Diện chẩn chữa thoát vị đĩa đệm là biện pháp đang là phương pháp nhận được khá nhiều sự quan tâm của bệnh nhân. Có không ít ý kiến cho rằng phương pháp này thật sự giúp người bệnh cải thiện nhanh chóng những triệu chứng đau nhức, khó chịu. Rốt cục hiệu quả của diện chẩn là thế nào? Thực hành diện chẩn thế nào mới đúng? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết hôm nay!
Diện chẩn chữa thoát vị đĩa đệm có tốt không?
Giữa các xương cột sống đều có tồn tại một đĩa sụn mềm đảm nhận nhiệm vụ giảm sốc và nâng đỡ được gọi là đĩa đệm. Nếu đĩa đệm bị tổn thương do ngoại lực hoặc quá trình lão hóa, bao cơ bảo vệ có thể bị rách và khiến phần nhân bên trong chảy ra ngoài, chèn ép lên các dây thần kinh lân cận. Vấn đề này chính là thoát vị đĩa đệm.
Đa phần người bệnh bị thoát vị phải chịu đựng những cơn đau vùng lưng dai dẳng rất khó chịu. Chính vì vậy, các biện pháp điều trị đều có mục đích chủ yếu là giảm đau nhức và giúp thư giãn các cơ căng cứng xung quanh. Bên cạnh việc dùng thuốc và vật lý trị liệu, ngày nay các bệnh nhân còn có xu hướng sử dụng biện pháp diện chẩn.
Diện chẩn là một liệu pháp xoa bóp được giáo sư Bùi Quốc Châu nghiên cứu và sáng tạo dựa trên nguyên lý châm cứu, bấm huyệt của y học cổ truyền từ những năm 1980. Phương pháp này xây dựng phác đồ điều trị chủ yếu dựa vào các huyệt đạo nằm trên vùng mặt của bệnh nhân.
Diện chẩn không sử dụng kim châm bạc như châm cứu mà thường áp dụng ngoại lực từ ngón tay hoặc một dụng cụ chuyên dụng được gọi là cây lăn. Theo như các chuyên gia diện chẩn, liệu pháp này sử hữu nhiều công dụng tốt đối với sức khỏe như:
- Giúp cải thiện lưu thông tuần hoàn máu trong cơ thể, tăng cường dưỡng chất để nuôi dưỡng khu vực xương khớp, cơ bắp bị tổn thương, nhờ đó mà tình trạng đau nhức giảm đi đáng kể.
- Giúp thư giãn và thả lỏng các cơ bắp bị căng cứng, cân bằng dòng năng lượng đang chảy trong cơ thể bệnh nhân.
- Thúc đẩy quá trình trao đổi chất cũng như quá trình cơ thể đào thải chướng khí và độc tố tích tụ trong nội tạng và cơ xương khớp.
- Do đây là biện pháp vật lý nên người bệnh hạn chế được nguy cơ tác dụng phụ hoặc những ảnh hưởng tương tác thuốc trong quá trình điều trị.
Tuy sở hữu nhiều ưu điểm, người bệnh nếu có ý định sử dụng diện chẩn trong trị bệnh cũng nên dành thời gian trao đổi trước với bác sĩ điều trị. Bởi vì trên thực tế, hiện nay vẫn chưa có bất kỳ báo cáo, nghiên cứu khoa học chính thống nào khẳng định hiệu quả cũng như mức độ an toàn của diện chẩn đối với sức khỏe. Bên cạnh đó, số lượng thầy thuốc chuyên về diện chẩn hiện nay không nhiều, người bệnh nếu nhẹ dạ cả tin rất dễ gặp phải tình trạng “tiền mất, tật mang”.
Sử dụng diện chẩn chữa thoát vị đĩa đệm thế nào?
Diện chẩn chủ yếu áp dụng kỹ thuật dây ấn và xoa bóp lên một số huyệt vị đặc biệt trên khuôn mặt người bệnh. Các chuyên gia cũng khuyến cáo rằng biện pháp này chỉ thích hợp với bệnh nhân có mức độ tổn thương nhẹ, chưa ảnh hưởng quá nhiều đến dây thần kinh hoặc tủy sống.
Dưới đây là danh sách các huyệt đạo diện chẩn được sử dụng trong điều trị thoát vị đĩa đệm mà người bệnh có thể tham khảo:
Thoát vị gây căng cứng các bó cơ, tắc nghẽn lưu thông máu
- Huyệt số 41: Nằm trên má trái.
- Huyệt số 0: Nằm ở hai bên dái tai.
- Huyệt số 1: Nằm ở vị trí trung tâm chóp mũi.
- Huyệt số 290: Nằm ở đầu mũi, lấy huyệt số 1 làm điểm giữa.
- Huyệt số 61: Nằm ở điểm nối của cánh mũi và gò má.
Thoát vị ở vùng thắt lưng
- Huyệt số 73: Nằm ở bọng mắt.
- Huyệt số 184: Nằm đối diện nhau trên sống mũi, khoảng cách từ huyệt 184 đến chóp mũi bằng với khoảng cách từ huyệt 184 đến lông mày.
- Huyệt số 65: Nằm ở hai đầu lông mày trong.
- Huyệt số 97: Nằm phía trên lông mày, các huyệt số 65 khoảng 1cm.
- Huyệt số 7: Nằm ở hai bên nhân trung.
- Huyệt số 103, 106, 107: Nằm tập trung tại vùng giữa trán.
Liệu trình điều trị của diện chẩn thường kéo dài ít nhất là một tuần lễ. Mỗi một vị trí huyệt đạo người bệnh nên dành khoảng 30 giây để xoa ấn, theo thứ tự từ trán xuống đến cằm. Lực dây ấn không nên quá mạnh, nhất là với những trường hợp sử dụng cây lăn vì có thể gây trầy xước, tổn thương ngoài da.
Lưu ý khi dùng diện chẩn chữa thoát vị đĩa đệm
Trong quá trình chữa thoát vị với diện chẩn, người bệnh hãy lưu ý một số vấn đề sau đây:
- Không tự ý thực hiện tại nhà bằng các hướng dẫn qua internet. Tốt nhất là người bệnh nên tìm đến các địa chỉ khám chữa bằng diện chẩn uy tín để được chẩn đoán và hướng dẫn điều trị bởi chuyên gia, sau đó mới áp dụng tại nhà.
- Theo dõi mức độ cải thiện của sức khỏe trong quá trình áp dụng diện chẩn. Nếu không nhận thấy sự thuyên giảm nào đối với các triệu chứng, bệnh nhân nên ngừng sử dụng và đi thăm khám tại các bệnh viện lớn.
- Nếu có tiền sử bệnh lý nền như tim mạch, gan, thận hoặc ung thư, người bệnh không nên áp dụng diện chẩn tại nhà. Những trường hợp này tốt nhất nên được điều trị bởi chuyên gia để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Phụ nữ mang thai và trẻ em cũng nên thận trọng khi sử dụng diện chẩn chữa bệnh.
- Đảm bảo sử dụng tài liệu tham khảo có nguồn gốc đáng tin cậy. Vì việc xác định sai huyệt vị có thể khiến hiệu quả điều trị không đạt được như mong muốn.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh và khoa học với nhiều rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt, thịt nạc,.. Người bệnh cũng cần tiêu thụ đủ nước hàng ngày, ít nhất 2 lít nước/ ngày.
- Hạn chế các tư thế xấu trong khi ngủ hoặc mang vác để tránh gây tổn thương thêm cho đĩa đệm và cột sống.
- Tăng cường hoạt động thể chất, mỗi ngày người bệnh nên dành ít nhất 30 phút để luyện tập thể thao.
Bài viết trên hy vọng đã giúp bạn đọc giải đáp phần nào những khúc mắc liên quan đến chủ đề diện chẩn chữa thoát vị đĩa đệm. Trong quá trình sử dụng diện chẩn để chữa bệnh, bạn cũng đừng quên bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể cũng như luyện tập thể dục thể thao hàng ngày để gia tăng hiệu quả đạt được.