Hội chứng dải chậu chày là một trong những chấn thương xảy ra ở đầu gối gây ra những khó khăn cho quá trình vận động của người bệnh. Hội chứng dải chậu chày có thể được cải thiện bằng một số biện pháp đơn giản tại nhà, nhưng vẫn cần có sự giám sát của những người có chuyên môn để hạn chế những biến chứng có thể xảy ra.
Hội chứng dải chậu chày là gì?
Dải chậu chày là một dải liên kết kéo dài từ hông đến mặt ngoài đầu gối và xương chày. Bộ phận này đảm nhiệm vai trò giúp hông có thể di chuyển dễ dàng hơn, giúp đầu gối di chuyển linh hoạt, bảo vệ phần đùi bên ngoài.
Khi bạn vận động quá mức ở vùng đầu gối, dải chậu chày sẽ bị siết chặt và viêm. Tình trạng này thường xảy ra ở những người có thói quen thường xuyên gập đầu gối 30 độ, điển hình nhất là vận động viên. Những cơn đau có xu hướng lan tỏa từ đầu gối đến khu vực đùi và rộng nhất là đến hông, ảnh hưởng tới khả năng vận động bình thường của người bệnh.
Dấu hiệu và triệu chứng Hội chứng dải chậu chày
Triệu chứng của hội chứng dải chậu chày có sự tiến triển theo thời gian. Dưới đây là một số biểu hiện điển hình của hội chứng dải chậu chày:
- Đau nhức âm ỉ hoặc dữ dội ở đầu gối, đôi khi kèm nóng rát
- Khi chạm vào cảm thấy đầu gối mềm, không có sự đàn hồi như bình thường
- Các cơn đau ảnh hưởng đến vùng đùi, hông
- Mặt ngoài đầu gối có dấu hiệu ấm và đỏ
Các triệu chứng này thường xảy ra khi người bệnh bắt đầu luyện tập thể thao, diễn ra trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, nếu không dừng các hoạt động kích ứng, dải chậu chày có thể sẽ bị cọ xát liên tục vào đầu gối, dẫn đến sưng, đau gối dữ dội.
Nguyên nhân gây hội chứng dải chậu chày
Các bác sĩ chia nguyên nhân gây hội chứng dải chậu chày thành 3 nhóm chính:
- Thói quen luyện tập
Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hội chứng dải chậu chày. Các thói quen luyện tập như: luyện tập với tư thế yoga gập đầu gối trong thời gian dài, chạy trên đường cong, khởi động không kỹ, chạy ở những khu vực địa hình dốc, đi bộ đường dài,…. cũng khiến cho dải chậu chày bị căng quá mức, gây đau đớn.
- Bất thường về giải phẫu chân
Một số khác thường về bàn chân như: vòm chân quá cao, hoặc quá thấp, chiều dài hai chân chênh lệch, chân vòng kiềng, cơ bụng, cơ mông, cơ hông quá yếu, chân nghiêng quá mức,… là nguyên nhân dẫn đến hội chứng dải chậu chày.
- Mất cân bằng cơ
Bên cạnh đó, các tác động từ cơ cũng gia tăng nguy cơ mắc hội chứng dải chậu chày. Điển hình là: Cơ bắp hông yếu, Cơ bắp nằm dọc cột sống yếu, Dải chậu chày bên trái và bên phải không đều.
Ngoài ra, hội chứng dải chậu chày cũng bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố sau:
- Thói quen ngồi vắt chân trong thời gian dài
- Ngồi quá lâu
- Từng gặp chấn thương hoặc bị siết chặt dải chậu chày
Việc xác định chính xác nguyên nhân có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình điều trị của bác sĩ, rút ngắn thời gian và chi phí chữa trị cho người bệnh.
Khi nào cần đến bệnh viện
Thông thường các trường hợp mắc hội chứng dải chậu chày đều có thể được chữa khỏi tại nhà bằng một số biện pháp đơn giản cùng chế độ luyện tập, nghỉ ngơi hợp lý. Tuy nhiên, nếu tình trạng này diễn ra trong thời gian dài, bạn cần đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị sớm.
Hơn nữa, nếu gặp phải những triệu chứng dưới đây, bạn cũng cần đi bệnh viện ngay:
- Đau khi đi bộ, cứng khớp gối hoặc không có khả năng uốn cong đầu gối
- Sưng tấy, đỏ, nóng da hoặc thay đổi màu da ở vùng đầu gối
- Chấn thương ở hông hoặc xung quanh khớp gối cũng cần được xử lý triệt để
- Xuất hiện tình trạng sốt hoặc các triệu chứng bất thường khác
Chẩn đoán Hội chứng dải chậu chày
Để chẩn đoán hội chứng dải chậu chày, các bác sĩ sẽ thực hiện một số phương pháp sau:
Chẩn đoán lâm sàng:
- Bác sĩ tiến hành khám sức khỏe tổng quát kết hợp hỏi người bệnh về những triệu chứng cụ thể, yêu cầu bệnh nhân làm một số bài kiểm tra sức khỏe thể chất
- Kiểm tra những dấu hiệu lâm sàng như nắn bóp, quan sát đầu gối
Chẩn đoán cận lâm sàng:
- Chỉ định chụp MRI để xác định chính xác những tổn thương bên trong
- Thực hiện chẩn đoán phân biệt: để phân biệt với một số bệnh liên quan tới tổn thương dây thần kinh. Một số chẩn đoán thường được thực hiện bao gồm: viêm dây chằng xương bánh chè, viêm gân cơ hai đầu đùi.
Điều trị hội chứng dải chậu chày
Nguyên tắc điều trị của hội chứng dải chậu chày chính là điều trị bảo tồn. Dưới đây là một số biện pháp thường được sử dụng trong chữa trị hội chứng này:
Phương pháp điều trị chấn thương cơ bản – RICE
Quy trình này gồm 4 bước, người bệnh có thể thực hiện ngay tại nhà:
- Nghỉ ngơi: đây là nguyên tắc đầu tiên mà người mắc hội chứng dải chậu chày cần thực hiện.
- Chườm đá: Chườm túi đá hoặc khăn lạnh mỏng lên đầu gối trong khoảng 15 phút sau mỗi 2 giờ có thể hỗ trợ giảm cơn đau và giảm viêm.
- Nén: người bệnh thực hiện nén ở đầu gối, giúp ổn định đầu gối, giảm ma sát khi dây thần kinh trượt qua đầu gối và có tác dụng hỗ trợ giảm đau hiệu quả.
- Nâng cao chân: Người bệnh cần tiến hành nâng cao chân, đặc biệt trong quá trình chườm lạnh để hạn chế những cơn đau.
Sử dụng thuốc
Trong một số trường hợp, các bác sĩ sẽ chỉ định thuốc điều trị trong nhóm kháng viêm không steroid, điển hình là ibuprofen và naproxen. Ở tình trạng nghiêm trọng hơn, bác sĩ sẽ cân nhắc tiêm steroid để hỗ trợ cải thiện các triệu chứng cho người bệnh. Tuy nhiên, khi sử dụng các loại thuốc này, bạn cần tuân thủ nghiêm ngặt chi định của bác sĩ để hạn chế những tác dụng phụ có thể xảy ra.
Vật lý trị liệu
Các động tác vật lý trị liệu là thực sự cần thiết đối với quá trình phục hồi của người mắc hội chứng dải chậu chày. Ngoài việc sửa chữa những tổn thương ở đầu gối, trong quá trình thực hiện các chuyên gia cũng sẽ hướng dẫn bạn thực hiện các kỹ thuật hạn chế các chấn thương.
Bài tập giãn cơ
Một số bài tập thường được sử dụng đó là: căng cơ mông, đứng duỗi thẳng, tập con lăn,… Kiên trì luyện tập các bài tập này trong thời gian dài với cường độ vừa phải sẽ giúp cải thiện những triệu chứng của hội chứng dải chậu chày, tăng cường sức khỏe cho cơ.
Phẫu thuật
Đây là phương pháp được chỉ định cuối cùng khi mà những cơn đau nhức do hội chứng dải chậu chày gây ra vượt quá tầm kiểm soát của người bệnh. Tuy nhiên, chi phí này khá đắt đỏ, bên cạnh đó cũng có thể gây ra một số biến chứng hậu phẫu. Bởi vậy, người bệnh cần cân nhắc thật kỹ trước khi đưa ra quyết định.
Phòng ngừa hội chứng dải chậu chày
Để ngăn ngừa hội chứng dải chậu chày, người bệnh có thể thực hiện một số phương pháp sau đây:
- Trước khi luyện tập cần khởi động thật kỹ
- Luyện tập với cường độ vừa phải, có các quãng nghỉ trong thời gian luyện tập để tránh tình trạng căng cơ
- Chọn đôi giày phù hợp, mang lại cảm giác êm ái thoải mái cho chân trong suốt quá trình luyện tập thể dục, thể thao
- Đến gặp bác sĩ ngay nếu thấy các triệu chứng tiến triển phức tạp
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, tránh tình trạng căng thẳng quá mức, hạn chế thức khuya.
Vừa rồi, chúng tôi đã cung cấp tới bạn những thông tin về hội chứng dải chậu chày, hy vọng đó là những kiến thức hữu ích dành cho bạn. Nếu thấy có những triệu chứng của hội chứng dải chậu chày, bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên môn càng sớm, càng tốt để được điều trị với những biện pháp phù hợp.