Ngoài các loại thuốc Tây, cấy chỉ là một trong những phương pháp được áp dụng rộng rãi trong điều trị bệnh xương khớp. Để đạt được hiệu quả tốt nhất, cấy chỉ thường được kết hợp với các bài thuốc YHCT có nguồn gốc an toàn.
Định nghĩa phương pháp cấy chỉ
Cấy chỉ là phương pháp châm cứu đặc biệt kết hợp giữa tinh hoa YHCT cùng thành tựu của Y học hiện đại. Cấy chỉ được thực hiện bằng cách đưa một đoạn chỉ vào huyệt châm cứu để duy trì sự kích thích lâu dài, có tác dụng giảm đau hiệu quả. Chỉ sử dụng là loại chỉ có khả năng tự tiêu, do đó không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nào cho sức khỏe con người.
Lịch sử hình thành và phát triển cấy chỉ
Phương pháp cấy chỉ bắt nguồn từ Trung Quốc và được du nhập vào Việt Nam vào khoảng năm 1960.
Sau đó, phương pháp cấy chỉ được ứng dụng trong chữa các bệnh về đường hô hấp như viêm xoang, hen suyễn, bệnh xương khớp, bại liệt, phục hồi chức năng,…
Hiện nay phương pháp này đã được các bác sĩ, chuyên gia cải tiến với nhiều ưu điểm nổi bật, phù hợp với cơ địa người Việt, từ đó gia tăng hiệu quả điều trị.
Cơ chế tác dụng của phương pháp cấy chỉ
Phương pháp cấy chỉ được thực hiện thông qua quá trình đưa chỉ catgut vào các huyệt đạo cần tác động, tạo ra sự kích thích lâu dài nhằm đạt được mục tiêu điều trị.
Theo đó, chỉ catgut là một protit tự tiêu trong vòng 15 – 20 ngày sau khi đưa vào cơ thể. Loại chỉ này đóng vai trò là một dị nguyên kích thích cơ thể sản sinh ra các kháng thể để bảo vệ cơ thể, tăng cường hệ miễn dịch.
Nhờ vậy, phương pháp cấy chỉ giúp thúc đẩy sự hình thành các phản ứng hóa sinh tại chỗ, tái tạo protein, hydrocacbon và tăng sinh dưỡng cho các mô của cơ thể.
Cơ chế tác dụng của cấy chỉ tương đương với phương pháp châm cứu thông thường:
Cơ chế tác dụng của châm cứu theo học thuyết kinh lạc của YHCT:
- Cấy chỉ có thể lập lại cân bằng âm dương trong cơ thể
Theo Y học cổ truyền, mọi sự vật, hiện tượng luôn có hai mặt thống nhất và đối lập, đó là hai mặt âm và dương, chúng duy trì trạng thái khỏe mạnh và tinh thần sung mãn ở con người. Khi hai mặt này mất cân bằng sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, sinh bệnh tật. Vì vậy, nguyên tắc điều trị bệnh đó chính là thiết lập lại trạng thái cân bằng âm dương, nâng cao chính khí, loại bỏ tà khí ra khỏi cơ thể.
Lúc này, phương pháp cấy chỉ được thực hiện sẽ giúp cân bằng âm dương, điều hòa chức năng lục phủ ngũ tạng, tăng cường lưu thông khí huyết, đả thông kinh mạch.
- Cấy chỉ giúp điều hòa hoạt động kinh lạc:
Trên cơ thể người tập trung hệ thống kinh lạc nối lại với nhau giúp cơ thể khỏe mạnh chống lại các tác nhân gây bệnh. Trong trường hợp hệ thống kinh lạc hoạt động kém hiệu quả bị tắc nghẽn, cấy chỉ sẽ được áp dụng nhằm khai thông kinh lạc, thúc đẩy tuần hoàn máu, nhờ đó mà cải thiện các triệu chứng của bệnh nhanh chóng.
Cơ chế tác dụng của cấy chỉ theo học thuyết của Y học hiện đại
Tùy theo vị trí, tác dụng của cấy chỉ sẽ tạo ra 3 cơ chế gồm tại chỗ, tác dụng tiết đoạn và tác dụng toàn thân.
- Phản ứng tại chỗ: Cấy chỉ tạo ra một cung phản xạ mới giúp ức chế và phá vỡ cung phản xạ bệnh lý hiện tại như giảm đau nhức, giải phóng sự co cơ, thư giãn gân cốt, bớt sưng nóng,…
- Phản ứng tiết đoạn: Khi sử dụng huyệt đạo ở một vùng da để điều trị các bệnh lý nội tạng bên trong sẽ gây ra phản ứng tiết đoạn, tạo ra các luồng xung động thần kinh hướng tâm và lan truyền tới các khu vực bị tổn thương.
- Phản ứng toàn thân: Một huyệt vị có thể dùng để chữa được nhiều bệnh khác nhau và một bệnh cũng có thể ứng dụng nhiều huyệt đạo khác nhau để chữa bệnh. Sau khi có tác động lên các huyệt đạo, các luồng xung động thần kinh sẽ được truyền liên tục về tủy sống, qua bó tủy và lên hành não và não. Quá trình châm cứu sẽ làm biến đổi các thể dịch và nội tiết, từ đó ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa, bài tiết.
Quy trình cấy chỉ điều trị xương khớp
Quy trình cấy chỉ chuẩn sẽ trải qua những giai đoạn chính như sau:
- Trước khi cấy chỉ:
Người bệnh cần lựa chọn được một cơ sở y tế uy tín để được thăm khám chính xác với đội ngũ bác sĩ có chứng chỉ đào tạo bài bản về châm cứu, cấy chỉ.
- Tiến hành cấy chỉ:
Bước 1: Người bệnh nằm ở tư thế thoải mái, để lộ vùng huyệt được chỉ định
Bước 2: Bác sĩ thực hiện quá trình vô khuẩn
Bước 3: Cắt chỉ catgut thành từng đoạn dài 1 – 2 cm.
Bước 4: Luồn sợi chỉ vào trong lòng kim cấy chỉ
Bước 5: Thực hiện sát trùng vùng huyệt được chỉ định thực hiện cấy chỉ
Bước 6: Đâm thật nhanh kim cấy chỉ qua da, rồi đẩy từ từ vào huyệt, độ sâu khoảng 1-3 cm tùy theo từng huyệt vị.
Bước 7: Cho nòng vào ống kim cấy, đẩy nòng từ từ đi vào. Dần dần rút kim ra, chỉ catgut sẽ nằm lại trong huyệt
Bước 8: Rút toàn bộ kim cấy chỉ ra khỏi huyệt
Bước 9: Bác sĩ tiến hành sát khuẩn, đặt gạc và băng dính
- Theo dõi và xử lý tai biến:
Bệnh nhân được theo dõi tình trạng sức khỏe, trong trường hợp có tai biến sẽ được bác sĩ xử lý kịp thời.
Ứng dụng cấy chỉ trong điều trị xương khớp
Phương pháp cấy chỉ cũng được ứng dụng khá nhiều trong điều trị các bệnh về xương khớp như thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, gai cột sống,…
Tương tự như châm cứu, cấy chỉ sẽ tác động lên các huyệt vị, kích thích các hoạt chất chống viêm, giảm đau, giải phóng chèn ép rễ thần kinh, thúc đẩy quá trình lưu thông máu, điều chỉnh chức năng tạng phủ.
Tùy vào từng bệnh mà bác sĩ sẽ có những chỉ định về vị trí huyệt đạo tác động khác nhau:
- Đau dây thần kinh tọa: Thận du, Đại trường du, Trật biên, Hoàn khiêu, Dương lăng tuyền, Túc tam lý, Tam âm giao, Thủy tuyền.
- Đau vai gáy: Phong trì, Kiên tỉnh, Đại trữ, Phong môn, Khúc trì, Hợp cốc, Kiên ngung, Dương trì, Ngoại quan, Tam âm giao, Địa cơ, Thủy tuyền.
- Đau nhức xương khớp: Phong môn, Bách hội, Đại chùy, Dương quan, Thận du, Tam âm giao, Huyệt hải, Hạ liêu, Thủy tuyền, Trung đô.
- Thoái hóa khớp gối: Độc tỵ, Lương khâu, Huyết hải, Âm lăng tuyền. Kết hợp cấy chỉ các huyệt có tác dụng toàn thân như huyệt Thận du, Dương lăng tuyền, Tam âm giao.
- Viêm khớp dạng thấp: Hợp cốc, Khúc trì, Kiên ngung, Kiên trinh, Thiên tuyền, Tý nhu. Trường hợp viêm khớp dạng thấp chi dưới thực hiện cấy chỉ vào các huyệt Tam âm giao, Thái xung, Trung đô, Thừa sơn, Côn lôn, Trật biên, Thứ liêu, Giáp tích, Dương long tuyền, Túc tam lý, Huyết hải, Phong long.
- Thoát vị đĩa đệm: Thận du, Đại trường du, Giáp tích. Trong trường hợp thoát vị đĩa đệm gây chèn rễ thần kinh, có thể bổ sung thêm các huyệt như Phong thị, Dương lăng tuyền, Hoàn khiêu, Trật biên, Thừa phù, Côn lôn, Ân môn.
Cấy chỉ chữa bệnh xương khớp là một trong những phương pháp điều trị khá hiệu quả, an toàn cho người bệnh. Tuy nhiên bạn nên lựa chọn những địa chỉ uy tín để thực hiện cùng với việc kết hợp các loại thuốc đặc trị và chế độ dinh dưỡng, luyện tập, nghỉ ngơi hợp lý.