Nhược cơ là một bệnh tự miễn, dẫn đến những rối loạn dẫn truyền tại các điểm nối thần kinh – cơ, ảnh hưởng đến sự vận động của cơ. Nhược cơ mặc dù không gây nguy hiểm tới tính mạng, nhưng nếu không được điều trị dứt điểm có thể dẫn đến những biến chứng khó lường cho sức khỏe con người. Cùng tìm hiểu những thông tin về bệnh nhược cơ trong bài viết sau để có giải pháp phòng chống và chữa trị trong thời gian sớm.
Bệnh nhược cơ là gì?
Nhược cơ là bệnh tự miễn gây rối loạn thần kinh hiếm gặp, dẫn đến hiện tượng yếu và mỏi cơ. Bệnh thường xảy ra ở một số cơ nhất định như: cơ vận nhãn, cơ mặt, cơ nhai, cơ nuốt và cơ thanh quản. Nhược cơ có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, trong đó, nam giới (trên 50 tuổi), nữ giới (từ 20 – 30 tuổi) là những người có nguy cơ cao mắc bệnh. Tỷ lệ này diễn ra cân bằng ở cả nam và nữ.
Tình trạng nhược cơ, tăng khi người bệnh vận động tại vị trí cơ và được cải thiện khi người bệnh nghỉ ngơi.
Triệu chứng của bệnh nhược cơ
Một số triệu chứng mà người bệnh nhược cơ có thể gặp phải bao gồm:
- Cảm thấy khó thở, nhất là vào buổi chiều
- Quá trình nhai hoặc nuốt khó khăn, đôi khi xuất hiện chất lỏng chảy ra từ mũi khi người bệnh cố gắng uống nước
- Chảy nước dãi
- Gặp khó khăn trong di chuyển, cử động hoặc khi nói;
- Mệt mỏi
- Khó giữ đầu ngẩng cao
- Giọng nói khó nghe
- Gặp chứng song thị (nhìn thấy 2 ảnh của cùng 1 vật)
- Sụp mí ở một bên hoặc cả hai bên mắt
- Khó biểu thị cảm xúc trên mặt
Nguyên nhân gây bệnh nhược cơ
Hiện nay, vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác dẫn đến tình trạng nhược cơ. Các bác sĩ cho rằng bệnh tự miễn và phì đại tuyến ức là yếu tố chính hình thành nên bệnh. Ngoài ra, bệnh nhược cơ cũng có yếu tố bẩm sinh, ảnh hưởng trực tiếp từ người mẹ bị nhược cơ. Tuy nhiên, nguyên nhân này khá hiếm gặp và thường được cải thiện sau 2 – 3 tháng điều trị bằng một phương pháp thích hợp.
Không những vậy, nhược cơ cũng có thể bị ảnh hưởng bởi một số tác nhân như:
- Mệt mỏi
- Căng thẳng kéo dài
- Hệ miễn dịch kém
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc như: thuốc chẹn beta, quinine sulfate, phenytoin, quinidine gluconate, thuốc gây mê, thuốc kháng sinh,..
- Chu kỳ kinh nguyệt
- Phụ nữ trong giai đoạn mang thai
Bệnh nhược cơ có nguy hiểm không?
Bệnh nhược cơ là bệnh mãn tính có sự tiến triển trong một thời gian dài. Nếu bệnh không được điều trị triệt để có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm như:
- Cơn nhược cơ: Cơn nhược cơ là một tình trạng gây đe dọa đến tính mạng, xảy ra khi các cơ kiểm soát hơi thở trở nên quá yếu và mất chức năng.
- Hình thành khối u ở tuyến ức: Một số người bệnh có thể hình thành các khối u trong tuyến ức.
- Các vấn đề về tuyến giáp: nhược cơ cũng khiến cho tuyến giáp hoạt động quá mức bình thường hoặc kém hiệu quả.
- Lupus ban đỏ hệ thống: đây cũng là một trong những biến chứng điển hình ở người bệnh nhược cơ
Viêm khớp dạng thấp: bệnh gây viêm đau ở khớp và các mô xung quanh khớp, ảnh hưởng đến hoạt động của toàn cơ thể.
Để ngăn chặn những biến chứng trên, trong quá trình điều trị người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ chuyên môn.
Chẩn đoán bệnh nhược cơ
Chẩn đoán lâm sàng:
- Thăm khám tổng quát kết hợp hỏi những triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải, tiền sử các bệnh lý nếu có
- Kiểm tra các dấu hiệu lâm sàng như mí mặt, cơ mặt,…
Chẩn đoán cận lâm sàng:
- Xét nghiệm máu
- Kiểm tra thần kinh bằng cách ghi điện cơ
- Chụp X-quang thường và có bơm khí trung thất;
- Chụp CT và MRI xác định những tổn thương trong não nếu có
- Thử nghiệm Edrophonium
- Kiểm tra chức năng phổi
Điều trị bệnh nhược cơ
Mặc dù không thể điều trị triệt để bệnh nhược cơ, nhưng bạn cũng có thể đẩy lùi triệu chứng của bệnh bằng một số phương pháp sau:
- Sử dụng thuốc Tây
Các loại thuốc Tây có khả năng cải thiện những biểu hiện của bệnh nhanh chóng, tăng cường sức khỏe cho cơ. Một số loại thuốc thường được sử dụng: nhóm thuốc kháng Cholinesterase ( Pyridostigmine, Ambenonium), Corticosteroids, các thuốc ức chế miễn dịch (Cyclosporine, Azathioprine, Mycophenolate mofetil).
Tuy nhiên, người bệnh không nên lạm dụng các loại thuốc này vì có thể gây ra những tác dụng phụ như đau đầu, chóng mặt, ảnh hưởng tới gan, thận, dạ, dày,…
- Thay huyết tương
Biện pháp này được áp dụng nhằm lọc bỏ các kháng thể trong trường hợp nhược cơ nghiêm trọng.
- Globulin miễn dịch
Phương pháp này cũng khá hiệu quả nhưng chi phí khá cao
- Phẫu thuật cắt bỏ tuyến ức
Phẫu thuật được chỉ định khi những cách chữa trên không đáp ứng được yêu cầu điều trị. Sau khi phẫu thuật người bệnh tuyệt đối không được sử dụng thuốc kháng sinh vì có thể làm cho tình trạng bệnh càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Lưu ý, người bệnh nhược cơ cần tránh các loại thuốc sau:
Thuốc cần tránh sử dụng để ngăn ngừa tình trạng nhược cơ trở nên nghiêm trọng bao gồm:
- Thuốc kháng sinh thuộc nhóm aminoglycosides, polymyxin B, colistin, clindamycin, ciprofloxacin, netilmicin, azithromycin, pefloxacin, norfloxacin và erythromycin.
- Các loại thuốc chống loạn nhịp tim như lidocaine, quinidine, quinine, procainamide, trimethaphan và Camsylate
- Thuốc Corticosteroid như Magnesi đường tiêm truyền…
Hỗ trợ điều trị bệnh nhược cơ tại nhà
Bên cạnh các phương pháp kể trên, người bệnh có thể tham khảo áp dụng một số biện pháp hỗ trợ đẩy lùi triệu chứng của nhược cơ ngay tại nhà như sau:
- Xây dựng chế độ ăn uống phù hợp: nhai thức ăn kĩ, chậm, có các quãng nghỉ giữa mỗi lần cắn thức ăn. Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, tăng cường các loại rau, củ quả tươi xanh, thức ăn mềm, hạn chế đồ ăn cứng vì có thể ảnh hưởng đến cơ.
- Lắp đặt các tay vịn cầu thang, bồn tắm, bồn cầu, bồn rửa mặt, sử dụng các loại thảm, dép có độ bám cao.
- Sử dụng các dụng cụ điện để hạn chế sự dùng lực quá mức như bàn chải đánh răng điện.
- Sử dụng miếng che mắt để cải thiện tình trạng song thị khi đọc viết, xem TV. Lưu ý, thay đổi miếng che mắt thường xuyên để tránh gây mỏi mắt.
Tiên lượng cho bệnh nhược cơ
Bệnh nhược cơ trong trường hợp nhẹ có thể được đẩy lùi bằng một số phương pháp phù hợp. Ở diễn tiến xấu hơn, người bệnh có thể phải ngồi xe lăn, thậm chí đe dọa tới tính mạng, tuy nhiên khá hiếm gặp, chúng thường liên quan tới các biến chứng hô hấp.
Bệnh nhược cơ kéo dài từ 1 – 7 năm, ở nam giới có tiến triển nhanh hơn nữ giới. Ở trẻ nhỏ, khoảng 30% trẻ không cần cắt bỏ tuyến ức, 40% trẻ có thể khỏi bệnh hoàn toàn sau khi tiến hành phẫu thuật.
Trên đây là những thông tin về bệnh nhược cơ, hy vọng đã mang đến cho bạn những kiến thức sức khỏe hữu ích. Để được chẩn đoán chính xác nhất về tình trạng bệnh của mình, bạn cần đến các cơ sở y tế uy tín.