Nhiều người thường chủ quan khi gặp phải tình trạng thiếu canxi mà không biết rằng nó có thể gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Bạn đã nắm được bao nhiêu thông tin liên quan đến hiện tượng này? Nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách xử lý ra sao? Tất cả sẽ được giải đáp chi tiết trong bài viết sau đây, bạn đừng bỏ lỡ nhé!
Thiếu canxi là gì?
Thiếu canxi, còn được biết đến với tên gọi khác là hạ canxi trong máu, xảy ra khi máu không có đủ lượng canxi cần thiết. Canxi là một nguyên tố vi lượng rất cần thiết đối với cơ thể, đặc biệt là hệ thống xương khớp. Việc thiếu hụt dưỡng chất này có thể gây ra những ảnh hưởng không tốt đối với sức khỏe con người.
Tình trạng này có thể xảy ra ở nhiều độ tuổi khác nhau nhưng phổ biến hơn ở trẻ em không được cung cấp đủ dinh dưỡng và người cao tuổi. Ban đầu, thiếu canxi không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Nhưng nếu để bệnh phát triển trong một thời gian dài, người bệnh có thể gặp phải một số biến chứng nguy hiểm như đục thủy tinh thể, loãng xương, thậm chí là tử vong.
Nguyên nhân gây ra thiếu canxi
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra tình trạng thiếu canxi. Chúng gồm có:
- Chế độ dinh dưỡng thiếu canxi: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra hiện tượng thiếu hụt canxi trong cơ thể, nhất là đối với trẻ em. Tình trạng này xảy ra khi bữa ăn hàng ngày không có nhiều các loại thực phẩm giàu canxi hoặc vitamin D – hoạt chất giúp cơ thể hấp thụ được canxi. Các loại thực phẩm này có thể là sữa, các chế phẩm từ sữa, đậu phụ, bông cải xanh, cá biển, dầu gan cá, lòng đổ trứng,…
- Cơ thể bị rối loạn hấp thu chuyển hóa: Tình trạng này xảy ra khi ruột non không thể hấp thụ được những dưỡng chất đã được dạ dày chuyển hóa. Kết quả là cơ thể bị thiếu hụt nhiều chất khoáng và vitamin khác nhau, bao gồm cả canxi. Có nhiều lý do có thể dẫn đến rối loạn hấp thu, chuyển hóa ở đường ruột, ví dụ như viêm nhiễm, biến chứng phẫu thuật, tác dụng phụ của thuốc,…
- Do các tình trạng bệnh lý: Việc canxi trong máu bị giảm nồng độ có thể liên quan đến một số tình trạng sức khỏe khác nhau, ví dụ như: Ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú, suy tuyến giáp, suy thận, viêm tuyến tụy, nhiễm trùng máu,…
Bên cạnh các nguyên nhân nói trên, có một số yếu tố khiến nguy cơ bị thiếu hụt canxi gia tăng, đó là:
- Tuổi cao: Theo các bác sĩ, con người khi bước vào giai đoạn trung niên trên 51 tuổi thường có khả năng bị thiếu hụt canxi cao hơn. Nguyên nhân là vì lúc này có thể bắt đầu lão hóa nhanh hơn, khiến chức năng hấp thu giảm sút đi nhiều.
- Có tiền sử dị ứng sữa hoặc không dung nạp lactose: Có nhiều người dị ứng nặng với sữa hoặc bẩm sinh không thể dung nạp lactose từ thực phẩm. Điều này đã khiến cơ thể không thể có đủ lượng canxi cần thiết, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe tổng thể.
- Các yếu tố khác: Chế độ ăn chay trường, tiền mãn kinh, ăn uống giảm cân không khoa học, gia đình có người từng bị thiếu canxi,…
Triệu chứng của thiếu canxi
Trong thời gian đầu, các triệu chứng có thể xuất hiện không rò ràng hoặc không có bất kỳ dấu hiệu nào. Nhưng sau đó, người bệnh có thể cảm nhận được một số các biểu hiện sau:
- Thường xuyên cảm thấy đau nhức ở cột sống, đặc biệt là các vị trí như cổ gáy hoặc thắt lưng.
- Đau nhức ở trong xương. Tình trạng này có mức độ nặng nhẹ khác nhau, từ âm ỉ đến dữ dội và kéo dài dai dẳng.
- Xương trở nên giòn và yếu hơn trước. Có một số trường hợp bị gãy xương mà không có chấn thương hay tai nạn va chạm nào nghiêm trọng.
- Chiều cao không gia tăng thêm. Triệu chứng này dễ dàng nhận thấy ở trẻ em hơn. Bên cạnh đó, có các bệnh nhân còn bị cong cột sống hay gù lưng.
Nếu tình trạng thiếu hụt canxi trong máu bắt đầu nghiêm trọng hơn, bệnh nhân có thể bị:
- Cơ bắp bị chuột rút, cảm giác tê ngứa xuất hiện ở tứ chi rất khó chịu.
- Dưới da xuất hiện các đốm đỏ nhỏ li ti, đây là dấu hiệu cho thấy tình trạng xuất huyết đã xảy ra. Dần dần, triệu chứng này có thể trở thành các vùng bầm tím lớn.
- Người bệnh kém ăn hoặc không có cảm giác thèm ăn.
Thiếu canxi có nguy hiểm không?
Thiếu hụt canxi là tình trạng nghiêm trọng, nhất là trong trường hợp bệnh nhân không phát hiện và điều trị sớm. Theo các bác sĩ, bệnh lý này có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như: Rối loạn nhịp tim, xương khớp đau nhức mãn tính, loãng xương, xương gìn yếu hơn, các vấn đề phụ khoa ở nữ giới như kinh nguyệt không đều và vô sinh,…
Nếu tình trạng này xảy ra ở trẻ em, nó có thể kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với sức khỏe và sự phát triển thể chất. Bệnh nhi lúc này rất dễ bị còi xương, chậm lớn, hệ thống miễn dịch suy yếu, thậm chí còn đe dọa đến cả tính mạng.
Biện pháp xử lý tình trạng thiếu canxi
Chẩn đoán và điều trị sớm tình trạng thiếu canxi là vô cùng quan trọng. Bởi vì điều này giúp giảm thiểu tối đa nguy cơ biến chứng và giúp tăng tỷ lệ hồi phục của sức khỏe. Một số biện pháp điều trị được áp dụng phổ biến hiện nay gồm có:
- Cung cấp cho cơ thể đủ lượng canxi cần thiết từ các loại thực phẩm tiêu thụ hàng ngày. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích người bệnh nên tăng cường các loại rau xanh đậm, thịt cá, trứng sữa và các loại đậu trong thực đơn.
- Nếu tình trạng này liên quan đến việc sử dụng các loại thuốc điều trị, ví dụ như thuốc lợi tiểu, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ về việc điều chỉnh liều lượng hoặc thay đổi phác đồ. Người bệnh không nên tự ý ngừng dùng thuốc khi chưa có sự đồng ý từ bác sĩ vì nó có thể ảnh hưởng đến kết quả trị liệu.
- Tham gia các hoạt động thể thao ngoài trời nhiều hơn. Việc để da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có thể giúp quá trình hấp thụ canxi hiệu quả hơn. Tuy nhiên, người bệnh nên hạn chế các bộ môn có cường độ mạnh hoặc dễ gây chấn thương xương khớp.
- Sử dụng các loại thuốc bổ sung canxi. Trong trường hợp hạ canxi trong máu nghiêm trọng, người bệnh có thể cần được bổ sung thêm canxi thông qua truyền tĩnh mạch. Liều lượng và quy trình được các bác sĩ điều chỉnh phù hợp với từng trường hợp cụ thể.
Hy vọng với những thông tin được bài viết tổng hợp, bạn đọc đã có thêm cho bản thân những kiến thức cần thiết về vấn đề thiếu canxi. Để phòng tránh hiệu quả tình trạng nguy hiểm này, bạn nên xây dựng một lối sống lành mạnh, tăng cường các loại thực phẩm bổ sung canxi cũng như tích cực vận động thể chất mỗi ngày.