Sưng đầu gối có thể xuất phát từ nguyên nhân chấn thương hoặc tiềm ẩn nhiều căn bệnh nguy hiểm khác về xương khớp. Không ít người luôn lo lắng và băn khoăn không biết phải làm gì khi xuất hiện tình trạng này. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu cụ thể hơn về hiện tượng sưng đầu gối ngay trong bài viết dưới đây.
Sưng đầu gối là bệnh gì?
Gối được coi là phần bộ phận hết sức quan trọng trong hệ xương khớp. Khớp gối chính là điểm kết nối, có trách nhiệm nâng đỡ toàn bộ cơ thể. Nhờ có khớp gối, con người mới có thể đứng vững, hoạt động nhịp nhàng và nâng đỡ các đồ vật khác.
Sưng đầu gối là hiện tượng xảy ra khá phổ biến trong cuộc sống hiện đại. Thông thường, tình trạng này xảy ra do khớp gối bị ma sát hoặc bệnh về xương khớp tích tụ bên trong, dẫn đến sưng viêm. Tình trạng sưng đầu gối có thể là biểu hiện của một số căn bệnh dưới đây.
Chấn thương gối
Chấn thương gối thường xuyên xảy ra trong cuộc sống hàng ngày. Đặc biệt đối với những người thường xuyên vận động nặng, vận động viên chơi thể thao,… Chấn thương có thể khiến tích tụ máu trong các khớp xương, vỡ khớp xương… từ đó dẫn tới bầm tím, sưng nóng và khó khăn trong việc di chuyển.
Viêm bao dịch hoạt
Sưng đầu gối có thể là dấu hiệu của bệnh viêm bao dịch hoạt. Trong khớp gối của mỗi người đều có bao dịch hoạt nhỏ trong suốt, bên trong có chứa các chất dịch nhầy. Nhờ có bao dịch hoạt, xương khớp có thể hoạt động trơn mượt mà không bị ma sát. Khi bao dịch hoạt bị viêm nhiễm, vùng khớp gối sẽ có xu hướng bị sưng to, đỏ và gây đau đớn cho người bệnh.
Bệnh gout
Bệnh gout xảy ra khi các khớp xương bị tích tụ axit uric bên trong. Sự tích tụ này khiến khớp xương bị sưng viêm nghiêm trọng, bệnh nhân bị gout thường xuyên phải chịu những cơn đau cấp tính. Các cơn đau kéo dài và tăng lên vào ban đêm. Trong xã hội hiện đại, số bệnh nhân mắc gout ngày càng có xu hướng tăng nhanh hơn theo thời gian.
Viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý khá thường gặp trong cuộc sống hiện đại. Căn bệnh này còn thường được gọi là bệnh thấp khớp, một dạng của bệnh rối loạn tự miễn. Các mầm bệnh tấn công vào khớp gối, khiến các tế bào khỏe mạnh xảy ra phản ứng viêm, gây sưng đỏ và đau đớn ở vùng gối. Viêm khớp dạng thấp rất dễ ảnh hưởng tới các cơ quan khác trong cơ thể.
Nhiễm trùng khớp gối
Nhiễm trùng khớp gối là hiện tượng khớp bị vi khuẩn xâm nhập, có thể qua đường máu hoặc qua chấn thương. Nhiễm trùng khớp gối cũng có thể gây sưng đầu gối và đau nhức kéo dài cho người bệnh. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể xuất hiện mủ bên trong khớp, kèm theo đó là một số triệu chứng như: sốt, nổi mẩn đỏ, không di chuyển được khớp…
Các yếu tố nguy cơ gây sưng đầu gối
Sưng đầu gối có thể là biểu hiện của bệnh lý nào đó về xương khớp, bất cứ ai cũng có thể gặp phải. Tuy nhiên vẫn tồn tại một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng gây sưng đầu gối dưới đây.
- Yếu tố tuổi tác: Tuổi tác càng cao thì xương khớp càng suy yếu dần. Căn bệnh sưng đầu gối xuất hiện phổ biến hơn cả ở những người lớn tuổi, xương khớp bị bào mòn và thoái hóa nhanh chóng hơn so với những người trẻ tuổi.
- Béo phì: Béo phì cũng là một trong những yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc các vấn đề về xương khớp. Khớp gối vốn được biết đến là vùng chịu áp lực trọng lượng lớn của cơ thể. Đối với những người béo phì, áp lực này càng dễ khiến đầu khớp gối suy yếu, thoái hóa nhanh chóng.
- Đặc trưng nghề nghiệp: Một số nghề nghiệp đặc trưng như vận động viên thể thao, đòi hỏi cần vận động nhiều, nhanh và liên tục. Quá trình tập luyện có thể gây chấn thương, yếu khớp gối. Ngoài ra, những người thường xuyên mang vác nặng, làm những công việc mất sức cũng có thể làm xương khớp suy giảm.
Chẩn đoán tình trạng sưng đầu gối
Trước khi tiến hành điều trị, người bệnh cần được tiến hành khám xét để chẩn đoán bệnh. Thông qua các phương pháp xét nghiệm, chụp chiếu, các chuyên gia y tế sẽ xác định đúng nguyên nhân, mức độ sưng đầu gối và đề ra biện pháp điều trị phù hợp. Dưới đây là một số phương pháp chẩn đoán sưng đầu gối thường được sử dụng.
- Chụp X – quang: Chụp x-quang là phương pháp kiểm tra phổ biến nhất đối với các vấn đề về xương khớp. Tuy nhiên hình thức này thông thường chỉ kiểm tra được các vấn đề đơn giản như gãy xương, trật khớp… Khó có thể xác định được các căn bệnh nghiêm trọng hơn.
- Chụp cộng hưởng từ MRI: So với x-quang, chụp cộng hưởng từ có độ chính xác cao hơn hẳn. Thông qua chụp cộng hưởng từ, các chuyên gia có thể quan sát cả cấu trúc bên trong của khớp gối để xác định các vấn đề bên trong khớp.
- Kiểm tra dịch khớp: Để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây sưng đầu gối, các chuyên gia có thể tiến hành xét nghiệm dịch khớp. Phương pháp này được tiến hành bằng cách chọc hút dịch khớp. Mẫu dịch sẽ được đem đi để kiểm tra.
- Xét nghiệm khác: Ngoài các bước trên, người bệnh có thể được chỉ định làm thêm một số xét nghiệm khác như: kiểm tra máu, huyết áp, tế bào…
Điều trị sưng đầu gối
Điều trị sưng đầu gối là quá trình đòi hỏi sự kiên trì, phối kết hợp nhiều phương pháp khác nhau. Người bệnh cần có sự chỉ dẫn của chuyên gia y tế, cùng với các biện pháp tự chăm sóc tại nhà mới có thể đem đến hiệu quả tốt nhất.
Điều trị sưng đầu gối do chấn thương
Điều trị sưng đầu gối do chấn thương nhìn chung không quá phức tạp. Người bị sưng gối do va đập, chấn thương bên ngoài có thể phục hồi trở lại sau một thời gian ngắn.
- Chườm nóng hoặc chườm lạnh: Chườm nóng hoặc chườm lạnh sau chấn thương đều đem đến tác dụng giảm đau, giảm sưng hiệu quả cho người bệnh.
- Áp dụng các bài thuốc dân gian: Các bài thuốc dân gian chữa trị đau xương khớp tại nhà luôn được khuyến khích. Bạn có thể tham khảo một số bài thuốc từ lá lốt, lá ngải, gừng, muối, tinh bột nghệ…
- Nghỉ ngơi tại nhà: Sau chấn thương, tuyệt đối không nên vận động mạnh hay mang vác nặng trở lại. Hãy dành thời gian nghỉ ngơi tại nhà, bổ sung dinh dưỡng để vùng khớp gối sớm bình phục.
Điều trị sưng đầu gối do bệnh lý
So với bị chấn thương, điều trị sưng đầu gối do nguyên nhân bệnh lý phức tạp và kéo dài hơn. Sau khi được chẩn đoán chính xác bệnh lý về xương khớp, người bệnh sẽ được các chuyên gia chỉ định phương pháp điều trị cụ thể.
- Sử dụng thuốc: Thông thường, bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng một số loại thuốc Tây. Bao gồm: thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm, thuốc kháng sinh, thuốc giãn cơ… Việc sử dụng thuốc Tây cần có sự cho phép và chỉ dẫn của các bác sĩ.
- Vật lý trị liệu: Song song với việc sử dụng thuốc, phương pháp vật lý trị liệu sẽ giúp khớp gối phục hồi nhanh hơn. Các chuyên gia sẽ dựa trên tình trạng sức khỏe và mức độ nghiêm trọng để đưa ra hình thức vật lý trị liệu phù hợp.
- Phẫu thuật: Bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật trong trường hợp bệnh tiến triển nặng, việc sử dụng thuốc không đạt được hiệu quả. Phương pháp tiến hành phẫu thuật sẽ được quyết định tùy vào bệnh lý mà bệnh nhân mắc phải.
Bài viết trên đây đã giải đáp toàn bộ những thắc mắc của độc giả về tình trạng sưng đầu gối. Để chẩn đoán chính xác và điều trị bệnh kịp thời, hãy đến ngay các cơ sở y tế nếu xuất hiện bất kỳ dấu hiệu sưng đau xương khớp nào.