính trẻ nhất – chỉ 1-2 tuổi với tỉ lệ nam nữ tương đương. Trẻ mắc dạng viêm khớp này có các triệu chứng rất khó phân biệt được với các bệnh khác như bạch cầu hay nhiễm khuẩn toàn thân. Đó là những biểu hiện hệ thống rõ rệt kèm theo sốt và xuất hiện hạch to ở gan lách. Do vậy, trẻ cần được chẩn đoán để xác định chính xác bệnh lý. Thể hệ thống bao gồm nhiều triệu chứng lâm sàng khác nhau. Trẻ bị viêm khớp trong khoảng 2 tuần rồi có thể khỏi hẳn. Tiếp đó, trẻ có thể bị sốt liên tục tối thiểu 3 ngày và kéo dài trong 2 tuần. Dần dần, các vết ban nổi lên và nội tạng của trẻ cũng bị tổn thương. Kết quả xét nghiệm cho thấy ferritin máu cao, tốc độ máu lắng cao, RF âm tính và CRP cao.
Viêm khớp thể không phân loại
Với thể không phân loại này, việc theo dõi tình trạng sức khỏe và đánh giá lại theo thời gian bệnh tiến triển là rất cần thiết. Thông thường, trường hợp viêm khớp dạng thấp thiếu niên với khớp bị viêm trong thời gian dài mà không có đủ tiêu chí phù hợp để phân loại vào bất cứ dạng nào nêu trên thì sẽ được liệt vào thể này. Vì bệnh có nhiều loại khác nhau với những triệu chứng phức tạp, dễ gây nhầm lẫn nên các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời ngay khi trẻ có biểu hiện viêm khớp.
Điều trị viêm khớp tự phát thiếu niên
Có nhiều phương pháp điều trị viêm khớp tự phát thiếu niên. Phương pháp đầu tiên là sử dụng thuốc điều trị cơ bản khi bệnh mới hình thành và biểu hiện. Một số loại thuốc có thể được chỉ định là: Methotrexate, Hydroxychloroquine, Etanercept (Enbrel) và Sulphasalazine. Phương pháp thứ hai là sử dụng NSAIDs – thuốc chống viêm không Steroid khi có kết quả chẩn đoán viêm khớp. Các loại thuốc phổ biến là: Naproxen, Aspirin, Diclofenac,… Phương pháp thứ ba là điều trị Corticoid. Với cách này, cơ thể bệnh nhân có thể nạp thuốc thông qua 2 đường: đường toàn thân hoặc đường tiêm. Đường toàn thân (hay uống) được áp dụng khi viêm khớp tự phát thể hệ thống bắt đầu tiến triển. Tiêm tại khớp được chỉ định khi khớp sưng đau nhiều với bệnh nhân thể viêm ít khớp.
Bệnh nhi cũng có thể được điều trị kết hợp khi bác sĩ xét thấy điều đó là cần thiết và phù hợp với tình trạng bệnh. Phương pháp này gồm các bậc theo khuyến cáo của WTO lần lượt là: Paracetamol và Efferalgan Codein. Nếu dùng corticoid thì cơ thể bệnh nhi cần được nạp thêm canxi, vitamin D và kali. Trong trường hợp bội nhiễm xuất hiện thì kháng sinh cũng được chỉ định. Các khớp bị viêm và phần cột sống bị tổn thương cũng có thể được chiếu tia hồng ngoại trong 15 phút (2 lần/ngày) để có hiệu quả điều trị tốt. Khi bệnh tiến triển đến một mức độ mà các loại thuốc nạp vào cũng không thể phát huy tác dụng hiệu quả thì bác sĩ sẽ cân nhắc điều trị ngoại khoa. Hai phương pháp điều trị ngoại khoa chính là nội soi khớp và thay khớp nhân tạo. Cần cân nhắc kĩ trước khi quyết định phẫu thuật bởi bệnh nhân vẫn còn nhỏ tuổi. Bệnh nhi cũng cần được theo dõi sát sao trong thời gian dài sau phẫu thuật.
Viêm khớp tự phát thiếu niên là một bệnh lý gồm các loại viêm khớp phức tạp hơn. Bệnh có ảnh hưởng tương đối lớn tới sức khỏe của trẻ cũng như gây khó khăn cho phụ huynh trong việc phát hiện chính xác và kịp thời bệnh. Bài viết trên đây đã cung cấp một phần kiến thức về bệnh lý phức tạp này. Phương pháp điều trị bệnh và những khía cạnh khác có thể được trình bày cụ thể hơn trong những bài viết sau. Rất mong nhận được sự đón nhận của bạn đọc!