Một trong những triệu chứng khiến bà bầu khó chịu nhất trong suốt thai kì chính là đau lưng. Tình trạng này xảy ra ở 80% bà bầu và làm ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt hàng ngày trong thai kỳ. Chính vì vậy, các chị em đã áp dụng những bài tập xoa bóp, đấm lưng để giúp cơ thể đỡ đau mỏi hơn. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin đầy đủ để giải đáp câu hỏi liệu bà bầu có nên đấm lưng không.
Bà bầu trong quá trình mang thai có nên đấm lưng?
Đau lưng trong thời kỳ mang thai khiến các thai phụ ngày càng trở nên nặng nề và mệt mỏi, nhưng mức độ đau lưng như thế nào thì phụ thuộc vào từng giai đoạn và cơ địa của mỗi người. Vì vậy, trước tiên các bà bầu cần biết những nguyên nhân gây ra việc đau lưng khi mang bầu thì mới có thể tìm ra phương pháp để khắc phục được.
Nguyên nhân chính làm thai phụ đau lưng là do những thay đổi trong thai kỳ, điển hình nhất là căng cơ lưng ( do thai nhi càng lớn thì tử cung càng nặng), cơ bụng yếu đi và sự xuất hiện hormone trong thai kỳ. Ngoài ra, còn có một số nguyên khác như: do ngồi sai tư thế, do căng thẳng mệt mỏi kéo dài hay một số bà bầu bị mắc các bệnh lý về thoái hóa đốt sống, đau thần kinh tọa,…
Dù cho nguyên nhân là gì thì các cơn đau lưng đều làm cho thai phụ trở nên khó chịu hơn trong quá trình mang bầu, vì vậy đấm lưng, xoa bóp chính là một trong những cách đơn giản mà nhiều chị em áp dụng nhằm giảm thiểu các cơn đau. Vậy, bà bầu bị đau lưng có nên đấm lưng không?
Theo ý kiến của các y bác sĩ chuyên khoa, để hạn chế cơn đau lưng trong thời kỳ mang thai, bà bầu hoàn toàn có thể áp dụng các động tác đấm lưng, xoa bóp lưng hoặc dùng các máy massage cầm tay hỗ trợ. Lưu ý rằng, những cách này chỉ được thực hiện với các trường hợp thai nhi khỏe mạnh, không có dấu hiệu bất thường trong suốt thai kỳ. Hơn nữa, các bà bầu cũng nên thực hiện việc đấm lưng nhẹ nhàng, cẩn thận, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến thai nhi.
Cách đấm lưng cho bà bầu như thế nào?
Dù đã biết đấm lưng sẽ hạn chế được những cơn đau của bà bầu nhưng quan trọng nhất là thực hiện như thế nào mới đúng và hiệu quả nhất? Dưới đây là một số biện pháp giúp các bà bầu trả lời câu hỏi trên:
Đấm lưng đúng cách
Đối với tình trạng đau lưng khi mang thai thông thường, bà bầu nên tránh nằm sấp, cũng không nên đấm lưng mạnh. Bên cạnh đó, các ông chồng cũng nên giúp đỡ vợ bằng cách xoa bóp nhẹ nhàng vùng lưng, hoặc đấm lưng ở tư thế ngồi thẳng cho thai phụ. Vì việc này sẽ làm các dây chằng giãn ra, giảm thiểu được các cơn đau.
Không xoa lưng thường xuyên
Các bà bầu thường có thói quen xoa lưng nhằm giảm nhanh các cơn đau khi mang thai. Các mẹ cho rằng đây là một động tác thể hiện sự yêu thương, kết nối của người mẹ dành cho con mình.
Tuy nhiên, bác sĩ cho rằng hành động này của bà bầu lại ẩn chứa không ít tác hại đối với sức khỏe của thai nhi. Vì đây được xem là tiền đề gây ra các cơn co dạ con, xảy ra phản ứng động thai, đẩy thai trong tử cung nếu thai phụ cứ lặp lại nhiều lần việc xoa lưng này. Đối với những thai phụ đang ở giai đoạn tuần thai thứ 38 thì cần phải hạn chế tối đa việc xoa bụng, xoa lưng.
Cách massage lưng hiệu quả
Việc massage tại nhà hay đến các trung tâm Spa để được massage trong quá trình mang thai của các bà bầu là điều khá cần thiết, không cần để đến lúc bị đau lưng thì mới thực hiện. Nếu massage đúng cách thì sẽ giúp thai phụ giảm đi các cơn đau lưng hiệu quả nhưng nếu thực hiện sai thời điểm và không đúng cách, có thể gây ra hậu quả không ngờ tới.
Dưới đây là cách massage lưng được nhiều chị em mang bầu áp dụng thành công:
Bước 1: Chuẩn bị một không gian riêng tư, thoáng mát và sạch sẽ. Thêm một vài bài nhạc không lời nhẹ nhàng, du dương giúp tâm trạng bà bầu thư thái, dễ chịu hơn.
Bước 2: Trong lúc massage, thai phụ có thể nằm nghiêng hoặc nằm úp trên loại gối mà có một khoảng lún sâu ở giữa dành cho bụng các bà bầu.
Bước 3: Làm ấm lòng bàn tay và các đầu ngón tay bằng cách xoa đều tay. Sau đó, bắt đầu massage từ gáy, rồi xoa bóp nhẹ nhàng và từ từ xuống hông. Tiếp tục xoa ngược lên vùng vai, và kéo dọc cơ thể rồi lan ra hai bên sườn.
Bước 4: Tiếp theo, dùng hai đầu ngón tay lần lượt ấn nhẹ và kéo giãn các cơ. Dùng ngón tay cái và phần trên của lòng bàn tay nhấn và xoa bóp nhẹ nhàng vùng lưng, và cứ như thế thực hiện chậm rãi ở phần vai, lưng dưới và phần dưới hông.
Bước 5: Cuối cùng, thực hiện lại các bước massage trên một lần nữa với tốc độ chậm hơn. Kết thúc bài massage sau khoảng thời gian từ 15- 20 phút.
Một số lưu ý khi massage cho vợ bầu
Thứ nhất, không được massage đúng mắt cá chân hoặc phía trong cổ tay, vì đây là các điểm áp suất chặn máu lưu thông có thể kích thích cơ tử cung và xương chậu có thể gây ra các cơn co thắt.
Thứ hai, không nên massage thường xuyên cũng như sử dụng tinh dầu để massage trong tam cá nguyệt đầu tiên. Nên ngừng xoa bóp ngay lập tức ngay khi vợ bạn cảm thấy khó chịu hay chóng mặt.
Thứ ba, khắc phục tình trạng đau lưng bằng cách chuẩn bị thêm nhiều gối để bà bầu kê, chèn vào dưới lưng, chân, đùi,… khi nằm hoặc ngồi. Bên cạnh đó, bà bầu nên thay tất cả giày cao gót bằng giày bệt hoặc dép xăng đan. Ngoài ra, thai phụ phải nhớ luôn giữ tư thế thẳng người khi đứng hoặc ngồi, tránh đứng hoặc ngồi quá lâu tại một vị trí.
Một số bài tập cải thiện đau lưng cho phụ nữ mang thai
Ngoài phương pháp massage, để làm giảm chứng đau lưng khi mang thai, các mẹ có thể tham khảo thêm những bài tập thể dục tăng cường cho phần lưng, giúp kéo căng cơ bắp và hỗ trợ sức khỏe của lưng và chân trong quá trình mang thai.
Dưới đây là một số bài tập giúp bà bầu cải thiện tư thế, hạn chế đau lưng:
Bài tập 1:
Các mẹ bầu cần chuẩn bị một tấm thảm tập. Đầu tiên, bà bầu ngồi thẳng lưng, khoanh 2 chân vào nhau và cho hai lòng bàn chân chạm vào nhau càng sát càng tốt.
Sau đó, cho hai bàn tay nhẹ nhàng lên hai đầu gối, rồi nâng hai đầu gối lên từ từ, rồi lại đặt chúng xuống sàn. Lưu ý trong suốt quá trình vẫn phải giữ tư thế thẳng lưng.
Cứ duy trì từng tư thế đấy trong khoảng 30 giây rồi đổi lại. Nếu bà bầu thực hiện thường xuyên bài tập này còn có thể làm giảm được chứng đau bụng.
Bài tập 2:
Thai phụ đứng thẳng lưng ( có thể lấy tay đỡ sau lưng), bước một chân lên phía trước.
Sau đó, thực hiện động tác hít vào và thở ra đều đặn.
Đổi chân và lặp lại động tác. Thực hiện mỗi bên 4 lần.
Bài tập 3:
Bà bầu đứng thẳng lưng, chân mở rộng bằng vai, đầu gối hơi cong. Đem hai tay chống lên đùi. Giữ nguyên tư thế, đồng thời hít thở sâu.
Lặp đi lặp lại động tác này 4 lần.
Bài tập 4:
Mẹ bầu nằm nghiêng sang một bên, tay dưới để thẳng và hướng lên phía trên, lòng bàn tay mở ra.
Hít thở sâu, đồng thời đưa chân ở phía trên và tay ở phía dưới lên cao. Sau đó thở ra, hạ cả chân và tay xuống.
Cứ lặp lại động tác trên với bên còn lại. Mỗi bên thực hiện khoảng 4 – 6 lần.
Khi nào thì bà bầu bị đau lưng nên đi khám?
Mặc dù việc đau lưng trong giai đoạn mang thai là rất phổ biến. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nó có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề nghiêm trọng khác như: triệu chứng của sinh non, nhiễm trùng đường tiết niệu. Nếu thai phụ có các biểu hiện như: nóng sốt, bỏng rát khi đi tiểu hoặc xuất huyết âm đạo, hoặc cơn đau lưng dữ dội, kéo dài hơn 2 tuần liền,… thì ngay lập tức nên đến thăm khám với bác sĩ sản khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Nói tóm lại, trong quá trình mang thai, các bà bầu nên thật sự cẩn thận trong mọi trường hợp, để giảm thiểu tối đa những ảnh hưởng đến thai nhi. Bài viết trên đã giúp các thai phụ giải đáp câu hỏi liệu bà bầu bị đau lưng có nên đấm lưng không và cung cấp những thông tin cần thiết để mẹ bầu có thể ngăn chặn, hạn chế và khắc phục tình trạng đau lưng trong quá trình mang thai.