Thoái hóa khớp gối có khả năng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người bệnh cũng như gây trở ngại cho việc vận động hay di chuyển. Rốt cục tình trạng này có nguyên nhân do đâu? Triệu chứng và biện pháp đối phó như thế nào? Bạn đọc hãy cùng với bài viết hôm nay đi tìm câu trả lời nhé!
Thoái hóa khớp gối là bệnh gì?
Đầu gối của con người có hai vòng sụn được gọi là sụn chêm, làm nhiệm vụ phân bổ đều trọng lực cũng như hạn chế ma sát giữa các đốt xương. Nếu lớp sụn này bị hao mòn, khiến bề mặt khớp trở nên thô ráp hơn, nghĩa là tình trạng thoái hóa đang xảy ra. Thoái hóa khớp đầu gối là một trong những dạng viêm khớp (arthritis) phổ biến nhất.
Bệnh lý này có thể ảnh hưởng đến bất kỳ đối tượng nào nhưng thường thấy nhất ở những người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ trên 50. Có khá nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến thoái hóa khớp gối, ví dụ như lão hóa hay chấn thương ngoài. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, nó có thể dẫn đến nhiều nguy cơ gây hại đến sức khỏe người bệnh.
Thoái hóa khớp gối có nguyên nhân do đâu?
Như đã nói ở trên, nguyên nhân của thoái hóa khớp đầu gối khá đang dạng. Trong đó, những nguyên nhân phổ biến nhất có thể kể đến là:
- Tuổi già: Tuổi già có thể được xem là yếu tố hàng đầu dẫn đến tình trạng khớp gối bị thoái hóa. Hầu như tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng bởi viêm xương khớp ở một mức độ nào đó khi tuổi tác ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, khả năng chữa lành của sụn khớp cũng giảm dần khi cơ thể già đi.
- Trọng lượng cơ thể: Trọng lượng cơ thể vượt quá mức chịu đựng của hệ thống xương sẽ làm tăng áp lực lên tất cả các khớp, đặc biệt là khớp gối. Theo một số nghiên cứu, cứ cân nặng cơ thể tăng thêm 500g thì trọng lực đè nén lên khớp đầu gối tăng lên khoảng 3 đến 4 lần.
- Di truyền: Các đột biến xảy ra trong di truyền có thể làm gia tăng nguy cơ bị thoái hóa khớp đầu gối ở một số người, ví dụ như biến dạng xương bao quanh đầu gối. Đối với một số trường hợp khác, việc trong gia đình có ông bà hay bố mẹ bị thoái hóa có khả năng khiến đời con cháu bị ảnh hưởng.
- Chấn thương hoặc căng thẳng đầu gối trong thời gian dài: Đây thường là kết quả của công việc lao động chân tay hoặc vận động viên. Những người phải làm việc liên tục trong thời gian dài và phải sử dụng đầu gối thường xuyên thường có tỷ lệ bị thoái hóa khớp vùng gối cao hơn bình thường.
- Giới tính: Thoái khóa ở khớp gối phổ biến hơn ở nữ giới. Nguyên nhân là vì người phụ nữ thường phải tải qua giai đoạn mang thai. Bào thai phát triển có thể khiến vùng khớp háng và khớp đầu gối chịu nhiều áp lực hơn.
- Các bệnh lý khác: Một số bệnh lý có thể có biến chứng là thoái hóa khớp vùng đầu gối, ví dụ như: Viêm khớp dạng thấp, rối loạn chuyển hóa (hormone, yếu tố vi lượng sắt),…
Biểu hiện của thoái hóa khớp gối
Người có khớp gối bị thoái hóa thường gặp phải một số triệu chứng sau đây:
- Đau vùng khớp gối: Ở hầu hết các bệnh lý xương khớp, đau là biểu hiện đầu tiên mà người bệnh gặp phải, với thoái hóa cũng vậy. Mức độ đau đớn ở bệnh nhân thường khác nhau, tùy theo tình trạng tiến triển của bệnh. Cơn đau thường gia tăng khi người bệnh hoạt động nhưng sẽ thuyên giảm một chút nếu nghỉ ngơi.
- Cảm giác sưng tấy, nóng đỏ: Bên cạnh tình trạng đau nhức âm ỉ kéo dài, người bệnh cũng có thể gặp phải tình trạng sưng tấy và nóng đỏ ở đầu gối. Triệu chứng này thường bắt nguồn do hệ thống miễn dịch của cơ thể tự phản ứng, dẫn đến hiện tượng viêm.
- Cứng khớp gối: Khi lớp sụn chêm bị hao mòn và bề mặt khớp trở nên thô ráp hơn, người bệnh rất dễ gặp phải tình trạng khô cứng vùng khớp gối. Triệu chứng này được thể hiện rõ nhất khi người bệnh thức dậy vào buổi sáng hoặc khi người bệnh ngồi một chỗ quá lâu.
- Tính linh hoạt của khớp gối giảm sút: Thoái hóa có thể khiến chất hoạt dịch ở khớp gối sản sinh ra ít hơn, dẫn đến tình trạng khó khăn trong di chuyển và vận động, ví dụ như leo cầu thang, ngồi vào ghế ô tô,… Khi tính linh hoạt của khớp gối mất dần, người bệnh cũng có thể cảm nhận được những tiếng lạo xạo khó chịu mỗi khi co hay duỗi gối.
Thoái hóa khớp gối có nguy hiểm không?
Bên cạnh vấn đề liên quan đến nguyên nhân hay triệu chứng, không ít người bệnh còn thắc mắc về tính nguy hiểm của tình trạng này. Thoái hóa khớp đầu gối có thể phát triển âm thầm trong nhiều năm với những thay đổi khá nhỏ ở vùng đầu gối mà người bệnh khó có thể nắm bắt. Vì vậy, trong trường hợp phát hiện muộn, nó có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm như:
- Mất sụn, mòn và có gai xương: Khi lớp sụn trở nên mỏng đến mức không thể bao bọc được đầu xương, các đốt xương bắt đầu cọ xát vào nhau, dẫn đến hiện tượng bào mòn. Theo thời gian, việc mất sụn, mòn và có gai xương xảy ra, kéo theo đó là hình dạng khớp bị biến đổi, người bệnh luôn cảm thấy đau đớn và khó khăn trong di chuyển.
- Nang hoạt dịch khoeo chân: Một số trường hợp bị thoái hóa ở đầu gối nhận thấy có khối u nang hình thành tại khoeo chân. Khối u nang này chứa đầy chất hoạt dịch lỏng, nếu nó bị vỡ, người bệnh có thể cảm thấy đau buốt, sưng tấy và nóng đỏ vùng bắp chân.
- Di chuyển gặp khó khăn: Một trong những hệ lụy dễ xảy ra nhất là việc vận động cũng như di chuyển của người bệnh gặp nhiều khó khăn. Khớp gối hao mòn về lâu dài còn có thể khiến dáng đi của bệnh nhân trở nên kém thẩm mỹ hơn.
Xem thêm:
- Thoái hóa khớp háng do nguyên nhân nào? Cách chữa hiệu quả nhất
- Hẹp khe khớp gối gây nguy hiểm gì? Cách khắc phục hiệu quả nhất
Chẩn đoán thoái hóa khớp gối
Đối với việc chẩn đoán thoái hóa các khớp gối, người bệnh thường phải trải qua hai bài kiểm tra gồm: Kiểm tra thể chất và kiểm tra hình ảnh. Trước tiên, người bệnh được yêu cầu thực hiện một số nâng chân và co duỗi đầu gối để xác nhận vị trí đau nhức, mức độ ảnh hưởng của cơn đau và tính linh hoạt của khớp gối. Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành thêm một số xét nghiệm chuyên sâu như:
- Chụp X-quang: Chụp X-quang cơ bản thường được trong chẩn đoán thoái hóa sụn khớp. Hình ảnh X-quang có thể chỉ ra độ hẹp giữa các đốt xương, sự hình thành gai xương (nếu có) và loại trừ một số nguyên nhân khác gây đau nhức khớp gối.
- Kiểm tra hoạt dịch khớp gối: Các bác sĩ sẽ sử dụng một kim tiêm vô trùng để chích lấy hoạt dịch vùng đầu gối rồi đem phân tích mẫu bệnh phẩm này trong phòng thí nghiệm. Từ kết quả kiểm tra, họ có thể xác định liệu có tình trạng viêm nhiễm hoặc bệnh gout xảy ra hay không.
- Nội soi khớp gối: Trong một số trường hợp, nội soi khớp gối có thể được thực hiện. Loại kiểm tra này cho phép các bác sĩ nhận định rõ nét hơn về tổn thương mà thoái hóa gây ra cho khớp gối.
- Cộng hưởng từ MRI: Chụp MRI cung cấp hình ảnh rõ nét hơn về cấu trúc khớp gối và bề mặt lớp sụn chêm. Nó cũng giúp các bác sĩ xác định chính xác mức độ nghiêm trọng mà khớp gối đang bị mài mòn.
Điều trị thoái hóa khớp gối thế nào?
Các biện pháp điều trị thoái hóa khớp đầu gối gồm có:
Điều trị bằng Tây y
- Sử dụng thuốc chống viêm NSAIDs: Các loại thuốc chống viêm NSAIDs như acetaminophen, naproxen, aspirin và ibuprofen có thể giúp người bệnh cải thiện tình trạng đau nhức khó chịu. Tuy nhiên, người bệnh không nên sử dụng quá mười ngày vì nguy cơ tác dụng phụ có thể gia tăng.
- Sử dụng thuốc giãn cơ: Đối với tình trạng cứng cơ vào buổi sáng hoặc sau khi ngồi quá lâu, người bệnh có thể sử dụng một số loại thuốc giãn cơ, ví dụ như myonal, ryzonal,… Các loại thuốc này cần được sử dụng dưới sự giám sát của bác sĩ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe người bệnh.
- Các loại dược phẩm bổ sung: Bên cạnh các loại thuốc điều trị đường uống, người bệnh cũng có thể áp dụng thêm một số các loại thực phẩm chức năng có bổ sung glucosamine hoặc chondroitin và các loại thuốc bôi ngoài có chứa capsaicin.
- Vật lý trị liệu: Với những bệnh nhân gặp khó khăn trong quá trình vận động, vật lý trị liệu có thể là lựa chọn hiệu quả. Các bài tập chức năng này giúp người bệnh tăng cường sức khỏe cơ bắp, lưu thông tuần hoàn máu và tính linh hoạt của khớp gối.
- Phẫu thuật: Biện pháp phẫu thuật thường áp dụng với các trường hợp khớp gối đã bị hư hại hoàn toàn. Tùy thuộc vào thể trạng sức khỏe và mức độ thương tổn của từng bệnh nhân mà các bác sĩ sẽ quyết định phương pháp phẫu thuật. Hiện nay, có ba dạng phẫu thuật phổ biến nhất, đó là: nội soi khớp, cắt bỏ xương và thay khớp nhân tạo.
Điều trị bằng Đông y
Người bệnh có xu hướng sử dụng các bài thuốc Đông y để cải thiện các triệu chứng cũng như hỗ trợ tuần hoàn khí huyết trong cơ thể. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ thích hợp với thoái hóa ở mức độ vừa và nhẹ.
- Bài thuốc số 1: Các vị thuốc được sử dụng gồm có: Đẳng sâm, phục linh, cam thảo, ngưu tất, phòng phong, tế tân, đương quy. Thuốc nên được dùng hàng ngày, liên tục kéo dài trong ít nhất 1 tháng.
- Bài thuốc số 2: Các vị thuốc được sử dụng bao gồm: Quế chi, xấu hổ, xương bồ, huyết đằng, cam thảo, đương quy, tục đoạn. Người bệnh sắc thuốc dùng uống trong ngày, sử dụng ít nhất trong 14 ngày.
- Bài thuốc số 3: Người bệnh sử dụng các dược liệu sau: Quế chi, tất bát, cỏ xước, hà thủ ô, sinh địa, thổ phục linh và thiên niên kiện. Mỗi ngày sử dụng một thang sắc uống, chia hai lần dùng trong ngày. Bài thuốc này nên được dùng trong ít nhất 7 ngày.
Các biện pháp hỗ trợ tại nhà
Để gia tăng hiệu quả điều trị, người bệnh nên áp dụng thêm một số biện pháp tại nhà dưới đây:
- Tắm muối epsom: Biện pháp này có thể giúp giảm đau toàn thân, nhất là với những người bị đau khớp dữ dội. Lý do là vì hoạt chất magie có trong muối epsom có đặc tính chống viêm và giảm đau hiệu quả. Trong quá trình áp dụng biện pháp tắm muối epsom, người bệnh cần lưu ý hai vấn đề sau: Thời gian ngâm mình không nên quá 30 phút và nhiệt độ của nước tắm nên rơi vào khoảng 38 độ C.
- Bài thuốc từ củ nghệ: Curcumin có trong củ nghệ được khoa học chứng minh là có khả năng chống viêm, kháng khuẩn và giảm đau hiệu quả. Các chuyên gia khuyến khích người bệnh sử dụng bột nghệ uống cùng với nước ấm hàng ngày, liều lượng rơi vào khoảng 0,5g đến 1g một lần dùng.
- Sử dụng trà xanh để chống viêm: Trà xanh là nguồn dồi dào các chất polyphenol có tác dụng chống viêm và ngăn ngừa quá trình lão hóa. Người bệnh có thể sử dụng trà xanh làm nước uống hàng ngày hoặc dùng nước trà pha loãng để ngâm chân đều được.
Chăm sóc và phòng ngừa thoái hóa khớp gối
Chế độ chăm sóc cũng như phòng ngừa thoái hóa khớp đầu gối tiền triển gồm các vấn đề sau đây:
Tăng cường các hoạt động thể chất
Nhiều người bệnh e ngại các bài tập thể dục vì nghĩ rằng chúng có thể khiến tình trạng bệnh tồi tệ hơn. Nhưng sự thật là việc duy trì các hoạt động thể chất có thể giúp giảm đau nhức, tăng cường cơ bắp và ngăn ngừa thoái hóa tiến triển xấu đi.
Các bài tập với bệnh nhân thoái hóa khớp đầu gối nên có cường độ vừa phải, không gây căng cứng cơ, ví dụ như: Đai xe đạp, đi dạo, yoga, bơi lội,… Đối với người mới bắt đầu, thời gian luyện tập nên rơi vào khoảng 10 đến 15 phút.
Chế độ ăn “thân thiện” với sức khỏe
Việc lựa chọn thực phẩm đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc điều trị cũng như phòng ngừa tiến triển của thoái hóa. Theo các chuyên gia, chế độ dinh dưỡng tốt nhất với bệnh nhân gồm có:
- Các thực phẩm nên tăng cường: Bông cải xanh, trái cây họ cam quýt, các loại cá biển giàu omega-3 (cá thu, cá hồi, cá ngừ), tỏi, gừng, nghệ, trà xanh, cách sản phẩm sữa ít chất béo, các loại quả hạch, dầu oliu,…
- Cách thực phẩm nên kiêng: Ngũ cốc tinh chế, đồ uống chứa cồn, muối, đồ ăn chứa nhiều đường hóa học, chất béo bão hòa trong mỡ và nội tạng động bật.
Hy vọng với những thông tin hữu ích nói trên, bạn đọc đã phần nào giải đáp được những thắc mắc liên quan đến thoái hóa khớp gối. Để phòng tránh những bệnh lý liên quan đến xương khớp, bạn nên tăng cường rau xanh và trái cây tươi trong chế độ ăn hàng ngày cũng như dành thời gian luyện tập thể dục.