Viêm đa cơ là một bệnh lý nằm trong nhóm tự miễn không phổ biến do đó có thể nhiều người còn chưa biết rõ về nó. Tình trạng này có thể khiến cơ bị yếu đi và hình thành những tổn thương trên xương khớp. Mặc dù vẫn chưa có phương án đặc trị dứt điểm bệnh này nhưng hoàn toàn có thể cải thiện nó bằng thuốc kết hợp với những biện pháp bổ trợ. Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn về bệnh lý này trong nội dung sau!
Viêm đa cơ là gì?
Viêm đa cơ trước đây thường được gộp vào cùng một bệnh lý cùng với viêm da cơ vì cả hai tình trạng này đều gây ra những tổn thương trên da thể mãn tính và có sự ảnh hưởng nhất định tới những bó cơ vân. Ngoài ra thì cả hai bệnh này về lâu về dài đều gây yếu cơ ở những vùng gốc chi đối xứng cả hai bên cùng với các tổn thương trên da (trong một số trường hợp). Tuy vậy, hiện nay thì hai bệnh lý này đã được phân tách với nhau do việc xác định các tổn thương trên cơ và ảnh hưởng đến da đã rõ ràng hơn.
Trong y khoa, bệnh lý viêm đa cơ được biết đến với thuật ngữ chuyên ngành là polymyositis. Đây là một tình trạng viêm không phổ biến và có thể gây hậu quả yếu cơ ở cả hai bên cơ thể, làm người bệnh khó khăn khi đứng lên ngồi xuống, leo cầu thang, cúi nhấc đồ vật hoặc vươn người khó khăn.
Người trong độ tuổi từ 30-50 có khả năng ảnh hưởng bởi bệnh này nhiều nhất, nữ giới có tỷ lệ mắc cao hơn. Các triệu chứng của bệnh thường phát triển chậm và rõ ràng sau vài tuần hay vài tháng.
Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm đa cơ
Viêm đa cơ gây ra những triệu chứng tiến triển dần theo thời gian và có khi nó sẽ xuất hiện đột ngột. Triệu chứng điển hình trong bệnh này là tình trạng yếu ở nhiều vùng cơ trên cơ thể. Điển hình là yếu cơ gần thân như cơ cổ, cơ vai, cơ cánh tay, cơ vùng hông và cơ đùi. Yếu cơ có thể ở một hoặc cả hai bên của cơ thể và nó thường có xu hướng phát triển năng nặng dần dần.
Ngoài yếu cơ thì người bệnh có thể gặp phải một số triệu chứng toàn thân khác như: Sốt, mệt mỏi, giảm cân, đau khớp, ngón chân lạnh, đổi màu do thiếu máu lưu thông tới các ngón tay/chân (hội chứng này cũng thường được gọi với thuật ngữ khoa học là Raynaud).
Nguyên nhân gây viêm đa cơ
Nguyên nhân gây viêm đa cơ hiện chưa được xác định rõ. Tuy nhiên bệnh lý này vẫn được xếp vào nhóm bệnh tự miễn với yếu tố hàng đầu gây bệnh là do hệ thống miễn dịch bị nhầm lẫn rồi tự tấn công các mô khỏe mạnh trong cơ thể.
Trong bệnh viêm đa cơ các nhà khoa học đã tìm thấy có sự xuất hiện của một số kháng thể như Jo-1 hay kháng thể SRP. Có một điểm đặc biệt là kháng thể Jo-1 thường phát triển vào mùa xuân trong khi đó kháng thể SRP thì lại được tìm thấy nhiều vào mùa thu.
Ngoài ra, bệnh này có thể do một số yếu tố khác tác động lên như vi khuẩn, virus gây nhiễm trùng, môi trường thuận lợi cho sự bùng phát bệnh hoặc tác dụng phụ của thuốc. Các yếu tố thuộc về di truyền cũng được quan tâm trong nguyên nhân gây bệnh này. Ngoài ra còn có một số yếu tố khác có thể góp phần gây viêm đa cơ như:
- Người bệnh mắc một bệnh tự miễn như lupus ban đỏ hệ thống, bệnh xơ bì cứng, bệnh viêm khớp dạng thấp hoặc hội chứng Sjogren.
- Người bệnh có bệnh gây suy giảm hệ miễn dịch như HIV hoặc AIDS.
- Người bệnh có bệnh lý ảnh hưởng đến khả năng thở bình thường.
Bệnh viêm đa cơ có nguy hiểm không?
Nhiều người gặp phải tình trạng này nhưng vì có quá ít thông tin nên không thể lường trước những đe dọa của bệnh lý này lên sức khỏe. Một số biến chứng có thể phát triển từ viêm đa cơ mà người bệnh không nên chủ quan bao gồm:
- Suy hô hấp: Nếu viêm đa cơ ảnh hưởng đến cơ ngực thì nó có thể gây ra những cơn co thắt gây khó thở, đau tức ngực hay thậm chí là suy hô hấp đe dọa tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.
- Biến chứng về tim mạch: Các vấn đề tim mạch có thể xảy ra bao gồm suy tim sung huyết, rối loạn nhịp tim.
- Bệnh phổi kẽ: Đây là một rối loạn ở mô phổi làm cho tổng thể phổi bị cứng, kém đàn hồi khiến cho người bệnh bị ho khan, khó thở nghiêm trọng.
- Cặn canxi: Đây là tình trạng khi bệnh viêm đa cơ tiến triển nghiêm trọng khiến cho cơ, da cùng các mô liên kết bị lắng đọng hoặc bị cặn canxi. Thường thì biến chứng này rất thường gặp ở trẻ em mắc bệnh viêm đa cơ và có sự tiến triển sớm trong cả quá trình của bệnh.
- Ung thư: Đây là biến chứng sau cùng và cũng nguy hiểm nhất trong bệnh viêm đa cơ. Ở phụ nữ thường xảy ra ung thư buồng trứng. Trong đó, kể từ khi phát bệnh thì khả năng tiến triển lên ung thư tường là sau 3 năm hoặc lâu hơn thế.
Ngoài các biến chứng nguy hiểm kể trên thì người bệnh viêm đa cơ còn phải đối diện với nhiều vấn đề về sức khỏe như khó nuốt do cơ thực quản bị ảnh hưởng, suy dinh dưỡng, giảm cân…
Chẩn đoán bệnh viêm đa cơ
Hiện tại bệnh viêm đa cơ vẫn chưa có một xét nghiệm đặc thù nào. Do đó để xác định được nó thì cần dựa trên yếu tố di truyền, lịch sử bệnh lý từ gia đình và dựa trên một số xét nghiệm có liên quan nhất. Dưới đây là một số chẩn đoán hiện đang được áp dụng:
Chẩn đoán dựa trên triệu chứng lâm sàng
Bệnh viêm đa cơ được xác định dựa trên những dấu hiệu xảy ra ở cơ, khớp, da và dấu hiệu toàn thân như sau:
- Cơ thể trong trạng thái mệt mỏi, người sốt, chán ăn, sụt cân.
- Dấu hiệu yếu cơ liên quan đến yếu cơ ở gốc chi với kiểu đối xứng hai bên; yếu cơ hầu họng có thể kéo theo tình trạng khàn giọng, khó nuốt; yếu cơ liên sườn làm người bệnh bị khó thở. Viêm đa cơ gây đau cơ phổ biến trong 50% trường hợp mắc bệnh. Ngoài ra, một dấu hiệu khác có thể là tình trạng xơ hóa cơ làm cấu trúc cơ bị rắn chắc hơn bình thường hoặc bị co rút làm cho vận động khó khăn.
- Dấu hiệu bất thường ở da: Trên da xuất hiện các phát ban màu tím hoặc màu đỏ thẫm, dễ thấy nhất là ở da vùng mắt kèm sưng phù mi mắt. Có dấu hiệu phát ban màu đỏ tím tại các khớp như khớp ngón tay, khớp gối, khớp cổ chân, khớp khuỷu tay chân. Trong một số trường hợp người bệnh có thể còn bị teo, mất sắc tố da hoặc giãn mao mạch ở xung quanh các ngón tay giống như trong một số bệnh lý tự miễn khác.
- Dấu hiệu bất thường ở các khớp: Xuất hiện triệu chứng như trong bệnh viêm khớp dạng thấp – đau khớp nhỏ (cổ tay hoặc bàn tay chẳng hạn), một số trường hợp cũng có thể ảnh hưởng đến khớp gối nhưng ít phổ biến hơn.
- Tình trạng canxi hóa dưới da, gân cơ hoặc xuất hiện trong cơ. Phổ biến hơn cả là ở các khớp gối, khuỷu, mặt duỗi của khớp ngón tay hoặc khớp mông. Tình trạng canxi hóa này thường ảnh hưởng trực tiếp tới chức năng vận động của các khớp.
- Triệu chứng ở phổi thường phổ biến với tình trạng ho khan, khó thở, móng ẩm ở hai phổi và đáy phổi. Trong đó có 4 thể tổn thương ở phổi bao gồm: Thể viêm phế nang lan tỏa tiến triển rất nhanh và nguy hiểm; thể viêm phổi kẽ với tiến triển chậm; thể viêm phổi hít (viêm phổi do sặc) và thể viêm màng phổi hay tràn dịch màng phổi thường hiếm gặp hơn.
- Dấu hiệu ở hệ tiêu hóa: Điển hình là tình trạng viêm thực quản do trào ngược gây ra do cơ co thắt thực quản dưới. Ngoài ra còn là việc nhu động ruột non và tá tràng bị suy giảm gây đau quặn bụng, chướng bụng và khiến người bệnh bị tiêu chảy.
- Dấu hiệu ở hệ thống tim mạch: Những triệu chứng này thường chỉ xuất hiện khi bệnh ở giai đoạn toàn phát với những đặc trưng như rối loạn nhịp tim, viêm cơ tim, viêm ngoài màng tim, suy tim sung huyết hay tràn dịch màng tim…
- Dấu hiệu bất thường ở thận: Mặc dù không phổ biến nhưng người bệnh vẫn có thể gặp tình trạng viêm cầu thận ổ, protein niệu hay viêm cầu thận tăng sinh giãn mạch trong hội chứng thận hư.
- Hội chứng Raynaud và synthetase phối hợp với bệnh lupus ban đỏ hệ thống hay xơ bì cứng có thể hình thành các dấu hiệu về mạch máu ngoại vi.
- Triệu chứng trong bệnh ung thư buồng trứng hoặc ung thu gan, dạ dày hay phổi.
Chẩn đoán dựa trên kết quả cận lâm sàng
Viêm đa cơ có dấu hiệu điển hình trong kiểm tra lâm sàng là sự xuất hiện của enzym CK trong huyết thanh. Ngoài ra còn có một số Enzyme khác có thể xuất hiện là SGPT, lactate dehydrogenase hay aldolase.
Ngoài tìm dấu hiệu của enzym trong huyết thanh thì có thể căn cứ vào một số kết quả qua các kiểm tra cận lâm sàng như sau:
- Kiểm tra điện cơ: Dấu hiệu sợi cơ bị kích thích khi ở trạng thái nghỉ ngơi và bị co cơ mỗi khi được kích thích bởi điện thế đặc hiệu ở biên độ thấp.
- Làm sinh thiết da: Để tìm dấu hiệu teo da, thâm nhiễm bạch cầu, thoái hóa của các lớp tế bào đáy.
- Làm sinh thiết cơ: Tìm dấu hiệu tế bào viêm ở trong mạch máu, tổ chức mô kẽ xung quanh sợi cơ. Các tế bào viêm ở đây chủ yếu là bạch cầu đa nhân, tương bào, tế bào lympho hoặc các mô bào.
- Ngoài ra còn dựa trên tình trạng kháng thể kháng nhân dương tính đặc hiệu, kết quả x quang phổi, kết quả chụp CT ngực, kết quả đo điện tâm đồ hay siêu âm tim… để góp phần xác định bệnh viêm đa cơ.
Điều trị bệnh viêm đa cơ
Mặc dù có nhiều biện pháp giúp cải thiện các triệu chứng trong bệnh này nhưng nhìn chung vẫn chưa có một biện pháp nào đặc hiệu có thể chữa dứt điểm. Mục tiêu điều trị đều hướng tới những điều sau:
- Sử dụng thuốc và những biện pháp giúp hồi phục chức năng cơ
- Sử dụng corticoid kết hợp với những thuốc khác trong những trường hợp cần thiết (điển hình là trường hợp kháng điều trị hoặc có tổn thương phổi kẽ).
- Thận trọng khi dùng thuốc để tránh tác dụng phụ và biến chứng.
- Kết hợp khảo sát bệnh ung thư.
Cụ thể một số loại thuốc điều trị thường được sử dụng như sau:
Corticoid
Dùng trong điều trị chính, thường dùng kết hợp với một hoặc một vài thuốc điều trị triệu chứng cơ bản khác. Có hai dạng là corticoid dùng đường uống và corticoid truyền tĩnh mạch liều cao.
Các thuốc điều trị triệu chứng cơ bản thuộc nhóm DMARD sẽ thường được dùng kết hợp với thuốc thuộc nhóm glucocorticoid. Một số đại diện trong nhóm này là:
Methotrexat
Thuốc này dùng đường uống, dùng trong các dạng viêm đa cơ thông thường. Cần phải dùng thận trọng vì nó có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn như suy gan, suy tủy xương, viêm phổi… nên trong quá trình dùng thuốc trong thời gian dài thì phải theo dõi chặt chẽ.
Azathioprin
Thuốc này dùng để thay thế trong trường hợp người bệnh không dùng được Methotrexat. Thuốc dùng đường uống với liều dùng phù hợp với từng trường hợp cụ thể.
Cyclophosphamind
Dùng trong trường hợp người bệnh không đáp ứng với cả hai loại thuốc kể trên hoặc dùng trong trường hợp có tổn thương phổi kẽ. Thuốc dùng liều cao ở dạng tiêm tĩnh mạch. Thuốc này cũng có thể dùng đường uống nhưng thường ảnh hưởng nhiều đến bàng quang nên ít sử dụng. Một số tác dụng phụ bao gồm: suy gan, suy tủy xương, rụng tóc, nóng bừng ở đầu trong suốt thời gian phải truyền thuốc qua tĩnh mạch.
Ngoài dùng thuốc uống, thuốc tiêm, người bệnh viêm đa cơ có thể được chữa trị bằng các liệu pháp khác như:
- Lọc huyết tương Plasmapheresis
- Tiêm vào tĩnh mạch immunoglobumin trong các trường hợp nghiêm trọng không cho đáp ứng tốt với những phác đồ điều trị bình thường.
Trên đây là những thông tin về bệnh viêm đa cơ, hy vọng đã cung cấp cho bạn kiến thức hữu ích!