Viêm khớp dạng thấp có chữa khỏi được không là thắc mắc của nhiều người bệnh cũng như người thân của họ. Dựa theo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa, chúng tôi sẽ đưa ra cho bạn câu trả lời chính xác nhất về vấn đề này trong bài viết dưới đây.
Viêm khớp dạng thấp có chữa khỏi được không?
Viêm khớp dạng thấp là một thuật ngữ Y học dùng để chỉ tình trạng tổn thương ở khớp cùng nhiều bộ phận khác trong cơ thể khi hệ thống miễn dịch tấn công vào các mô cơ khỏe mạnh. Đây là bệnh lý viêm mãn tính, thuộc nhóm bệnh tự miễn có thể xảy ra ở nhiều khớp trên cơ thể. Triệu chứng điển hình mà người bệnh gặp phải là viêm màng bao hoạt dịch, sưng, đau nhức, xương bị bào mòn hoặc biến dạng khớp.
Theo thống kê thực tế từ các bệnh viện, khoảng 10% bệnh nhân viêm khớp dạng thấp có thể tự cải thiện triệu chứng bệnh mà không cần can thiệp điều trị. Tỷ lệ người bị tàn tật, mất chức năng của khớp do không được điều trị kịp thời, đúng cách lên đến 40% tổng số trường hợp mắc bệnh.
Các nghiên cứu về bệnh lý này cũng chỉ ra, các triệu chứng của bệnh giảm dần theo thời gian bệnh phát triển. Bệnh bùng phát thành từng đợt cấp tính, tức là xen kẽ cả thời gian viêm, tổn thương mô và thời gian bệnh không hoạt động. Do đó, có những giai đoạn người bệnh có thể thấy triệu chứng biến mất hoàn toàn. Tuy nhiên, bệnh không được loại bỏ mà vẫn tiến triển trong âm thầm dẫn đến hàng loạt các rủi ro liên quan.
Về câu hỏi bệnh viêm khớp dạng thấp có chữa khỏi được không mà nhiều người đặt ra, các bác sĩ chuyên khoa xương khớp cùng nhận định: Các phương pháp Y học ở thời điểm hiện tại không thể điều trị dứt điểm viêm khớp dạng thấp mà chỉ có thể cải thiện được triệu chứng bệnh, giảm thiểu nguy cơ tái phát.
Dù không thể điều trị dứt điểm nhưng việc điều trị viêm khớp dạng thấp bắt buộc phải được thực hiện để ngăn chặn các tổn thương nghiêm trọng xảy ra ở xương khớp và các bộ phận khác. Điều quan trọng bạn cần lưu ý là thực hiện thăm khám tại các bệnh viện, cơ sở y tế uy tín để có biện pháp điều trị phù hợp nhất.
Phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp hiệu quả hiện nay
Thời gian và phương pháp điều trị quyết định kết quả cuối cùng của người bệnh. Mục tiêu hướng đến của các phương pháp chữa trị viêm khớp dạng thấp là:
- Giảm các triệu chứng bệnh viêm khớp dạng thấp như đau, cứng khớp
- Ngăn ngừa tổn thương ở các khớp, mô và các cơ xung quanh
- Nâng cao sức khỏe tổng thể, cải thiện chức năng xương khớp, giúp khớp vận động linh hoạt hơn
Một số phương pháp điều trị mà người bệnh thường áp dụng là:
Dùng thuốc điều trị
Thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp hiện nay đa dạng cả về thành phần, hiệu quả thực tế và giá cả. Thời gian sử dụng có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng theo chỉ định của bác sĩ. Trong quá trình sử dụng, thuốc có thể gây ra rất nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng. Do vậy, để đảm bảo an toàn tuyệt đối bạn nên cân nhắc sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Một số loại thuốc thường được kê cho người bệnh viêm khớp dạng thấp là:
- Thuốc chống viêm không chứa Steroid – NSAID: Phổ biến trong nhóm này là Naproxen, Meloxicam…
- Thuốc Corticosteroids: Chủ yếu người bệnh sử dụng Prednisone hoặc Dexamethasone
- Thuốc chống thấp khớp có tác dụng chậm như Methotrexate
- Thuốc sinh học ức chế hoạt động của hệ thống miễn dịch như Humira, Enbrel, Remicade…
- Thuốc ức chế JAK – Janus Kinase phổ biến là XelJanz (loại thuốc này mới được phê duyệt trong điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp).
Vật lý trị liệu
Ngoài dùng thuốc, người bệnh sẽ được cân nhắc dùng phương pháp vật lý trị liệu để điều trị viêm khớp dạng thấp. Mục tiêu hướng đến của cách chữa này là giúp giảm triệu chứng, cải thiện chức năng vận động, ngăn ngừa nguy cơ bại liệt của người bệnh. Ngoài ra, vật lý trị liệu cũng được sử dụng để tăng cường hỗ trợ cơ xương khớp, tăng cường sức khỏe tổng thể.
Phương pháp chữa trị viêm khớp dạng thấp bằng vật lý trị liệu phải được thực hiện bởi người có chuyên môn, hiểu rõ cơ chế hoạt động của hệ cơ xương khớp. Các chuyên gia vật lý trị liệu sẽ xây dựng một kế hoạch luyện tập phù hợp với tình trạng để đảm bảo hiệu quả điều trị.
Một số liệu pháp vật lý trị liệu thường được áp dụng là:
- Thực hiện các bài tập thể dục cải thiện được linh hoạt của khớp
- Chườm nóng hoặc chườm lạnh nhằm cải thiện các cơn đau nhức, giúp người bệnh thoải mái hơn
- Xoa bóp, bấm huyệt giảm đau
Một số tư thế vận động hàng ngày được chuyên gia vật lý trị liệu hướng dẫn nhằm đảm bảo không làm tình trạng bệnh lý tiến triển nặng thêm.
Phẫu thuật
Phẫu thuật ít được áp dụng trong điều trị viêm khớp dạng thấp. Cả người bệnh và bác sĩ đều ưu tiên sử dụng phương pháp điều trị bảo tồn. Tuy nhiên, nếu trường hợp bệnh nhân gặp phải tổn thương khớp nghiêm trọng cùng nhiều biến chứng nguy hiểm thì cần phẫu thuật để tránh các rủi ro không mong muốn.
Thông thường, phẫu thuật thường được thực hiện là thay thế khớp ở hông, đầu gối. Tiếp đến là phẫu thuật ống cổ tay, loại bỏ màng bao hoạt dịch. Một số bệnh nhân cần phẫu thuật hợp nhất khớp.
Viêm khớp dạng thấp có thể cải thiện bằng một số phương pháp khác như:
- Thay đổi chế độ ăn uống: Người bệnh cần duy trì một chế độ dinh dưỡng riêng nhằm giảm đau, giảm viêm. Cụ thể, thực đơn bữa ăn hàng ngày nên bổ sung thêm thực phẩm như bông cải xanh, trái cây mọng, các loại cá, các loại đậu… Ngoài ra cần tránh xa các loại thực phẩm chế biến sẵn, đường, rượu, các chất kích thích để không làm triệu chứng bệnh thêm trầm trọng.
- Tập Yoga: Các bài tập Yoga kết hợp với thể dục, thở và thiền làm dịu các cơn đau, giảm căng thẳng và nâng cao độ linh hoạt của cơ xương khớp.
- Thư giãn cơ bắp: Siết chặt và thả lỏng các cơ từ đỉnh đầu đến chân dọc cơ thể. Cơ bắp được co giãn giúp cải thiện đau nhức tại vùng tổn thương.
Trên đây là thông tin tổng hợp của chúng tôi giải đáp thắc mắc về vấn đề viêm khớp dạng thấp có chữa khỏi được không. Quy trình chữa trị và bùng phát bệnh lặp lại theo vòng tròn. Do vậy, bạn hãy lắng nghe tư vấn cụ thể của bác sĩ để có biện pháp chữa trị phù hợp.