Khi những liệu pháp thông thường không cho hiệu quả điều trị như mong muốn, người bệnh sẽ được chỉ định làm phẫu thuật thay khớp háng. Đây là một trong những giải pháp quan trọng trong điều trị bệnh lý về khớp. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết vấn đề này trong bài viết sau!
Tổng quan về phẫu thuật thay khớp háng
Phẫu thuật thay khớp háng là một phương pháp giúp cải thiện các vấn đề và triệu chứng trong các bệnh lý như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp mãn tính, viêm xương khớp hoặc chấn thương khớp háng khác.
Đây là kỹ thuật điều chỉnh xương và ổ khớp háng và thay thế một khớp háng nhân tạo vào ổ khớp để tạo ra một khớp háng mới từ đó giúp người bệnh đạt được các mục tiêu:
- Giảm cơn đau khớp háng hoặc vùng hông
- Giảm đau hiệu quả, giúp người bệnh không phải dùng hoặc giảm dùng thuốc giảm đau.
- Cải thiện khả năng hoạt động của khớp háng.
Phẫu thuật thay thế khớp háng không mới nhưng nó chỉ được sử dụng nếu như điều trị bảo tồn bằng thuốc, vật lý trị liệu và những liệu pháp khác không đem tới hiệu quả như mong đợi.
Khi nào cần thay khớp háng?
Ngoài nguyên nhân đã đề cập, nếu người bệnh có các triệu chứng nghiêm trọng, nguy cơ tiến triển biến chứng nguy hiểm thì mới được chỉ định phẫu thuật.
Có thể coi đây là phương án cuối cùng đối với những trường hợp có nguy cơ bị hỏng khớp háng như:
- Người bệnh bị viêm khớp thoái hóa/viêm xương khớp với các sụn trơn bao bọc đầu xương bị tổn thương.
- Viêm khớp dạng thấp gây ăn mòn sụn khớp, hư hỏng hoặc biến dạng khớp.
- Hoại tử xương.
Như vậy, nếu cơn đau khớp háng không được cải thiện dù đã dùng thuốc giảm đau hạng nặng, cơn đau khiến bạn bị rối loạn giấc ngủ, khó khăn khi thực hiện những hoạt động thường ngày, ảnh hưởng tới các bộ phận khác của cơ thể hoặc đau ngay cả khi đã dùng dụng cụ hỗ trợ… thì nên nghĩ tới phương án thay thế khớp háng nhân tạo.
Chống chỉ định thay thế khớp háng
Để đảm bảo thành công của phẫu thuật, phòng tránh nguy cơ rủi ro thì trước khi chỉ định thay khớp háng bác sĩ sẽ cần phải sàng lọc người bệnh. Một số trường hợp sau không thể thay thế khớp háng:
- Người đang bị nhiễm trùng hoặc mắc bệnh viêm khớp do nhiễm trùng.
- Người nghiện thuốc lá.
- Người bị loãng xương, gòn xương nghiêm trọng
- Người nghiện rượu, dễ bị vấp ngã hoặc có nguy cơ biến chứng cao.
Quy trình thay khớp háng
Thay khớp háng thường được thực hiện trong vòng 2 giờ. Trong phẫu thuật này bác sĩ sẽ giúp loại bỏ bề mặt khớp bị hỏng rồi thay thế bằng khớp nhân tạo. Cụ thể quy trình như sau:
- Kiểm tra huyết áp, đo nhịp tim, đo nhiệt độ cơ thể, đo nồng độ oxy cho người bệnh.
- Gây mê toàn thân hoặc chỉ gây mê khu vực tủy sống, háng… Ngoài ra người bệnh cũng có thể được dùng thuốc an thần.
- Rạch bên cạnh hoặc trước hông.
- Lấy đầu xương đùi ra ổ khớp rồi cưa xương đùi để tách nó ra khỏi ổ khớp háng.
- Một ổ khớp háng nhân tạo cùng dụng cụ mài xương đặc biệt được sử dụng để tạo hình cho ổ khớp.
- Đặt ổ khớp nhân tạo vào khớp háng bị loại bỏ. Khớp nhân tạo thường được làm bằng titan và xi măng sinh học.
- Đặt tấm lót và trong ổ khớp để quá trình di chuyển của người bệnh sau này dễ dàng hơn.
- Cố định khớp háng và đưa xương đùi vào trong ổ khớp nhân tạo.
- Gắn bóng giả vào thân xương đùi và cho vào ổ khớp để kiểm tra sự tương thích cũng như nguy cơ trật khớp, khả năng cử động về sau.
- Loại bỏ bóng giả và cho xương đùi vào ổ khớp, kiểm tra lại chức năng di chuyển của khớp háng cùng một số vấn đề khác.
- Đặt cơ, mô mềm về vị trí cũ và khâu vết rạch, băng bó lại.
Sau phẫu thuật, người bệnh cần được theo dõi chặt chẽ trong vòng 1-2 ngày sau đó và mất khoảng 6 tháng cho tới 1 năm để phục hồi khả năng vận động, đi lại.
Rủi ro khi thực hiện thay khớp háng
Thay khớp háng có thể có một số rủi ro hoặc biến chứng mà người bệnh cần biết là:
1. Biến chứng do gây mê
Nguy cơ hình thành cục máu đông, rối loạn nhịp tim, đột quỵ , đau tim, viêm phổi… sau khi dùng thuốc gây mê. Đây là biến chứng có thể gặp trong mọi ca phẫu thuật mà người bệnh nên biết.
2. Nhiễm trùng
Nhiễm trùng là biến chứng có tỷ lệ 1-2% trong tổng số ca phẫu thuật khớp háng. Nếu nhiễm trùng nhẹ có thể được điều trị bằng dùng kháng sinh. Nếu nhiễm trùng sâu nghiêm trọng thì cần điều trị bằng liệu pháp bổ sung thích hợp.
Người bị tiểu đường, có bệnh viêm nhiễm, rối loạn đông máu, thừa cân… thường có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn.
3. Trật khớp háng
Đây là biến chứng xảy ra sau khi thay khớp háng, chiếm khoảng 1-3% tổng số trường hợp.
Thường những người có nguy cơ bị trật khớp sau phẫu thuật thường là: Người có cơ quanh khớp háng yếu, người bệnh lớn tuổi, phụ nữ, người từng thay khớp háng trong quá khứ hoặc phẫu thuật do gãy xương đùi…
4. Chiều dài chân khác nhau
Độ dài hai chân sau phẫu thuật thay khớp có thể chênh lệch nhau. Để cải thiện thường người bệnh sẽ được đề nghị dùng miếng lót giày để cân bằng chiều dài chân.
5. Tổn thương các mô mềm
Cơ, gân, dây chằng quanh khớp háng bị tổn thương có thể bị ảnh hưởng trong khi phẫu thuật. Ngoài ra thì động mạch, tĩnh mạch, dây thần kinh xung quanh khớp háng cũng có nguy cơ.
6. Khớp nhân tạo bị nới lỏng
Sau một thời gian sau phẫu thuật, cấu trúc khớp háng nhân tạo có thể bị lỏng ra làm cho các bộ phận nhân tạo này mất tính liên kết. Tình trạng này có thể gây đau đớn cho người bệnh.
7. Gãy xương đùi
Là rủi ro xảy ra khi bác sĩ làm trật khớp trong quá trình thay khớp háng. Rủi ro này có thể làm tăng nguy cơ gãy xương.
Ngoài ra, thay khớp háng có thể gây đe dọa tính mạng người bệnh với tỷ lệ tử vong là 0,35% sau phẫu thuật 30 ngày. Do đó, bất cứ trường hợp nào cũng sẽ được sàng lọc kỹ càng trước khi thực hiện phẫu thuật quan trọng này.
Phục hồi sau khi thay khớp háng
Để nhanh chóng hồi phục, người bệnh được khuyến cáo tránh thực hiện hoặc khuyến khích một số hoạt động sau khi phẫu thuật. Ngoài ra, người bệnh cũng nên được chăm sóc bằng chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hợp lý sau:
1. Tránh một số hoạt động
Người bệnh không nên chạy nhảy, lao động nặng, làm các động tác khó cho tới khi khớp háng hoàn toàn hồi phục. Ngoài ra, cần chú ý:
- Không ngồi bắt chéo chân, không cúi sâu vì có thể làm trật khớp háng
- Dùng nạng hỗ trợ khi di chuyển trong ít nhất 6 tuần sau phẫu thuật để giảm bớt trọng lượng cơ thể tác động và giúp khớp háng nhanh chóng hồi phục.
2. Thực hiện vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu có thể giúp máu lưu thông tới khớp háng dễ dàng hơn, giúp cải thiện sự linh hoạt của khớp, tăng cường sức mạnh cơ bắp và hạn chế sự co cứng khớp, phòng ngừa hình thành mô sẹo.
Để an toàn, người bệnh nên bắt đầu được làm vật lý trị liệu sau phẫu thuật 1-2 ngày dưới sự giám sát và hướng dẫn của bác sĩ, kỹ thuật viên lành nghề.
Tuổi thọ và chi phí phẫu thuật thay khớp háng
Tỷ lệ khớp háng nhân tạo duy trì được 10 năm là 95%. Trong khi đó có tới 85% trường hợp duy trì được tới 20 năm. Nhìn chung càng biết cách giữ gìn thì tuổi thọ của khớp háng càng lâu dài.
Chi phí để thay khớp háng rơi vào khoảng 80-90 triệu đồng. Nếu có bảo hiểm y tế thì có thể được hỗ trợ chi phí phẫu thuật đáng kể.
Trên đây là những thông tin về chủ đề “thay khớp háng”. Hy vọng đã cung cấp cho bạn những nội dung hữu ích. Chúc bạn đọc sức khỏe!