Gãy xương đòn nếu không được điều trị sớm có thể dẫn đến những tổn thương nghiêm trọng vùng bả vai, thậm chí ảnh hưởng đến khả năng vận động của người bệnh. Chính vì vậy, việc phát hiện sớm và được điều trị chuyên khoa kịp thời là điều vô cùng quan trọng. Bài viết sau đây chia sẻ những thông tin hữu ích xoay quanh tình trạng này, bạn đọc quan tâm đừng bỏ lỡ!
Gãy xương đòn là gì?
Xương đòn, còn có tên gọi khác là xương quai xanh, là khúc xương nối giữa xương ức và xương bả vai. Nhờ có xương đòn mà khung xương ngực được liên kết chặt chẽ với cánh tay, đảm bảo cấu trúc vững chắc để phục vụ cho các hoạt động sống của con người.
Gãy xương đòn xảy ra khi phần xương này phải chịu tác động lớn từ ngoại lực bên ngoài, dẫn đến những tổn thương gây ảnh hưởng đến cấu trúc. Theo các bác sĩ, đây không phải là tình trạng hiếm gặp. Thậm chí, nó còn chiếm đến 5% các ca gãy xương ở người lớn và 8% đến 15% ở trẻ em và vị thành niên. Bên cạnh đó, các chuyên gia còn nhận định rằng tình trạng này xảy ra phổ biến hơn ở nam giới, nhất là độ tuổi từ 15 cho đến 24.
Khi xương đòn bị gãy, người bệnh không chỉ bị ảnh hưởng bởi những cơn đau nhức khó chịu mà còn bị cản trở trong quá trình vận động. Nếu không được phát hiện sớm, bệnh có thể gây ra nhiều di chứng đối với hệ thống dây thần kinh và hệ xương khớp về sau.
Nguyên nhân của gãy xương đòn
Các nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng gãy xương đòn có thể kể đến là:
- Bị ngã: Rất nhiều người bị tổn thương xương đòn sau khi bị ngã, nhất là với trường hợp ngã sấp về phía trước, phần bả vai và ngực bị va đập mạnh.
- Chấn thương khi chơi thể thao: Đây cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng xương đòn bị gãy. Người bệnh có thể phải chịu một cú đánh mạnh vào vai hoặc bị ngã khi đang trượt băng.
- Tai nạn xe cộ: Đôi khi, gãy xương quai xanh liên quan đến tai nạn giao thông, ví dụ như tai nạn ô tô, ngã xe đạp, ngã xe máy,…
- Bẩm sinh: Có một số trẻ khi còn ở trong bụng mẹ không được cung cấp đủ lượng canxi cần thiết, khiến xương đòn trở nên giòn và yếu hơn bình thường. Chính vì vậy mà khi trải qua quá trình sinh nở, phần xương này có thể bị tổn thương và gãy nứt.
Bên cạnh các nguyên nhân tác động trực tiếp kể trên, tuổi tác cũng là một yếu tố nguy cơ khiến tình trạng gãy xương đòn dễ xảy ra hơn. Theo đó, những người chưa đủ 20 tuổi có phần xương quai xanh chưa phát triển cứng cáp và toàn vẹn. Trong khi đó, người cao tuổi lại có xương giòn xốp do lão hóa. Các trường hợp này nếu gặp phải chấn thương thì rất dễ bị gãy xương quai xanh.
Dấu hiệu nhận biết gãy xương đòn
Khi bị gãy xương đòn, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng sau đây:
- Đau đớn: Phần lớn các trường hợp bị gãy xương đều cảm thấy đau đớn và xương đòn cũng không ngoại lệ. Cảm giác khó chịu có thể gia tăng nếu người bệnh cử động cánh tay và bả vai.
- Sưng tấy, bầm tím: Người bệnh cũng có thể bị sưng tấy, bầm tím ở vùng xương đòn. Tình trạng này xảy ra do khi va chạm mạnh phần cơ và thịt bị tụ máu và viêm.
- Âm thanh răng rắc: Nếu người bệnh cố cử động vai và cánh tay thì có thể nghe thấy những âm thanh răng rắc giống như khi vật cứng bị bẻ gãy. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng khó có thể hoạt động như bình thường, vai căng cứng khó chịu.
Các chuyên gia khuyến khích người bệnh nên tìm kiếm sự trợ giúp y tế ngay khi cảm giác đau nhức trở nên tồi tệ hơn và phần vai không thể chuyển động được. Sự chậm trễ trong xử lý có thể dẫn đến nhiều vấn đề nghiêm trọng, thậm chí là để lại di chứng về sau cho người bệnh.
Gãy xương đòn bao lâu thì khỏi? Có nguy hiểm hay không?
Bên cạnh các vấn đề liên quan như nguyên nhân hay dấu hiệu, có không ít người còn thắc mắc không biết liệu gãy xương đòn bao lâu thì khỏi và tình trạng này có nguy hiểm hay không.
Theo các bác sĩ, vấn đề thời gian hồi phục còn phụ thuộc vào một số yếu tố khác nhau, ví dụ như tuổi tác và mức độ nghiêm trọng. Thông thường thì người bệnh phải mất đến vài tuần lễ mới có trở lại bình thường như ban đầu. Cụ thể như sau:
- Bệnh nhi dưới tám tuổi: Mất khoảng 4 đến 5 tuần lễ để có thể bình phục.
- Bệnh nhi từ tám đến 15 tuổi: Thời gian thường kéo dài hơn, dao động trong khoảng 6 đến 8 tuần lễ.
- Thanh thiếu niên và người trưởng thành: 10 đến 12 tuần, thậm chí có thể lâu hơn nếu người bệnh trên 40 tuổi.
Hầu hết các trường hợp bị gãy xương quai xanh đều có thể hồi phục mà không gặp phải cản trở gì. Tuy nhiên, vẫn tồn tại nguy cơ biến chứng, nhất là với những đối tượng phát hiện muộn. Các biến chứng này có thể là:
- Tổn thương mạch máu và dây thần kinh: Xương đòn được bao bọc bởi các dây thần kinh và những mạch máu xung quanh. Chính vì vậy, khi bị gãy, những đầu xương lởm chởm có thể cứa vào mạch máu và dây thần kinh, khiến chúng bị tổn thương.
- Xương không mau liền: Đối với các bệnh nhân bị gãy xương nghiêm trọng nhưng lại phát hiện muộn, nguy cơ xương không mau lành có thể xảy ra. Điều này khiến thời gian phục hồi kéo dài hơn cũng như để lại di chứng như đau nhức khi thay đổi thời tiết ở người bệnh.
Chẩn đoán gãy xương đòn
Các bác sĩ có thể chẩn đoán tình trạng gãy xương đòn thông qua các biện pháp sau đây:
- Kiểm tra bên ngoài: Các bác sĩ sẽ tiến hành xem xét các dấu hiệu bên ngoài như sưng tấy, bầm tím và kiểm tra xem có bị biến dạng nghiêm trọng hay không. Sau khi đưa ra những suy đoán ban đầu, người bệnh được đưa đến khu xét nghiệm.
- Xét nghiệm hình ảnh: Có hai loại xét nghiệm hình ảnh thường được sử dụng là CT và X-quang. Kết quả thu được sẽ cho biết chính xác vị trí tổn thương trên xương đòn cũng như mức độ gãy của xương. Những thông tin này giúp ích rất nhiều trong việc xây dựng phương án điều trị cho người bệnh,
Điều trị gãy xương đòn
Các biện pháp điều trị gãy xương đòn gồm có:
- Thuốc uống: Để đối phó với tình trạng đau nhức khó chịu, người bệnh có thể sử dụng một số thuốc giảm đau liệu nhẹ (acetaminophen, ibuprofen). Nếu mức độ nghiêm trọng hơn, bác sĩ thường kê thêm thuốc giảm đau gây nghiện (prednisone).
- Thiết bị hỗ trợ: Nếu mức độ tổn thương không nghiêm trọng, người bệnh có thể chỉ cần sử dụng thiết bị hỗ trợ để đỡ lấy phần xương đòn và hạn chế tối đa tác động bên ngoài. Thiết bị hỗ trợ sẽ đảm bảo quá trình phục hồi diễn ra thuận lợi và ngăn không cho để lại di chứng.
- Vật lý trị liệu: Quá trình phục hồi chức năng có thể bắt đầu ngay từ khi điều trị bảo tồn. Những bài tập trị liệu này có mục đích chính là giảm thiểu độ cứng cho vai, khiến các chuyển động vai và cánh tay dần trở nên thuận tiện, linh hoạt hơn.
- Phẫu thuật: Đối với các trường hợp gãy nghiêm trọng, ví như xương đòn vỡ thành nhiều mảnh hoặc phần xương gãy đâm xuyên qua da, người bệnh cần phải phẫu thuật. Các bác sĩ sẽ sử dụng đinh vít, ghim và thanh đỡ nhằm cố định vị trí tổn thương, tạo điều kiện cho cơ thể tự chữa lành vết gãy sau đó.
Tuy nhiên, biện pháp này không phải không tồn tại rủi ro. Có một số bệnh nhân bị nhiễm trùng hoặc xương không liền được. Vì vậy, sau phẫu thuật, người bệnh cần được theo dõi ở bệnh viện một khoảng thời gian.
Gãy xương đòn có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng, nhất là với trường hợp không được điều trị sớm. Để giúp quá trình phục hồi diễn ra nhanh chóng hơn, người bệnh nên chú ý tăng cường nghỉ ngơi, hạn chế các loại vận động mạnh cần sử dụng đến vai, tay cũng như bồi bổ thêm dinh dưỡng thông qua ăn uống hàng ngày.