Điều trị thoái hóa khớp gối bằng Đông y là một giải pháp điều trị được nhiều người bệnh lựa chọn vì có thể cải thiện cơn đau nhức khá hiệu quả. Tuy nhiên chi tiết phương pháp này như thế nào, cách thực hiện ra sao không phải ai cũng hiểu rõ. Hãy cùng tìm hiểu nội dung này ngay sau đây!
Bệnh thoái hóa khớp gối theo quan điểm Đông y
Khi bị thoái hóa khớp gối, người bệnh sẽ phải chịu đựng những cơn đau đớn mỗi khi di chuyển, vận động và đặc biệt là những cơn co cứng khớp khó chịu xảy ra vào mỗi buổi sáng sau khi ngủ dậy. Bệnh này trong Đông y được giải thích khá cặn kẽ từ yếu tố nội sinh và nguyên nhân ngoại sinh.
1. Tác nhân ngoại sinh
Ngoại sinh gồm các yếu tố như sự thay đổi thời tiết, tà khí (phong, hàn, thấp, nhiệt) gây ra. Các yếu tố ngoại sinh chính là nguyên nhân làm cho khí huyết ngưng trệ, không được lưu thông tự nhiên rồi dẫn tới tê mỏi, đau nhức vì máu không thông.
Thường thì thoái hóa khớp gối do những tác nhân ngoại sinh này thường sẽ khởi phát hoặc tăng nặng về cấp độ mỗi khi thời tiết thay đổi, thời điểm giao mùa hoặc do người bệnh đi mưa bị nhiễm lạnh.
2. Tác nhân nội sinh
Nội sinh tức là các yếu tố thuộc về cơ địa, thể trạng của bản thân người bệnh. Yếu tố này thường được nhắc tới với vai trò là tuổi tác cao hoặc xem xét trên góc độ người bệnh có đang mắc một bệnh lý mãn tính nào hay không ví dụ như tiểu đường, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, bệnh gan, bệnh thận hoặc do béo phì… Đặc biệt y học cổ truyền cho rằng đau nhức xương khớp, thoái hóa khớp gối hay những vấn đề khác về xương khớp là do chức năng thận bị suy giảm vì cơ quan này là chủ tàng tinh. Ngoài ra, gan hư cũng là nguyên nhân gây thoái hóa khớp gối vì can hư làm gân suy yếu trong khi đầu gối lại là căn cốt của gân.
3. Nguyên nhân liên quan
Ngoài các yếu tố trên thì thoái hóa khớp gối còn có thể là hệ quả của nhiều tác nhân khác như: môi trường, chế độ dinh dưỡng, thường xuyên lao động nặng…
Nhìn chung thoái hóa khớp gối thường khó xác định được nguyên nhân chính xác gây bệnh và nó thường là kết quả do nhiều nguyên nhân kết hợp với nhau. Để được chẩn đoán chính xác thì người bệnh nên được thăm khám trực tiếp.
Điều trị thoái hóa khớp gối bằng Đông y có hiệu quả không?
Đông y điều trị bệnh thoái hóa khớp gối theo nguyên tắc thông kinh lạc, hoạt huyết, mạnh xương cốt, giảm đau. Để làm được điều này thì cần phải kết hợp vừa dùng thuốc, vừa làm trị liệu như xoa bóp, châm cứu, bấm huyệt… để giúp máu tuần hoàn, giải quyết ứ trệ và sưng phù ở khớp gối.
Tuy nhiên các biện pháp này nhìn nhận một cách khách quan thì chỉ có thể áp dụng trong trường hợp thoái hóa khớp gối chưa phát triển thành biến chứng nghiêm trọng như biến dạng, mất sụn hoặc viêm nhiễm nặng.
Cách điều trị thoái hóa khớp gối bằng Đông y
Điều trị thoái hóa khớp gối bằng Đông y bao gồm uống thuốc, đắp thuốc, cùng làm vật lý trị liệu giảm đau. Người bệnh có thể tham khảo một số ví dụ điển hình sau:
1. Bài thuốc Đông y điều trị thoái hóa khớp gối
Bài thuốc Độc hoạt tang ký sinh
Đây là bài thuốc Đông y chuyên cải thiện các trường hợp thoái hóa khớp, thấp khớp. Bài thuốc này có công dụng trừ hàn, thông kinh lạc, hoạt huyết, giảm ứ trệ.
Thang thuốc gồm: Cam thảo, quế chi, tế tân (mỗi thứ 4g), tần giao, xuyên khung (mỗi thứ 8g), phòng phong, phục linh, bạch thược (mỗi thứ 10g), độc hoạt, đảng sâm, đỗ trọng, sinh địa, đương quy, ngưu tất (mỗi thứ 12g).
Cách dùng: tất cả các vị thuốc rửa sạch, cho vào ấm đun với 1 lít nước, thuốc sôi đun liu riu khoảng 20-30 phút thì ngừng. Mỗi ngày dùng 1 thang.
Bài thuốc từ Tục Đoạn
Tục Đoạn là vị thuốc Nam có công dụng giảm đau nhức khớp gối về đêm do thoái hóa khớp, giảm triệu chứng chân tay lạnh.
Thang thuốc gồm: Nam tục đoạn, huyết đằng, hà thủ ô (mỗi thứ 16g), chích cam thảo, cửu tiết xương bồ, đương quy (mỗi thứ 12g), rễ trinh nữ, thổ phục linh (mỗi thứ 20g), quế chi, cây bao kim (mỗi thứ 10g), đậu đen (24g).
Cách dùng: Tất cả các vị thuốc sắc cùng 1 lít nước tới khi còn ⅓. Chia làm 2 lần uống trong ngày.
Bài thuốc ngâm rượu
Bài thuốc này phù hợp với những trường hợp đau khớp gối kéo dài.
Chuẩn bị: Táo nhân sao đen, rễ cỏ xước, đương quy, rễ bưởi bung, nam tục đoạn, tang chi, xuyên khung, kê huyết đằng (mỗi thứ 20g), cam thảo (16g), trần bì (12g).
Thực hiện: Tất cả các nguyên liệu cho vào bình ngâm với rượu trắng trong 12 ngày. Khi được dùng rượu thuốc ngày 2 lần, mỗi lần 50ml trước khi ăn.
Bài thuốc đắp
Thuốc đắp thường kết hợp với thuốc uống để giúp cải thiện triệu chứng đau nhức nhanh chóng hơn.
Chuẩn bị: 24g củ thạch xương bồ đập dập và 1 nắm ngải diệp.
Thực hiện: Đem sao nóng dược liệu rồi bọc trong tấm vải, chườm lên vùng đau nhức trong 20 phút.
2. Xoa bóp bấm huyệt điều trị thoái hóa khớp gối
Đây là kỹ thuật sử dụng lực từ bàn tay và các ngón tay để tác động lên các huyệt vị như Ủy trung, Huyết hải, Âm lăng tuyền, Thừa sơn, Túc tam lý… để giúp giải ứ trệ, hoạt huyết và giảm đau nhức khớp gối.
3. Châm cứu điều trị thoái hóa khớp gối
Châm cứu là phương pháp sử dụng kim châm cứu để tác động vào các huyệt vị để loại bỏ tà khí, hoạt huyết, hành khí và thông kinh lạc ngay cả trong những cơn đau nghiêm trọng. Ngoài châm cứu truyền thống thì hiện nay còn có phương pháp thủy châm, nhu châm cấy chỉ.
Lưu ý khi điều trị thoái hóa khớp gối theo Đông y
- Không tự ý điều trị, người bệnh nên tới các cơ sở YHCT uy tín để được thăm khám và điều trị tốt nhất.
- Không tự ý mua thuốc về uống
- Trước khi thực hiện vật lý trị liệu bạn hãy trao đổi với bác sĩ về tình trạng bệnh, thể trạng của mình.
Trên đây là những thông tin về chủ đề thoái hóa khớp gối bằng Đông y. Hy vọng bài viết này đã đem đến những kiến thức bổ ích cho bạn. Chúc bạn sức khỏe!