Ung thư xương hàm là một dạng bệnh hiếm gặp nhưng lại tiềm ẩn nhiều mối nguy hại đến sức khỏe người bệnh nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm. Nguyên nhân của tình trạng này là gì? Triệu chứng thường gặp và cách điều trị như thế nào? Bạn đọc hãy cùng tìm hiểu với bài viết hôm nay nhé!
Ung thư xương hàm là bệnh gì?
Trên thực tế, không có khái niệm bệnh học chính thức nào cho “ung thư xương hàm”. Nguyên nhân là vì tất cả các dạng bệnh ung thư ảnh hưởng đến xương hàm đều xuất phát từ một khu vực khác, ví dụ như miệng, cổ họng hay tuyến nước bọt. Theo các bác sĩ, loại ung thư dễ di căn đến xương hàm nhất là ung thư đầu cổ và ung thư cổ. Thuật ngữ “ung thư xương hàm” đôi khi được sử dụng để chỉ các khối u ở hàm, bất kể nguồn gốc chính xác của chúng là gì.
Đây là tình trạng khá hiếm gặp, tuy nhiên những tác động xấu mà bệnh gây ra cho sức khỏe lại rất nhiều. Tùy vào vị trí của khối u mà bệnh được chia thành hai dạng chính: Ung thư xương hàm dưới và xương hàm trên. Người bệnh ngay khi phát hiện những dấu hiệu bất thường đầu tiên thì nên đi khám sớm đề được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Nguyên nhân ung thư xương hàm
Các nguyên nhân chính gây nên bệnh ung thư xương hàm có thể kể đến là:
- Nghiện thuốc lá và đồ uống có cồn (bia, rượu): Đây được coi là “thủ phạm chính” gây ra tình trạng ung thư ở xương hàm cũng như một số loại ung thư đầu cổ khác. Trong thuốc lá có chứa vô số các chất độc hạng nặng đối với cơ thể. Một khi chúng xâm nhập được vào bên trong, các tế bào có thể bị biến chất và hình thành nên các khối u ác tính.
Rượu, bia và các đồ uống có cồn khác lại đóng vai trò tác nhân kích thích giúp sức cho thuốc lá. Chúng có thể khiến cho chất độc từ thuốc lá thẩm thấu vào tế bào nhanh hơn đồng thời làm chậm quá trình đào thải của cơ thể.
- Virus HPV: Nếu các tế bào ung thư ban đầu xuất hiện ở vòm họng, cổ họng sau đó mới lan đến xương hàm thì nguyên nhân rất có thể liên quan đến virus HPV. Đây là một dạng virus có khả năng lây nhiễm thông qua hoạt động quan hệ tình dục, nhất là khi người bệnh quan hệ bằng “cửa sau” hoặc bằng miệng. Theo các thống kê y tế, HPV là nguyên nhân của hơn 70% ca bệnh ung thư hầu họng có di căn đến xương hàm.
Bên cạnh các nguyên nhân phổ biến nếu trên, tình trạng ung thư ở xương hàm cũng có thể liên quan đến một số yếu tố nguy cơ khác dưới đây:
- Vấn đề răng miệng: Những người vốn có sức khỏe răng lợi yếu hoặc thiếu sự quan tâm đến sức khỏe răng miệng được cho là có tỷ lệ mắc ung thư xương hàm cao hơn bình thường. Không những vậy, việc sử dụng thường xuyên các loại nước súc miệng có thành phần cồn cũng không tốt cho sức khỏe răng miệng và xương hàm.
- Thói quen ăn trầu: Một số quốc gia Đông Nam Á, trong đó có cả Việt Nam, thường có thói quen ăn trầu. Nhiều người cho rằng hỗn hợp trầu cau kèm vôi sống này có thể giúp chắc răng, thơm miệng và ngăn ngừa sâu răng hiệu quả. Tuy nhiên, trong một số nghiên cứu được công bố gần đây, món “ăn chơi” này rất có thể khiến tăng nguy cơ ung thư răng miệng và xương hàm do tồn tại một số hóa chất không tốt cho sức khỏe.
Triệu chứng bệnh ung thư xương hàm
Người bệnh ung thư xương hàm có thể có các triệu chứng sau đây:
- Trong miệng xuất hiện các vết lở loét gây đau rát khó chịu, tình trạng này khiến bệnh nhân ăn uống gặp nhiều khó khăn.
- Các mảng trắng bất thường ở thành miệng, sờ vào không cảm nhận được đau nhức.
- Chảy máu chân răng, răng trở nên lung lay hoặc xung quanh răng luôn cảm thấy đau nhức.
- Miệng có mùi hôi khó chịu, tình trạng này không hề giảm bớt dù bệnh nhân thường xuyên đánh răng và sử dụng nước súc miệng.
- Sưng hàm, một bên mặt cảm thấy bị lệch rõ rệt. Người bệnh khó có thể mở miếng hoặc cảm thấy khó chịu khi nhai, nuốt thức ăn.
Ung thư xương hàm chẩn đoán thế nào?
Để chẩn đoán ung thư xương hàm, các bác sĩ có thể thực hiện các bài kiểm tra sau đây:
- Khám ngoài: Các chuyên gia bắt đầu bằng việc khám sơ bộ và hỏi thêm bệnh nhân về các triệu chứng thường gặp. Họ cũng có thể dùng tay sờ vào bên hàm sưng tấy để xác định kích thước và mức độ đau nhức.
- Kiểm tra hình ảnh: Để đưa ra nhận định chính xác hơn, các bác sĩ tiếp tục yêu cầu người bệnh là các loại xét nghiệm hình ảnh khác nhau, ví dụ như X-quang, chụp MRI, chụp CT,.. Kết quả trả về có thể giúp xác định vị trí khối u và những ảnh hưởng của chúng đến phần hàm, khoang miệng.
- Sinh thiết mô: Chẩn đoán ung thư thường cần sinh thiết mô, ung thư xương hàm cũng không ngoại lệ. Bác sĩ lấy mẫu bệnh phẩm từ phần hàm tổn thương, đến đến phòng thí nghiệm để giám định sự tồn tại của tế bào ác tính.
Điều trị ung thư xương hàm
Điều trị ung thư xương hàm bao gồm các biện pháp sau:
- Cắt bỏ khối u hàm dưới (Mandibulectomy): Loại phẫu thuật này thường được chỉ định với bệnh nhân ung thư xương hàm dưới. Trong trường hợp khối u chưa xâm lấn vào xương, người bệnh chỉ cần loại bỏ một phần cơ hàm. Tuy nhiên, với trường hợp nặng hơn, phẫu thuật có thể sẽ loại bỏ cả xương hàm dưới. Phần khuyết thiếu có thể được bù đắp bằng xương của một số khu vực khác trên cơ thể, ví dụ như hông, lưng, cẳng tay,…
- Cắt bỏ xương hàm trên (Maxillectomy): Thủ thuật này được dùng để loại bỏ khối u ác tính ở xương hàm trên. Loại phẫu thuật này cũng được chia thành nhiều loại khác nhau, phụ thuộc vào vị trí của khối u. Nếu ung thư di căn đến cả vòng họng hay cuống lưỡi, người bệnh phải trải qua nhiều lần cắt bỏ và kết hợp thêm cả hóa trị, xạ trị nhằm loại bỏ 100% các tế bào ác tính trong cơ thể.
Hy vọng với những thông tin nói trên, bạn đọc đã có thêm cho mình những kiến thức hữu ích xoay quanh tình trạng ung thư xương hàm. Dù được xếp vào dạng hiếm gặp, bệnh vẫn có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của con người. Chính vì vậy, mỗi người chúng ta cần xây dựng lối sống tích cực, tăng cường vệ sinh răng miệng hàng ngày.