Hiện nay, ước tính có tới hơn 7 triệu người ở Việt Nam mắc bệnh trào ngược dạ dày. Con số này cho thấy rằng bệnh này đã và đang xuất hiện phổ biến hơn và đặc biệt, bệnh có thể được bắt gặp ở các lứa tuổi khác nhau. Vậy trào ngược dạ dày thực quản là gì?, nguyên nhân gây bệnh, triệu chứng và biến chứng của bệnh cùng với cách chẩn đoán bệnh ra sao? Bài viết dưới đây sẽ từng bước giải đáp những vấn đề cơ bản trên của bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
Trào ngược dạ dày thực quản là gì?
Trào ngược dạ dày thực quản còn có tên khác là trào ngược axit dạ dày, đây là tình trạng dịch dạ dày (gồm thức ăn, men tiêu hóa, hơi,…) bị trào ngược lên thực quản. Tình trạng này diễn ra từng lúc hoặc thường xuyên, đa số xuất hiện sau khi ăn. Khi hiện tượng trào ngược này gây ra các triệu chứng hoặc khiến niêm mạc thực quản bị tổn thương thì được gọi là bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
Triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản
Triệu chứng điển hình nhất của trào ngược dạ dày thực quản chính là cảm giác ợ hơi, ợ nóng và ợ chua. Ợ hơi xuất hiện thường xuyên khi đói. Ợ chua xuất hiện nhiều nhất vào buổi sáng khi người bệnh đánh răng. Còn ợ nóng chính là cảm giác nóng rát từ vùng ngực dưới hoặc từ dạ dày lan lên vùng cổ. Ợ chua và ợ nóng hay đi kèm với nhau khiến bệnh nhân có cảm giác ợ lên kèm theo vị chua trong miệng. Các triệu chứng ợ này sẽ tăng lên khi ăn no, uống nước, khi đầy bụng khó tiêu, cúi gập người về phía trước hoặc khi người bệnh nằm ngủ vào ban đêm.
Triệu chứng thứ hai là buồn nôn, nôn, xuất hiện khi bệnh nhân ăn quá no hoặc nằm ngay khi ăn xong. Người bệnh cũng dễ bị nôn hơn trong các trường hợp dùng một số loại thuốc, say tàu xe, ốm nghén,…
Triệu chứng thứ ba là đau, tức ngực, tức là cảm giác bị đè ép, thắt ở ngực, cơn đau, tức sẽ xuyên ra lưng và cánh tay. Phần bị đau thực chất là ở đoạn thực quản phần chạy qua ngực. Nguyên nhân dẫn đến đau, tức ngực là do axit trào ngược lên làm đầu mút các sợi thần kinh ở bề mặt niêm mạc thực quản bị kích thích, từ đó gây ra cảm giác đau.
Triệu chứng thứ tư là khó nuốt do axit trào ngược lên với tần suất lớn khi bệnh trở nặng. Lúc này, bệnh còn gây ra phù nề, sưng tấy ở niêm mạc thực quản khiến bệnh nhân khó nuốt, nuốt nghẹn và cảm giác vướng ở cổ.
Có thể thấy, bệnh trào ngược dạ dày thực quản biểu hiện bởi hàng loạt các triệu chứng khác nhau. Bên cạnh các triệu chứng nêu trên, bệnh nhân còn có thể bắt gặp tình trạng ho và khàn giọng; miệng tiết ra nhiều nước bọt; đắng miệng; chán ăn, sụt cân và thậm chí bị thiếu máu hoặc chảy máu ở đường tiêu hóa.
Nguyên nhân trào ngược dạ dày thực quản
Nhóm nguyên nhân thứ nhất gây bệnh trào ngược dạ dày thực quản là nguyên nhân do thực quản, gồm suy cơ thắt dưới thực quản (cơ thấp nhất của thực quản nối với dạ dày) và thoát vị cơ hoành (cơ hoành là cơ dẹt hình vòm phân chia khoang bụng và khoang ngực). Khi trương lực cơ thắt dưới thực quản bị giảm, dịch dạ dày sẽ trào ngược lên thực quản. Điều này khiến cho dịch nhầy thực quản với bicarbonat và nước bọt (có tính kiềm) sẽ trung hòa axit của dịch vị, từ đó làm mất hoặc giảm đi sự kích thích của dịch vị lên niêm mạc thực quản. Do đó, suy cơ thắt dưới thực quản là nguyên nhân dẫn đến trào ngược dạ dày thực quản. Thoát hành vị khiến một phần dạ dày chi lên cơ hoành, dẫn đến cơ thắt dưới thực quản không nằm cùng một mức với cơ hoành cho nên thoát hành vị dễ gây trào ngược.
Nhóm nguyên nhân thứ hai là nguyên nhân tại dạ dày, gồm ứ đọng lại thức ăn tại dạ dày và áp lực ổ bụng tăng đột ngột. Ứ đọng lại thức ăn tại dạ dày do viêm dạ dày, ung thư dạ dày, hẹp môn vị,… gây ra. Những tình trạng này tạo ra hiện tượng chậm lưu thông các chất trong dạ dày xuống ruột nên làm tăng áp lực trong dạ dày. Ho, hắt hơi hoặc gắng sức cũng khiến áp lực ổ bụng tăng đột ngột, từ đó dẫn đến trào ngược dạ dày.
Ngoài ra, bệnh trào ngược dạ dày thực quản cũng có thể do một số nguyên nhân khác gây ra. Ví dụ, stress làm rối loạn nhu động thực quản, tăng tần suất và kéo dài thời gian giãn mở cơ, từ đó khiến dịch vị trào ngược lên thực quản. Thói quen ăn uống không tốt (ăn quá no, ăn đêm, ăn hoa quả có tính axit khi đói, ăn đồ ăn chiên rán nhiều dầu mỡ,…) cũng là một lý do gây bệnh, bởi chúng gây áp lực và làm cơ thắt thực quản bị yếu, dẫn đến việc đóng mở bất thường của cơ và gây trào ngược. Trào ngược dạ dày ở trẻ nhỏ được cho là bởi những yếu tố bẩm sinh như cơ thắt thực quản yếu, sa dạ dày, thoát vị cơ hoành, hay do chấn thương tai nạn,… Bên cạnh đó, béo phì cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh, bởi cân nặng cơ thể có thể gây áp lực lên dạ dày cũng như lên cơ thắt thực quản dưới.
Chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản
Bên cạnh việc hỏi và khám thực thể, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện thêm một số xét nghiệm để chẩn đoán chính xác trào ngược dạ dày thực quản. Thứ nhất là nội soi dạ dày để phát hiện được những vết viêm thực quản hoặc các biến chứng, tổn thương khác do axit dạ dày gây ra. Thông qua nội soi, bác sĩ cũng có thể lấy luôn mẫu mô để sinh thiết nhằm kiểm tra xem bệnh nhân có bị Barrett thực quản hay không
Phương pháp thứ hai là xét nghiệm Ambulatory acid (độ pH) để xác định khi nào và tần suất axit dạ dày trào ngược lên thực quản. Xét nghiệm này thực hiện được nhờ vào một thiết bị theo dõi nhỏ đặt trong thực quản của bệnh nhân. Phương pháp thứ ba là đo áp lực thực quản (Esophageal manometry) nhằm mục đích kiểm tra các cơn co thắt trong thực quản của người bệnh khi nuốt. Và chẩn đoán cuối cùng là chụp X-quang hệ thống tiêu hóa trên. Sau khi người bệnh uống một chất lỏng đặc biệt nhằm bao phủ và lấp đầy niêm mạc bên trong đường tiêu hóa, bác sĩ sẽ tiến hành chụp X-quang. Nhờ vào lớp phủ này, bác sĩ sẽ thấy hình bóng của dạ dày, thực quản và ruột trên của người bệnh.
Biến chứng bệnh trào ngược dạ dày
Trào ngược dạ dày thực quản khi diễn tiến nặng sẽ đẩy bệnh nhân phải đối mặt với những biến chứng nguy hiểm đó là các vấn đề về hô hấp, hẹp thực quản, barrett thực quản và thậm chí là ung thư thực quản. Vì vậy, khi xuất hiện các triệu chứng đã nêu ở phần trên, người bệnh cần đến ngay bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh để bệnh chuyển biến nặng gây biến chứng nguy hiểm.
- Một là các vấn đề về hô hấp. Một lượng axit dạ dày có thể tràn vào đường hô hấp gây nên các vấn đề về hô hấp như nghẹt mũi, viêm xoang, khàn tiếng, viêm họng, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi hoặc hen suyễn.
- Hai là hẹp thực quản. Tình trạng phù nề và tổn thương niêm mạc thực quản kéo dài do bệnh diễn tiến nặng gây loét và hẹp thực quản. Lúc này, người bệnh sẽ bị đau, chảy máu và khó khăn, đau khi nuốt, tức ngực. Phần phía sau xương ức cũng bị đau dẫn đến nôn ói.
- Ba là Barrett thực quản, một tình trạng tiền ung thư. Lúc này, lớp niêm mạc thực quản sẽ thay đổi, dần trở nên gần giống với lớp lót ruột. Tuy Barrett thực quản có thể khiến các triệu chứng ợ nóng giảm dần nhưng lại làm tăng nguy cơ ung thư thực quản.
- Bốn là ung thư thực quản, biến chứng cuối cùng và nguy hiểm nhất của trào ngược dạ dày thực quản. Lúc này, người bệnh sẽ cảm thấy đau đớn, chảy máu thực quản và bị sút cân, da sạm đồng thời xuất hiện nhiều vết nhăn. Những người trên 50 tuổi có nguy cơ mắc ung thư thực quản cao hơn. Đáng báo động hơn là bệnh nhân thường được chẩn đoán muộn khiến tỉ lệ sống thêm 3 năm là dưới 5%.
Bài viết trên đây cung cấp một lượng thông tin tương đối về bệnh trào ngược dạ dày thực quản bao gồm khái niệm, triệu chứng, nguyên nhân, phương pháp chẩn đoán và các biến chứng nguy hiểm mà bệnh nhân có thể gặp phải. Tuy ở mức độ nhẹ, bệnh có thể được chữa khỏi nhưng bệnh nhân cũng cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lí để tránh tái phát. Bất kì người bệnh nào cũng cần tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ, kể cả chế độ ăn uống và sinh hoạt trong quá trình điều trị.