Trật khớp gối tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng vận động về sau nếu không được điều trị sớm. Chính vì vậy, mọi người nên nắm được một số kiến thức cơ bản liên quan đến tình trạng này như nguyên nhân, dấu hiệu và cách khắc phục để có thể bảo vệ tốt hơn cho bản thân.
Trật khớp gối là bệnh gì? Có nguy hiểm không?
Đầu gối con người có cấu tạo khá phức tạp, gồm ba xương là xương bánh chè, xương chày và xương đùi. Bên cạnh đó, khu vực này còn được bao phủ bởi các sợi cơ, dây chằng, sụn đệm, bao hoạt dịch và vô số các dây thần kinh khác.
Khi xương đùi cùng với xương chày không còn nằm ở vị trí ban đầu mà bị chếch sang một phía, tình trạng trật khớp gối sẽ xảy ra. Đây thường là kết quả của việc đầu gối bị va đập mạnh, ngoại lực tác động đột ngột đến hai đòn xương của đầu gối. Nhiều người thường nhầm lẫn trật đầu gối có liên quan đến xương bánh chè nhưng thực tế thì tình trạng này chỉ ảnh hưởng đến hai xương còn lại.
Trật khớp gối hiếm khi xảy ra nhưng nó có khả năng gây ra những biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị sớm. Trong đó, biến chứng nguy hiểm nhất là hội chứng compartment, có thể gây sưng gối và tắc nghẽn mạch máu. Vấn đề này không chỉ tác động đến khả năng vận động mà còn tiềm ẩn nguy cơ tàn phế về sau.
Nguyên nhân trật khớp gối
Trật khớp gối thường do một số nguyên nhân sau đây gây ra:
- Tai nạn xe cộ: Việc bị tai nạn xe cộ trong khi tham gia giao thông có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng trật khớp đầu gối. Khi bị ngã hay va đập với mặt đường, phần gối rất dễ bị tác động mạnh dẫn đến việc xương chày, xương đùi bị lệch khỏi vị trí ban đầu.
- Chấn thương trong khi chơi thể thao: Nguyên nhân này không phổ biến như tai nạn xe cộ tuy nhiên vẫn có thể xảy ra trật khớp đầu gối sau chấn thương thể thao nghiêm trọng. Ví dụ: Chơi bóng đá bị ngã đập đầu gối xuống mặt sân, va chạm với đối thủ trong lúc tranh bóng và bị ngã,…
- Tai nạn xảy ra do mất kiểm soát: Hiện tượng này có thể xảy ra ở những người đang di chuyển ở tốc độ cao nhưng lại đột ngột gặp chướng ngại vật, dẫn đến việc không thể kiểm soát được trọng lực và bị chấn thương đầu gối. Ví dụ: Vận động viên trượt băng, trượt tuyến, bê đồ vật năng và bị hụt chân,…
Triệu chứng trật khớp gối
Người bị trật khớp gối có thể gặp phải một số các triệu chứng sau đây:
- Phần đầu gối có cảm giác đau nhức rất dữ dội, người bệnh thậm chí không thể đi lại như bình thường hoặc duỗi thẳng chân.
- Đầu gối bị sưng tấy và nóng đỏ. Trong trường hợp mạch máu bị vỡ, người bệnh có thể nhìn thấy hiện tượng bầm tím ở đầu gối và khu vực gần đó.
- Phần đầu gối khi nhìn vào có cảm giác bị lệch, không còn cân xứng như bình thường.
Chẩn đoán trật khớp gối
Để chẩn đoán tình trạng trật khớp gối, các bác sĩ sẽ tiến hành một số bài kiểm tra sau đây:
- Triệu chứng lâm sàng: Đây là những dấu hiệu có thể dễ dàng quan sát bằng mắt thường, ví dụ như sưng tấy hay bầm tím. Các bác sĩ cũng sẽ sờ trực tiếp vào đầu gối để xác định mức độ đau nhức và tổn thương của người bệnh.
- Xét nghiệm hình ảnh: Để xác định rõ hơn tình trạng trật khớp ở đầu gối cũng như loại trừ các nguyên nhân thương tổn khác, các bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh xét nghiệm hình ảnh. Những loại xét nghiệm thường được thực hiện là X-rays, cộng hưởng từ MRI, chụp động mạch,… Kết quả trả về chính là cơ sở để chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất.
- Một số xét nghiệm khác: Bên cạnh xét nghiệm hình ảnh, các bác sĩ cũng có thể thực hiện thêm điện cơ chân và huyết áp mắt cá chân. Những loại xét nghiệm này giúp kiểm tra xem liệu dây chằng, dây thần kinh và mạch máu ở vùng đầu gối có bị tổn thương hay không.
Điều trị trật khớp gối
Trật khớp gối là tình trạng nghiêm trọng, bệnh nhân không nên tự ý điều trị tại nhà hoặc sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn. Thay vào đó, người bệnh nên đến ngay bệnh viện để nhận được sự giúp đỡ từ các chuyên gia y tế.
Hiện nay, điều trị trật khớp đầu gối gồm có 2 biện pháp sau đây:
- Điều trị bảo tồn: Nếu người bệnh chỉ bị trật khớp và không bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến dây chằng, xương, gân cơ thì có thể áp dụng biện pháp không phẫu thuật này. Các bác sĩ dùng tay nắn lại phần đầu gối, giúp các xương bị lệch trở lại trạng thái ban đầu. Sau đó, họ dùng nẹp để cố định và ngăn ngừa trật khớp tái phát. Người bệnh sẽ cần nẹp gối trong khoảng vài tuần để sức khỏe phục hồi hoàn toàn.
- Phẫu thuật: Trong trường hợp trật khớp gối kèm theo một số vấn đề nghiêm trọng khác như vỡ xương bánh chè, đứt dây chằng, viêm gân cơ,… người bệnh sẽ được yêu cầu phẫu thuật. Có hai dạng phẫu thuật được sử dụng đối với bệnh nhân trật khớp, một là phẫu thuật nội soi, một là phẫu thuật mở. Loại hình phẫu thuật được lựa chọn dựa theo tình hình cụ thể của từng người bệnh.
Bị trật khớp gối nên làm gì?
Sau khi điều trị tại bệnh viện, người bệnh nên chú ý một số vấn đề sau để nhanh chóng hồi phục hơn:
- Hạn chế tối đa các hình thức vận động. Tuy nhiên, người bệnh vẫn nên đi lại thường xuyên để tránh tình trạng máu không lưu thông và mỏi cơ do không hoạt động thể chất.
- Đăng ký trị liệu phục hồi tại các trung tâm sức khỏe trực thuộc bệnh viện. Điều này có thể thúc đẩy quá trình hồi phục cũng như phòng tránh biến chứng sau phẫu thuật.
- Tuân thủ đúng theo hướng dẫn từ bác sĩ. Tình trạng trật khớp gối có thể mất thời gian rất lâu để hồi phục hoàn toàn.
- Tăng cường dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày, hạn chế những thực phẩm dầu mỡ, rượu bia hoặc thuốc lá.
Trật khớp gối là tình trạng nguy hiểm, đa phần các trường hợp đều là tổn thương nặng và cần có sự trợ giúp y tế ngay. Chính vì vậy, nếu người bệnh nhận thấy các dấu hiệu như đau nhức dữ dội, sưng tấy,…ở đầu gối thì nên liên hệ ngay với bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị.