Bong gân cổ tay là tình trạng xảy ra khi phần dây chằng cố định ở cổ tay bị tổn thương, giãn hoặc rách. Bong gân cổ tay không nguy hiểm và có thể khỏi dứt điểm nếu được điều trị và chăm sóc hợp lý.
Bong gân cổ tay là gì?
Cổ tay là phần nối giữa cánh tay và bàn tay, tham gia vào nhiều hoạt động của bàn tay. Cổ tay được cố định vị trí bởi các dây chằng nối dài từ cánh tay đến bàn tay. Bong gân cổ tay xảy ra khi một hoặc nhiều dây chằng giãn, tổn thương hoặc rách. Phần dây chằng nằm ở phức hợp sụn sợi hình tam giác ngoài cổ tay và dây chằng nằm giữa cổ tay là 2 phần dây chằng dễ bị tổn thương nhất.
Tình trạng bong gân xuất hiện khi phần cổ tay bị trẹo, bàn tay bị gập cong, biến dạng do tác động từ bên ngoài. Trong đó quá trình tiếp đất bằng tay vội vàng thường là nguyên nhân phổ biến nhất gây nên tình trạng bong gân cổ tay.
Bong gân cổ tay được chia thành 3 cấp độ chính theo mức độ tổn thương, bao gồm:
- Độ 1: Phần dây chằng bị kéo giãn quá mức, tổn thương nhưng chưa rách.
- Độ 2: Phần dây chằng bị kéo giãn và xuất hiện tình trạng rách một phần gây đau nhức khó chịu.
- Độ 3: Phần dây chằng bị rách hoàn toàn, người bệnh phải chịu những cơn đau dữ dội. Lúc này phần cổ tay có thể bị lệch ra khỏi vị trí thông thường gây sưng và biến dạng tay.
Trong cả 3 trường hợp thì trường hợp 1 và 2 có thể điều trị bằng chăm sóc y tế tại nhà. Với trường hợp 3, người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Việc chăm sóc, điều trị sẽ được thực hiện bởi các bác sĩ, chuyên gia. Trong trường hợp này, người bệnh có thể bị nẹp tay cố định, thậm chí là phẫu thuật để chữa lành các tổn thương.
Nguyên nhân bong gân cổ tay
Té ngã
Nếu cơ thể đột nhiên té ngã với phần bàn tay tiếp đất vội vàng có thể gây nên tình trạng bong gân cổ tay. Nguyên nhân là do phần trọng lực cơ thể đè nặng dẫn đến bàn tay cong quá mức, dây chằng cũng từ đó bị giãn ra.
Mức độ nghiêm trọng của tổn thương dây chằng trong trường hợp này sẽ phụ thuộc vào những yếu tố, bao gồm: Vị trí của bàn tay khi tiếp đất, lực tác động lên bàn tay, khoảng thời gian lực tác động lên bàn tay.
Chấn thương thể thao
Các môn thể thao đòi hỏi sự hoạt động của tay nhiều có thể dẫn đến chấn thương dây chằng. Các môn thể thao thường gây bong gân mà bạn nên chú ý, bao gồm:
- Môn thể thao dùng vợt: Những môn thể thao này đòi hỏi bàn tay phải hoạt động linh hoạt và liên tục, cổ tay phải vặn, giật đột ngột. Điều này tăng tỷ lệ tổn thương cổ tay, giãn và rách dây chằng hơn.
- Khúc côn cầu: Môn thể thao này yêu cầu người chơi phải thực hiện động tác ấn tay xuống sàn. Nếu người chơi không khởi động trước trận đấu sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng bong gân cổ tay.
- Nâng tạ: Nâng tạ khiến phần bàn tay bị kéo giãn quá mức, rất dễ dẫn đến tổn thương dây chằng. Thông thường, tình trạng bong gân sẽ xảy ra do người chơi nâng tạ quá mức, nâng trong thời gian dài.
- Chơi golf: Chơi golf đòi hỏi người chơi phải vặn cổ tay thường xuyên. Điều này rất dễ rất đến tình trạng bong gân nếu người chơi thực hiện động tác sai, gây tác động mạnh đến cổ tay.
- Quyền anh: Quyền anh là môn thể thao có tỷ lệ bong gân cao nhất. Do khi tham gia vào trận đấu quyền anh, bạn rất khó để kiểm soát hoạt động của cổ tay dẫn đến những tổn thương khó tránh khỏi đối với phần dây chằng trên cổ tay.
Bong gân cổ tay bao lâu thì khỏi?
Đối với tình trạng bong gân cổ tay nhẹ, các triệu chứng sẽ được cải thiện sau khoảng 24 đến 48 giờ và khỏi hẳn hoàn toàn sau khoảng 1 – 2 tuần chăm sóc.
Đối với tình trạng bong gân cổ tay nặng, dây chằng bị rách một phần hoặc hoàn toàn, các triệu chứng có thể kéo dài trong khoảng từ 6 – 8 tuần. Tuy nhiên, việc chăm sóc, điều trị tốt có thể rút ngắn thời gian này.
Đối với tình trạng bong gân cổ tay nghiêm trọng, các triệu chứng có thể kéo đến 6 – 12 tháng. Người bệnh có thể phải dùng nẹp tay, thuốc, vật lý trị liệu, thậm chí là phẫu thuật để cải thiện tình trạng.
Chẩn đoán bong gân cổ tay
Để xác định được tình trạng và mức độ bong gân cổ tay, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra theo những phương pháp sau đây:
- Kiểm tra thể chất: Xem xét tình trạng sưng, lệch, và màu sắc da ở vùng cổ tay bị chấn thương.
- Chụp X – Quang: Xác định mức độ tổn thương dây chằng. Kiểm tra các tổn thương xung quanh.
- Siêu âm khớp: Xác định tình trạng viêm và vùng tổn thương.
- Chụp cộng hưởng từ MRI: Xác định các chấn thương khác liên quan như: Sụn, xương, mô cơ và dây thần kinh.
Điều trị bong gân cổ tay
Điều trị bong gân cổ tay nhằm mục tiêu cuối cùng phục hồi chức năng của cổ tay. Đối với tình trạng bong gân nhẹ, việc điều trị có thể thực hiện tại nhà. Đối với tình trạng bong gân năng, người bệnh cần có sự chăm sóc của các bác sĩ, thậm chí có thể phẫu thuật để sửa chữa những tổn thương. Các phương pháp điều trị bong gân cổ tay được áp dụng bao gồm:
Điều trị không phẫu thuật
- Sơ cứu chấn thương: Người bệnh thực hiện sơ cứu khi gặp chấn thương cổ tay như sau: Chườm đá vào chỗ bị chấn thương, nghỉ ngơi, nẹp cố định tay, nâng cổ tay cao hơn ngực để ngăn tình trạng bầm máu và sưng. Sơ cứu chấn thương có hiệu quả tốt nhất trong vòng từ 24 – 72 giờ đầu sau chấn thương.
- Nẹp cổ tay: Nẹp cổ tay nhằm mục đích cố định vị trí cổ tay, hạn chế vận động cổ tay, tránh gia tăng tổn thương.
- Dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAIDS): Các loại thuốc chống viêm như ibuprofen và naproxen có tác dụng giảm viêm, giảm đau và sưng cổ tay hiệu quả. Sử dụng thuốc chống viêm cần có chỉ định của các chuyên gia và bác sĩ.
- Vật lý trị liệu: Điều trị vật lý trị liệu giúp phục hồi chức năng cổ tay nhanh chóng. Tuy nhiên, các bài tập vật lý trị liệu cần được sự chỉ định và hướng dẫn bởi chuyên gia. Việc tự ý luyện tập có thể khiến tình trạng bong gân nặng hơn.
Phẫu thuật
Phẫu thuật được chỉ định trong những trường hợp: Chấn thương nghiêm trọng, điều trị các phương pháp khác không khỏi , điều trị trên 12 tuần. Phẫu thuật nhằm mục đích sửa chữa những tổn thương, điều chỉnh khớp lại vị trí bình thường. Có 2 loại phẫu thuật được áp dụng đối với tình trạng này là: phẫu thuật nội soi và phẫu thuật mở.
Phòng ngừa bong gân cổ tay
Thông thường, bong gân cổ tay xảy ra do tai nạn, chấn thương khi bạn vận động. Để giảm thiểu tình trạng bong gân cổ tay, bạn cần lưu ý những điều sau:
- Thận trọng khi đi trên những nền nhà ướt, trơn trượt.
- Sử dụng thiết bị bảo vệ cổ tay khi tham gia thi đấu, vận động thể dục, thể thao.
- Khởi động cổ tay trước khi tham gia vào thi đấu, vận động.
- Đi giày thể thao chất lượng để tránh tình trạng té ngã.
- Nâng đồ vật bằng cả 2 tay để cân bằng áp lực.
- Không vận động với cường độ cao hoặc duy trì một tư thế cổ tay trong thời gian dài.
- Thực hiện các bài tập giúp hỗ trợ cổ tay hiệu quả.
Bong gân cổ tay là tình trạng chấn thương không nghiêm trọng. Trong hầu hết trường hợp đều có thể điều trị bằng cách nghỉ ngơi, sử dụng thuốc giảm đau, chườm đá,… Tuy nhiên, nếu bong gân nặng, gây tổn thương nghiêm trọng, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị kịp thời.