Viêm khớp thiếu niên tự phát thể viêm cột sống dính khớp là một bệnh lý lâm sàng khá thường gặp trong các bệnh lý viêm khớp thiếu niên mang tính tự phát. Bệnh này thường gặp chủ yếu ở trẻ em với các biểu hiện như điểm bám gân bị viêm kèm với viêm khớp cùng một số triệu chứng toàn thân như sốt nhẹ, sút cân và mệt mỏi. Nắm được kiến thức liên quan đến triệu chứng, nguyên nhân và cách đối phó là phương án tối ưu nhất giúp người bệnh sớm khắc phục được tình trạng này. Hãy cùng tìm hiểu nội dung này ngay sau đây!
Viêm khớp thiếu niên tự phát thể viêm cột sống dính khớp là gì?
Viêm khớp thiếu niên tự phát thể viêm cột sống dính khớp là một bệnh nằm trong nhóm viêm khớp thuộc thể viêm khớp thiếu niên tự phát. Bệnh này còn được biết tới là bệnh viêm điểm bám gân – ERA với đặc trưng người bệnh bị viêm điểm bám gân và viêm phần khớp.
Bệnh này có thể xuất hiện ở cả nam và nữ giới, xuất hiện nhiều nhất ở trẻ em. Đặc biệt khi trẻ lên 6 tuổi hoặc bước vào tuổi thiếu niên thì bệnh thường sẽ bắt đầu khởi phát. Một số nghiên cứu cho thấy có yếu tố kháng nguyên HLA-B27 xuất hiện trong tiến trình phát triển của bệnh này.
Nguyên nhân gây bệnh viêm khớp thiếu niên tự phát thể viêm cột sống dính khớp?
Trên thực tế dù đã có nhiều nghiên cứu chuyên sâu nhưng các nhà khoa học vẫn chưa thể khẳng định chính xác yếu tố nguyên nhân gây ra bệnh này. Tuy nhiên có một số yếu tố được cho là thúc đẩy hình thành bệnh này như:
- Kháng nguyên HLA-B27: Đây là một chất có khả năng kích thích phản ứng viêm trong cơ thể và nó hiện được xem là tiền đề gây bệnh này.
- Cơ địa nhạy cảm: Nếu sinh ra trẻ đã có cơ địa nhạy cảm thì có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh này.
- Là giới tính nam: Yếu tố này được đưa ra dựa trên số liệu cứ có 9 bé nam mắc bệnh thì mới có 1 trường hợp là bé gái mắc bệnh.
- Nhiễm trùng ngoài khớp do các tác nhân như Samonella, Yersinia, Shigella, Chlamydia, Klebsiella…
Triệu chứng của bệnh viêm khớp thiếu niên tự phát thể viêm cột sống dính khớp
Các triệu chứng của bệnh này được phân ra làm 3 nhóm là: triệu chứng viêm ở khớp, triệu chứng viêm ở điểm bám gân và triệu chứng chung toàn thân. Cụ thể như sau:
Triệu chứng viêm ở khớp
- Người bệnh bị đau ở khớp với cơn đau tập trung nhiều vào ban đêm.
- Cơn co cứng khớp vào buổi sáng mỗi khi ngủ dậy làm giảm khả năng và biên độ vận động.
- Viêm khớp tập trung ở những khớp lớn thuộc chi dưới như đầu gối, khớp bàn chân và khớp ngón chân, có thể viêm ở một vài hoặc nhiều khớp, viêm khớp đối xứng hoặc không.
- Có thể có viêm khớp cùng chậu một hoặc ở cả hai bên.
- Trong giai đoạn khởi phát thường ít ảnh hưởng tới khớp cột sống.
- Trong giai đoạn toàn phát thường gây đau khớp cùng chậu, viêm cột sống cổ và viêm cột sống thắt lưng. Do đó trong giai đoạn này thường trẻ sẽ rất đau ở mông và đau vùng lưng dưới.
- Khi làm Schober test thì cho dương tính và khiến cột sống bị giảm biên độ giãn.
- Ở trẻ nhỏ, khi bệnh tiến triển thường các tổn thương tại vùng trung tâm như khớp cột sống hay khớp cùng chậu thường xuất hiện sau, chậm phát triển và khó phát hiện.
Triệu chứng viêm ở điểm bám gân
Viêm khớp bám gân là triệu chứng đặc trưng trong bệnh này và nó thường hình thành ở gối và hai bàn chân.
Triệu chứng toàn thân
- Người thường xuyên trong trạng thái hết hơi, mệt mỏi khó chịu
- Sốt nhẹ
- Sút cân
- Biểu hiện bất thường ở hệ thống như hở van động mạch chủ hay bị viêm mống mắt thể cấp tính với một bên mắt bị viêm rồi tái phát nhiều lần.
- Nếu viêm khớp thuộc hội chứng Reiter thì có thể khiến người bệnh có triệu chứng viêm da.
- Viêm ruột thể mãn tính.
Chẩn đoán bệnh viêm khớp thiếu niên tự phát thể viêm cột sống dính khớp
Chẩn đoán lâm sàng
Dựa trên các biểu hiện trên lâm sàng thể hiện như sau:
- Thể hiện ở thời điểm bám gân và những biểu hiện ở các khớp lớn chi dưới, khớp cột sống và khớp cùng chậu.
- Dựa trên mức độ viêm và tình trạng đau ở các khớp nhằm đánh giá các cấp độ ảnh hưởng của bệnh.
- Dựa trên phạm vi chuyển động và sự linh hoạt của các khớp.
- Dựa trên những triệu chứng khác ngoài khớp.
- Dựa trên tiền sử bệnh lý của người bệnh.
Chẩn đoán cận lâm sàng
Dựa trên kết quả xét nghiệm, chụp chiếu ở các cơ quan, khớp xương. Điển hình là:
- X quang khớp: Tìm ra các bất thường và tổn thương ở khớp lớn, khớp cùng chậu và xương cột sống. Nếu hình thành chồi xương ở điểm gân bám hoặc các khuyết xương thì nghi ngờ bệnh.
- Chụp X quang khung chậu thẳng và x quang tim phổi thẳng để kiểm tra sự ảnh hưởng tới các cơ quan khác.
- Chụp cộng hưởng từ MRI nhằm tìm ra những tổn thương nhỏ hơn trên khớp mà x quang không thể hiện ra được.
- Xét nghiệm máu để kiểm tra tốc độ máu lắng, sự tăng giảm bất thường của những tế bào máu ngoại vi hay sự mật độ của protein C phản ứng.
- Xét nghiệm sinh hóa điển hình là: phân tích nước tiểu, cortison máu, nồng độ sắt huyết thanh, nồng độ albumin, protein, creatinin, ure, chất điện giải và nồng độ đường trong máu.
- Xét nghiệm kháng nguyên bạch cầu HLA-B27.
- Siêu âm tim và điện tim để phát hiện những tổn thương ở van động mạch chủ.
Tiêu chuẩn chẩn đoán viêm khớp thiếu niên tự phát thể viêm cột sống dính khớp
Tiêu chuẩn này này dựa trên tình trạng cả điểm bám gân, các khớp đều có biểu hiện viêm hoặc có viêm điểm bám gân hoặc viêm khớp nhưng có thêm ít nhất 2 trong số các triệu chứng sau:
- Viêm khớp bắt đầu phát ra sau 6 tuổi
- Trong gia đình có tiền sử mắc ít nhất một bệnh lý về khớp có yếu tố HLA-B27
- Dương tính khi xét nghiệm tìm HLA-B27
- Bản thân đã từng hoặc đang bị đau cột sống, viêm khớp cùng chậu
- Màng bồ đào trước có viêm nhiễm cấp tính
Điều trị viêm khớp thiếu niên tự phát thể viêm cột sống dính khớp
Những loại thuốc điều trị thường dùng với mục tiêu làm giảm nguy cơ biến chứng, thuyên giảm triệu chứng của bệnh này. Sử dụng thuốc như thế nào sẽ dựa vào giai đoạn mắc bệnh, những thông tin dưới đây chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho những chỉ định y khoa.
Điều trị trong giai đoạn sớm
- Thường sử dụng một số loại thuốc chống viêm không chứa steroid để kiểm soát cơn đau cũng như giảm viêm ở khớp và điểm bám gân mức độ nhẹ. Đại diện điển hình có Ibuprofen hoặc Naproxen.
- Corticoid: Sử dụng trong trường hợp tổn thương viêm, sưng nặng. Thường tiêm trực tiếp vào điểm đau. Thuốc này có thể dùng kết hợp với thuốc uống chống viêm không chứa steroid để tăng hiệu lực. Lưu ý rằng corticoid tuy hiệu quả nhanh nhưng lại chứa rất nhiều tác dụng phụ nên chỉ sử dụng trong thời gian ngắn và liệu lượng kiểm soát chặt chẽ.
Điều trị trong giai đoạn tiến triển
Thường sử dụng những loại thuốc sau:
- Prednisone: Sử dụng nếu người bệnh không cho đáp ứng tốt với những loại thuốc chống viêm thông thường hoặc trường hợp viêm khớp tiến triển nặng thành viêm dính cột sống, viêm khớp kéo dài từ 2-4 tháng trở lên, biểu hiện tăng máu cao.
- Thuốc chống thấp khớp – DMARDs: Điển hình có Sulfasalazine hoặc Methotrexat. Thuốc này được dùng trong trường hợp người bệnh có biểu hiện của viêm dính cột sống sớm hoặc bệnh tiến triển nặng.
- Thuốc kháng TNF α (Etanercept) hoặc Adalimumab (Humira): Áp dụng nếu người bệnh cho đáp ứng kém với tất cả những loại thuốc kể trên.
Điều trị trong giai đoạn bệnh lui
Thường người bệnh sẽ được chỉ định dùng Sulfasalazine từ 6 tháng tới 1 năm và ngừng dùng thuốc chống viêm không chứa steroid.
Sau điều trị người bệnh sẽ vẫn cần theo dõi sức khỏe định kỳ và dấu hiệu tái phát bệnh khi không còn dùng thuốc.
Điều trị nếu có tái phát
Thường dùng Sulfasalazine kết hợp với những loại chống viêm không chứa steroid trong giai đoạn lui bệnh thì có thể duy trì được kết quả điều trị về lâu dài. Nếu triệu chứng tái phát thì cần sử dụng lại những loại thuốc đã dùng hiệu quả trước đó trong giai đoạn lui bệnh nhằm mục tiêu kiểm soát triệu chứng.
Trên đây là những thông tin về bệnh viêm khớp thiếu niên tự phát thể viêm cột sống dính khớp. Hy vọng rằng những kiến thức này hữu ích với bạn, chúc bạn đọc sức khỏe!