Bong gân cổ chân là tình trạng thường gặp phải phần cổ chân bị chịu áp lực mạnh do va đập hoặc vận động sai tư thế. Bong gân cổ chân không nguy hiểm nếu người bệnh biết cách xử lý và điều trị.
Bong gân cổ chân là gì?
Cổ chân là phần khớp kết nối giữa cẳng chân và bàn chân. Cổ chân hoạt động rất linh hoạt và được cố định bởi 3 dây chằng nhằm tránh tình trạng mắt cá không bị lệch ra khỏi vị trí ban đầu.
Bong gân cổ chân là tình trạng 1 hoặc cả 3 dây chằng bị giãn, tổn thương hoặc đứt. Tình trạng bong gân thường xảy ra khi bạn thực hiện nhảy cao và tiếp đất vội vàng và khi nhảy, hoạt động quá mức.
Tùy vào mức độ thương tổn mà bong gân cổ chân được chia thành 3 loại sau:
- Loại 1 (nhẹ): Trong tình trạng này, dây chằng bị kéo căng, tổn thương gây đau nhức hoặc sưng nhưng không rách.
- Loại 2 (trung bình): Đối với tình trạng này, 1 hoặc nhiều dây chằng bị rách một phần. Điều này gây nên những cơn đau nhức dữ dội khi người bệnh cố cử động.
- Loại 3 (nặng): Xảy ra khi 1 hoặc nhiều dây chằng bị rách hoàn toàn dẫn đến những cơn đau dữ dội. Người bệnh không thể cử động chân.
Nguyên nhân bong gân cổ chân
Bong gân cổ chân xảy ra khi phần khớp bị trật khỏi vị trí khi người bệnh thực hiện một động tác đột ngột. Các trường hợp bong gân thường gặp ở người vận động thể thao, đặc biệt các môn cần phải nhảy cao như: bóng rổ, bóng chuyền, bóng đá, nhảy xa,… thì khả năng bị bong gân cổ chân là khó tránh khỏi.
Ngoài ra, những tác động mạnh từ bên ngoài khiến mắt cá chân bị thay đổi vị trí, bàn chân bị xoay, xoắn lại cũng gây nên tình trạng bong gân. Một số hoạt động gây nên tình trạng bong gân cổ chân bao gồm:
- Đặt chân sai tư thế khi tiếp đất sau khi bước xuống.
- Tiếp đất với lực mạnh, tiếp đất không đúng cách, tiếp đất với nền đất lồi lõm.
- Va chạm với người khác, vật khác trong quá trình vận động.
Triệu chứng bong gân cổ chân
Tình trạng bong gân cổ chân càng nặng thì triệu chứng biểu hiện càng rõ rệt. Một số triệu chứng bong gân phổ biến, đó là:
- Đỏ và ấm: Sau một khoảng thời gian bị bong gân, vùng da xung quanh chỗ bong gân sẽ xuất hiện tình trạng đổ tấy và ấm hơn vùng da chỗ khác trên cơ thể.
- Sưng tấy và bầm tím: Nếu tình trạng bong gân nặng, chỗ bong gân có thể bị sưng tấy và tím, khi chạm vào sẽ để lại vết lõm.
- Đau đớn: Khi bong gân, dây thần kinh sẽ nhạy cảm hơn, bạn sẽ phải chịu những cơn đau dữ dội. Cơn đau tăng mạnh hơn khi người bệnh di chuyển, vận động, đứng hoặc đi bộ.
- Đi lại khó khăn: Bong gân khiến các hoạt động của cơ thể bị hạn chế, người bệnh rất khó khăn trong việc đi lại.
- Mất tính ổn định cổ chân: Nếu dây chằng bị rách, mắt cá chân không còn được cố định, dễ dàng bị lệch khỏi vị trí khiến cổ chân, bàn chân không còn hoạt động được bình thường.
Bong gân cổ chân có nguy hiểm không?
Đối với những trường hợp bong gân nhẹ, dây chằng chưa đứt, người bệnh có thể điều trị và tĩnh dưỡng tại nhà. Tuy nhiên, đối với trường hợp nặng, người bệnh cần được kiểm tra bởi bác sĩ, chuyên gia và có phương pháp điều trị phù hợp. Đối với những tình trạng bong gân không được điều trị sớm có thể gây nên những rủi ro nguy hiểm như:
- Đau cổ chân mãn tính
- Viêm khớp cổ chân
- Không ổn định khớp cổ chân mãn tính
- Tổn thương đến xương và mắt cá chân
Bong gân cổ chân bao lâu khỏi?
Thời gian phục hồi bong gân cổ chân sẽ phụ thuộc vào các yếu tố: tình trạng tổn thương, cơ địa của người bệnh, phương pháp điều trị và chăm sóc. Thông thường, những trường hợp bong gân nhẹ có thể tự khỏi trong từ 4 – 6 tuần nếu chăm sóc hợp lý.
Đối với trường hợp bong gân nặng, dây chằng bị rách thì cần nhiều thời gian hơn để dây chằng có thể liền lại và phục hồi chức năng như bình thường. Người bệnh có thể mất khoảng 12 tuần hoặc hơn nếu như áp dụng phương pháp điều trị phù hợp theo chỉ định của bác sĩ, chuyên gia.
Bong gân khi nào cần đến viện?
Bạn cần đến thăm khám và điều trị tại các cơ sở y tế nếu tình trạng bong gân xuất hiện những triệu chứng như sau:
- Cơn đau nghiêm trọng, đau dữ dội khi vận động và không có dấu hiệu thuyên giảm khi chăm sóc tại nhà.
- Người bệnh không thể tự di chuyển nhẹ nhàng.
- Sau 5 – 7 ngày mà các triệu chứng vẫn không thuyên giảm.
Mặt khác, một số chấn thương không chỉ gây bong gân cổ chân mà còn gây nứt, gãy xương. Đối với tình trạng này bạn cần đến các cơ sở y tế để thăm khám kịp thời. Dấu hiệu thường thấy nhất đối với tình trạng này đó là:
- Đau dữ dội, nghe tiếng rắc rắc khi cử động.
- Phần cổ chân có dấu hiệu lệch khỏi vị trí ban đầu, mắt cá chân sưng to.
- Đau đớn dữ dội khi ấn vào điểm lồi mắt cá chân.
Điều trị bong gân
Điều trị tại nhà
Những trường hợp bong gân khi dây chằng chưa rách có thể điều trị và chăm sóc tại nhà. Trong quá trình chăm sóc, người bệnh có thể áp dụng những hướng dẫn sau:
- Nghỉ ngơi: Việc nghỉ ngơi sẽ giúp dây chằng có thời gian tự chữa lành và hồi phục. Nếu bạn cần di chuyển, bạn nên nhờ người khác đỡ hoặc sử dụng nạng hỗ trợ.
- Nén cố định: Trong 24 – 32 giờ đầu sau khi bị chấn thương, người bệnh cần được nén cố định chân để tránh tình trạng cổ chân bị lệch ra khỏi vị trí.
- Chườm lạnh: Chườm lạnh có thể giúp giảm tình trạng đau nhức, giảm sưng, giảm viêm hiệu quả. Bạn nên dùng một chiếc khăn mềm để bọc đá chứ không nên bỏ đá trực tiếp lên da vì như thế có thể khiến da bị bỏng lạnh.
- Nâng cao chân: Nâng cao chân hơn ngực sẽ giúp chân nhanh phục hồi hơn, giảm sưng và đau nhức hiệu quả.
Điều trị y tế
Đối với tình trạng bong gân nghiêm trọng, gân bị rách hoặc không tự khỏi sau 1 tuần điều trị, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị kịp thời. Bác sĩ sẽ thực hiện nẹp cố định chân, kiểm tra tình trạng bong gân và kê thuốc hỗ trợ điều trị.
Phẫu thuật
Phẫu thuật bong gân được khuyến nghị khi phương pháp vật lý không mang lại hiệu quả. Chấn thương dây chằng nặng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động hàng ngày của người bệnh.
Phẫu thuật bong gần nhằm mục đích nối lại dây chằng, sửa chữa những tổn thương, điều chỉnh lại vị trí mắt cá chân cho phù hợp. Sau quá trình điều trị, người bệnh có thể phải tiếp tục thực hiện các biện pháp vật lý trị liệu chuyên khoa để cải thiện tình trạng bệnh lý.
Phòng ngừa bong gân cổ chân
Bong gân cổ chân rất dễ gặp lại nếu bạn không kiểm soát tốt những hoạt động hàng ngày của mình. Do đó, để giảm nguy cơ tái phát bong gân, bạn cần lưu ý một số điều sau:
- Tập luyện thể thao vừa sức, tăng cường vận động cổ chân để tăng sự linh hoạt cho cổ chân.
- Đi giày thể thao phù hợp cho mọi hoạt động.
- Hạn chế đi giày cao gót nếu không cần thiết.
- Sử dụng các thiết bị hỗ trợ thể thao giúp giảm và phòng tránh chấn thương cổ chân.
- Hoạt động thể dục, thể thao trên bề mặt phẳng, không có chướng ngại vật.
- Khởi động cơ thể kỹ lưỡng trước khi tham gia vào các hoạt động.
- Không tham gia thể thao nếu tình trạng bong gân chưa khỏi hẳn.
Bong gân cổ chân không phải là tình trạng chấn thương nguy hiểm. Tuy nhiên, việc chăm sóc sau quá trình bong gân rất quan trọng. Nếu người bệnh chủ quan, không thực hiện chữa trị, chăm sóc thì tình trạng bong gân sẽ nặng hơn và có thể kéo theo những rủi ro, biến chứng nguy hiểm cho dây chằng, xương khớp và sức khỏe của người bệnh.