Hội chứng cổ vai cánh tay xảy ra do tác động của một số bệnh lý ở vùng cột sống cổ kèm các loại rối loạn. Bệnh gây ra các cơn đau nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sinh hoạt thường ngày. Tìm hiểu thông tin cụ thể về hội chứng trong bài viết dưới đây!
Y học định nghĩa về hội chứng cổ vai cánh tay
Hội chứng cổ vai cánh tay hay Cervical Scapulohumeral Syndrome là một tập hợp các triệu chứng lâm sàng xảy ra do ảnh hưởng của các bệnh lý về cột sống cổ. Bệnh chỉ gây ra tình trạng rối loạn chức năng tủy cổ, rễ thần kinh đốt sống cổ, không liên quan đến viêm nhiễm. Y học còn gọi đây là bệnh rễ tủy cổ hay hội chứng vai cánh tay.
Người mắc hội chứng này thường sẽ đau nhức ở cổ. Các cơn đau có thể lan rộng qua vai, di chuyển xuống một bên cánh tay. Người bệnh có thể bị rối loạn vận động và cảm giác tại các dây thần kinh chi phối hoạt động của cột sống cổ.
Theo nghiên cứu, những đối tượng sau sẽ có nguy cơ mắc hội chứng cổ vai cánh tay cao hơn:
- Người thường xuyên hút thuốc lá
- Người chơi các môn thể thao ảnh hưởng đến cột sống
- Người phải hoạt động nhiều ở vùng cổ, hay mang vác vật nặng…
Nguyên nhân hình thành hội chứng cổ vai cánh tay
Các bác sĩ đã tổng hợp và chỉ ra các nguyên nhân chính hình thành hội chứng cổ vai cánh tay như sau:
Thoái hóa xương khớp
Số liệu thống kê về hội chứng này cho thấy, 80% người mắc bệnh là do thoái hóa xương khớp. Người bệnh có thể thoái hóa ở liêm mỏm, thoái hóa đốt sống cổ,… Khi thoái hóa xảy ra, kích thước lỗ liên hợp bị thu hẹp, rễ thần kinh bị chèn ép gây đau nhức.
Thoát vị đĩa đĩa đệm đốt sống cổ
Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ làm nhân nhầy thoát khỏi vị trí ban đầu, chèn ép lên dây thần kinh, từ đó gây đau. Khoảng 20% trường hợp mắc hội chứng cổ vai cánh tay là do nguyên nhân này.
Chấn thương
Các chấn thương xảy ra do tai nạn lao động hoặc giao thông đều có thể dẫn đến hội chứng cổ vai cánh tay. Nguy cơ mắc bệnh cao hơn nếu các chấn thương này xảy ra ở vùng cổ, cánh tay hoặc vai.
Ngoài các nguyên nhân chính kể trên, hội chứng cổ vai cánh tay có thể xảy ra do nhiễm trùng cột sống, sự chèn ép của khối u cột sống do ung thư, viêm cột sống…
Triệu chứng của hội chứng cổ vai cánh tay
Hội chứng cổ vai cánh tay dẫn đến các cơn đau lan tỏa từ cổ sang vai và xuống một bên cánh tay. Tùy thuộc vào nguyên nhân, tình trạng phát triển của bệnh mà các triệu chứng cũng có sự khác biệt. Một số triệu chứng của hội chứng là:
Đau nhức
Người bệnh cảm thấy đau nhức ở vùng cổ gáy, đặc biệt là sau khi vận động mạnh, quá sức tại vùng cổ hoặc sau khi ngủ dậy. Các cơn đau có thể xuất hiện âm ỉ. Mức độ đau nặng hay nhẹ tùy thuộc và giai đoạn phát triển của bệnh và các vận động đi kèm của người mắc.
Trong trường hợp bệnh ảnh hưởng đến rễ dây thần kinh, các cơn đau có thể lan đến chẩm, di chuyển xuống cánh tay.
Vận động cổ bị hạn chế
Người mắc hội chứng cổ vai cánh tay thường sẽ kèm cứng khớp. Đây là nguyên nhân dẫn đến vận động cổ và các bộ phận ảnh hưởng bị hạn chế. Một số trường hợp còn kèm theo tình trạng vẹo cổ.
Rối loạn cảm giác
Triệu chứng xảy ra khi có sự chèn ép xảy ra ở rễ dây thần kinh. Người bệnh luôn cảm thấy có kiến bò, rát bỏng hoặc tê ở vùng ngón, tay, hai bàn tay và vai.
Chèn ép tủy cổ
Đây là một triệu chứng nguy hiệu và thường xảy ra khi hội chứng đã diễn ra trong một thời gian dài. Tủy cổ của người bệnh bị chèn ép do các khối nhân nhầy đĩa đệm bị chèn ép hoặc lồi.
Liệt tứ chi
Trong trường hợp người bệnh không can thiệp Y khoa từ sớm, người bệnh có thể bị liệt trung ương tứ chi, liệt ngoại vi 2 tay, 2 chân.
Ngoài các triệu chứng điển hình kể trên, người bệnh có thể bị ù tai, rối loạn thị lực, thường vã mồ hôi vào ban đêm. Cơ thể trong tình trạng rét run, sốt và sụt cân nghiêm trọng.
Chẩn đoán hội chứng cổ vai cánh tay
Chẩn đoán lâm sàng
Quá trình chẩn đoán lâm sàng diễn ra như sau:
- Bác sĩ kiểm tra về tiền sử về bệnh lý, chấn thương, tổn thương cột số ở vùng cổ
- Kiểm tra tình trạng các triệu chứng mà người bệnh đang gặp phải
- Người bệnh thực hiện một số động tác để bác sĩ xác định chính xác điểm đau
- Kiểm tra một số triệu chứng đi kèm
Chẩn đoán cận lâm sàng
- Chụp X-quang: Phương pháp được thực hiện nhằm tìm kiếm những chấn thương và khe hở đốt sống đang có dấu hiệu bị thu hẹp. Kết quả thu được sẽ tìm nguyên nhân gây bệnh và xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh.
- Chụp CT cắt lớp: Phương pháp thực hiện nhằm xác định cụ thể, chi tiết về tổn thương ở vùng cổ, từ đó giúp việc chẩn đoán dễ dàng hơn.
- Chụp MRI: Tổn thương mô mềm và rễ thần kinh sẽ hiển thị rõ ràng sau khi chụp MRI. Phương pháp này thường được áp dụng cho người đau trên 4 tuần, có các dấu hiệu dẫn đến nhiễm trùng.
- Điện cơ: Phương pháp được thực hiện nhằm xác định khả năng hoạt động của các cơ khi chúng co lại/ nghỉ ngơi. Từ đó, bác sĩ xác định tổn thương nguồn gốc thần kinh.
Ngoài 2 chẩn đoán trên, người bệnh phải thực hiện chẩn đoán phân biệt nhằm xác định chính xác sự khác biệt của hội chứng cổ vai cánh tay với viêm khớp vai, bệnh tủy sống, bệnh tim mạch, hô hấp…
Phòng ngừa và điều trị hội chứng cổ vai cánh tay
Hội chứng cổ vai cánh tay không thể đẩy lùi hoàn toàn nhưng người bệnh cần thực hiện điều trị để kiểm soát các triệu chứng. Một số loại thuốc thường được bác sĩ chỉ định sử dụng là:
- Thuốc giảm đau: Paracetamol, Paracetamol kết hợp với Tramadol, Codein,… là một số loại thuốc giảm đau thường dùng cho các trường hợp đau nhẹ đến vừa.
- Thuốc kháng viêm không chứa Steroid: Nhóm thuốc này vừa có công dụng giảm đau, vừa có công dụng kháng viêm. Thuốc sử dụng phù hợp với những trường hợp người bệnh đau trung bình. Piroxicam, Celecoxib, Etoricoxib là các loại thuốc thường được dùng.
- Thuốc giãn cơ: Eperisone, Tolperisone, Diazepam là các loại thuốc được dùng để đẩy lùi triệu chứng cứng cơ, giảm đau và tăng khả năng vận động cho người bệnh.
- Thuốc chống trầm cảm 3 vòng: Nortriptyline, Amitriptyline là thuốc chống trầm cảm 3 vòng được dùng nhằm cải thiện tình trạng đau dây thần kinh mạn tính, đau nghiêm trọng khiến bệnh nhân rối loạn giấc ngủ.
- Phẫu thuật: Người bệnh có thể phải thực hiện chỉnh sửa cột sống, phẫu thuật lấy nhân nhầy thoát vị, giải quyết dính cột sống để ngăn chặn bệnh phát triển và các biến chứng có thể xảy ra. Phẫu thuật được thực hiện khi các phương pháp điều trị bảo tồn không đem lại hiệu quả.
Để phòng ngừa hội chứng này, các bác sĩ khuyên bạn nên tránh dùng đầu – cổ quá mức, thường xuyên massage nhẹ nhàng vùng cổ để cải thiện quá trình tuần hoàn máu, tăng cường sự linh hoạt và sức cơ ở vùng cổ.
Nhiều người ưu tiên thực hiện các bài tập thể dục hoặc luyện tập Yoga để phòng ngừa hội chứng cổ cánh tay vai hiệu quả. Bạn có thể tham khảo và thực hiện theo chỉ dẫn của bác sĩ, chuyên gia để tránh gây ra tránh thương trong quá trình luyện tập. Bài tập rắn hổ mang, xoay cổ trái phải,… là các bài tập bạn có thể tham khảo.
Trên đây là thông tin tổng hợp về hội chứng cổ cánh tay vai. Bạn đọc tham khảo và hiểu thêm về bệnh lý xương khớp này từ đó các biện pháp phòng ngừa và điều trị sớm. Chúc bạn thật nhiều sức khỏe và thành công.