Tăng acid uric máu là nguyên nhân hàng đầu gây ra các cơn gout cấp, gout mạn và sỏi thận. Vậy nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là gì? Đâu là dấu hiệu để nhận ra chỉ số acid uric máu đã tăng cao? Làm thế nào để điều trị và phòng ngừa hiện tượng trên? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.
Tăng acid uric máu là gì?
Acid uric là một sản phẩm của quá trình chuyển hóa nhân purin (một chất cấu tạo nên ADN và ARN của tế bào). Ở trạng thái bình thường, lượng acid uric thừa sẽ được đào thải qua thận thông qua nước tiểu. Do đó, nồng độ chất này sẽ luôn được giữ ở mức ổn định, thường là dưới 7.0mg/dL với nam và dưới 6.0mg/dL đối với nữ. Khi chỉ số này tăng cao, vượt qua mức trên thì được gọi là tăng acid uric máu.
Tăng acid uric máu trong thời gian dài là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các cơn đau gout cấp và kéo theo hàng loạt các rối loạn chuyển hóa trong cơ thể. Khi nồng độ chất này đạt đến ngưỡng bão hòa, acid uric sẽ lắng đọng và kết tinh thành các tinh thể urat, gây tổn thương đến các khớp và mô mềm vĩnh viễn. Nếu vị trí lắng đọng urat diễn ra ở thận thì gây sỏi thận. Vị trí lắng đọng ở dưới da thì hình thành các hạt tophi, còn lắng đọng ở khớp thì sẽ gây ra các cơn đau gout mạn.
Nguyên nhân gây tăng acid uric máu
Nguyên nhân gây tăng acid uric máu có thể được chia thành 2 nhóm chính. Một là do tăng quá trình chuyển hóa nhân purin. Và hai là do việc thải trừ acid uric qua thận bị hạn chế.
Cụ thể, khi chế độ ăn uống của người bệnh có quá nhiều thực phẩm chứa nhân purin thì nồng độ acid uric trong máu sẽ tăng rất cao. Các nhóm thực phẩm này thường bao gồm các loại hải sản, thịt đỏ, nội tạng động vật, các loại đậu và nấm. Cùng với đó, việc sử dụng các loại bia rượu, đồ uống có cồn hoặc các loại thuốc như corticoid, thuốc lợi tiểu, thuốc chống lao,… cũng khiến quá trình thải trừ acid uric bị cản trở. Do đó, chỉ số nồng độ của chất này trong máu sẽ tăng cao.
Bên cạnh đó, việc tăng acid uric máu cũng có thể xuất phát từ yếu tố bệnh lý. Ví dụ, suy thận mạn thì chức năng đào thải của thận bị suy giảm. Các bệnh lý tự miễn như vẩy nến, viêm khớp dạng thấp thì làm tăng tốc độ phá hủy tế bào, giải phóng một lượng lớn nhân purin và khiến nồng độ acid uric trong máu tăng đột biến. Ngoài ra, việc thiếu hụt enzyme trong chuyển hóa purin bẩm sinh cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Triệu chứng nhận biết tăng acid uric máu
Các cơn đau gout cấp được xem là triệu chứng đầu tiên khi tăng acid uric máu. Thông thường, các cơn đau này sẽ xuất hiện sau khi người bệnh dùng một bữa ăn có nhiều đạm và xảy ra nhiều vào ban đêm. Chúng thường gây ra các cơn đau dữ dội và tập trung ở một khớp (thường là khớp ngón chân cái). Tại các vị trí đó, vùng da sẽ liên tục vừa sưng, vừa nóng đỏ. Nếu hiện tượng này kéo dài và không được chữa trị kịp thời, người bệnh sẽ dần chuyển sang giai đoạn gout mạn.
Ở giai đoạn tiếp theo, khi nồng độ acid uric liên tục vượt qua ngưỡng bão hòa trong thời gian dài, cơ thể sẽ hình thành và tích tụ các tinh thể muối urat trong các mô mềm (gọi là hạt tophi). Các hạt này có thể xuất hiện ở bất cứ đâu, ngay dưới da, bàn tay, giữa các khớp ngón tay, ngón chân, mắt cá chân, thậm chí là ở cả vành tai hay cùi trỏ. Khi hạt tophi xuất hiện ở các ổ khớp, chúng sẽ dần làm cho khớp bị biến dạng và tổn thương vĩnh viễn.
Ngoài ra, khi các tinh thể urat tích tụ lại ở thận thì sẽ gây ra sỏi thận (sỏi uric). Đồng thời, về lâu dài, người bệnh sẽ bị suy thận do bệnh thận kẽ. Họ thường xuất hiện các cơn đau nhức ở vùng lưng dưới hoặc dưới háng, cảm thấy buồn nôn, đi tiểu khó hoặc tăng thời gian đi tiểu. Nước tiểu lúc này thường có mùi hôi rất khó chịu, đổi màu, thậm chí có lẫn máu bên trong.
Cách chẩn đoán và điều trị tăng acid uric máu
Việc tăng acid uric máu hoàn toàn có thể được chẩn đoán bằng việc xét nghiệm máu và nước tiểu. Đồng thời, các bác sĩ có thể chỉ định thực hiện chọc dịch khớp để tìm tinh thể urat, hoặc chụp X-quang vùng khớp để xác định vị trí tổn thương khớp mạn.
Trong trường hợp phát hiện tăng acid uric máu, bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh sử dụng một số loại thuốc theo từng trường hợp cụ thể. Ví dụ, đối với các cơn gout cấp, người bệnh sử dụng colchicine 1mg/ngày, có thể kèm theo một số loại thuốc giảm đau không steroid. Trong trường hợp người bệnh bị gout mạn thì dùng Allopurinol kết hợp với Febuxostat. Còn với các trường hợp tăng acid uric dẫn tới sỏi thận, việc sử dụng tamsulosin hoặc tán sỏi có thể được chỉ định trong điều trị.
Cách làm giảm acid uric trong máu tự nhiên
Việc tăng acid uric có liên quan trực tiếp đến sự tăng cường chuyển hóa nhân purin, mà phần lớn chúng đến từ các loại thức ăn ta dung nạp vào trong cơ thể. Chính vì vậy, việc duy trì chế độ dinh dưỡng sao cho hợp lý cũng là yếu tố quan trọng không kém, bên cạnh các biện pháp can thiệp y tế.
Cụ thể, người bệnh nên hạn chế sử dụng các thực phẩm có chứa nhiều nhân purin. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn phải kiêng toàn bộ các thực phẩm có chứa đạm. Thay vì sử dụng các loại thịt đỏ hay hải sản, bệnh nhân có thể ăn các loại thịt trắng (thịt heo, lườn gà, cá sông,…) hoặc sữa, pho mát để bổ sung lượng protein cần thiết cho cơ thể.
Ngoại trừ các loại rau như măng tây, nấm và giá đỗ, người bị tăng acid uric máu luôn được khuyến khích ăn nhiều rau, củ, quả. Bởi lẽ, đây là những thực phẩm rất giàu vitamin và khoáng chất, giúp cân bằng quá trình chuyển hóa trong cơ thể. Mặt khác, lượng chất xơ có trong những thực phẩm này còn hỗ trợ quá trình đào thải acid uric, đồng thời tăng cảm giác no, từ đó hạn chế việc người bệnh ăn quá nhiều.
Bên cạnh chế độ ăn ít đạm, nhiều chất xơ, thì việc cân bằng lượng đường tiêu thụ trong cơ thể cũng là điều cần thiết. Rõ ràng, khi phải hạn chế thực phẩm chứa protein, thì cơ thể cần đến một nguồn dinh dưỡng khác là carbohydrate để đảm bảo có đủ năng lượng cho cơ thể hoạt động. Tuy nhiên, nếu sử dụng quá nhiều đồ ăn, thức uống có chứa đường tinh luyện như soda, bánh kẹo, thực phẩm chế biến sẵn thì có thể khiến người bệnh đẩy nhanh quá trình mắc phải bệnh tiểu đường thứ phát. Đây là một bệnh lý khá phổ biến ở những người mắc bệnh gout lâu năm.
Ngoài ra, người bệnh bị tăng acid uric máu cần tuyệt đối tránh sử dụng các loại đồ uống có cồn như bia, rượu bởi chúng có ảnh hưởng rất xấu đến quá trình chuyển hóa. Sử dụng bia rượu khiến cơ thể mất nước nhanh hơn, từ đó làm giảm thải trừ acid uric qua thận. Đồng thời, lượng protein giàu purin trong một số loại bia cũng là nguyên nhân khiến cho các cơn đau gout thêm trầm trọng.
Cuối cùng, việc tập thể dục thường xuyên và sinh hoạt điều độ, hợp lý là điều vô cùng cần thiết. Điều này giúp cho bạn luôn có một cân nặng lý tưởng và tăng chất lượng giấc ngủ, từ đó cải thiện trạng thái sức khỏe tinh thần. Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng trong điều trị, không chỉ với việc tăng acid uric nói riêng mà còn với tất cả các bệnh lý khác nói chung.
Trên đây là một số thông tin tổng hợp về hiện tượng tăng acid uric máu và các bệnh lý liên quan. Thông qua bài viết, hi vọng bạn đọc đã có thể hiểu biết rõ hơn về nguyên nhân và các phòng tránh, chữa trị bệnh lý này. Cảm ơn các bạn đã đón đọc!