Viêm bao hoạt dịch khớp gối là tình trạng sưng tấy và viêm ở vùng khớp gối. Tình trạng này ảnh hưởng đến khả năng vận động, sinh hoạt thậm chí gây nên những biến chứng xương khớp nguy hiểm. Do đó, bạn cần nắm rõ các thông tin về bệnh lý này để có phương pháp xử lý kịp thời.
Viêm bao hoạt dịch khớp gối là gì?
Bao hoạt dịch khớp gối là một túi nhỏ chứa dịch nằm ở phần khớp gối. Phần này được bảo vệ với một lớp da. Chức năng của bao hoạt dịch khớp gối là giúp giảm ma sát và áp lực giữa xương, da và gân cơ ở khớp gối. Do đó, giúp hỗ trợ khớp gối hoạt động, co duỗi và di chuyển.
Tình trạng viêm bao hoạt dịch khớp gối xảy ra khi các bao hoạt dịch này bị viêm. Vị trí thường xảy ra viêm là trên xương bánh chè hoặc mặt trong của đầu gối. Viêm bao hoạt dịch khớp gối khiến người bệnh bị sưng tấy, đau đớn và ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận động.
Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng này còn gây ra những hệ lụy nguy hiểm. Do đó, người bệnh nên hiểu về chứng bệnh này để có phương pháp xử lý và điều trị phù hợp nhất.
Nguyên nhân gây viêm bao hoạt dịch khớp gối
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm bao hoạt dịch khớp gối. Trong đó, các nguyên nhân sau được xem là thường gặp nhất:
Chấn thương
Các chấn thương liên quan đến khớp gối là một trong những nguyên nhân thường gặp dẫn đến viêm bao hoạt dịch. Bởi khi các tác động vật lý như tai nạn giao thông, ngã, tai nạn thể thao… sẽ gây tổn thương đến phần khớp gối bên trong. Phản ứng viêm có thể tăng nặng nếu các chấn thương không được điều trị đúng cách.
Vận động quá mức
Các hoạt động vận động khớp gối quá mức có thể gây đau nhức và căng thẳng. Đặc biệt, khi người bệnh mang vác vật nặng, thường xuyên dùng khớp gối làm trụ có thể gây tổn thương bên trong và tăng nguy cơ viêm nhiễm.
Mắc các bệnh lý về xương khớp
Các bệnh lý về xương khớp như: thoái hóa xương, viêm sụn, viêm khớp dạng thấp… có thể tăng nguy cơ ảnh hưởng đến khớp gối và dẫn đến viêm bao hoạt dịch.
Một số yếu tố nguy cơ
Các yếu tố nguy cơ sau có thể khiến bạn có khả năng mắc các bệnh lý về xương khớp nói chung và viêm bao hoạt dịch khớp gối nói riêng:
- Tuổi tác càng cao thì nguy cơ lão hóa xương khớp càng lớn. Lúc này chức năng xương khớp của người bệnh bị suy yếu khiến người bệnh đối mặt với các triệu chứng liên quan đến xương khớp. Chính vì vậy, quá trình lão hóa của xương khớp được cho là nguyên nhân chính dẫn đến viêm bao hoạt dịch khớp gối.
- Mắc các bệnh lý như: Bệnh gout, nhiễm khuẩn xương khớp… có thể tăng nguy cơ bị viêm bao hoạt dịch khớp gối.
- Người thừa cân béo phì khiến cân nặng đè nặng lên phần xương khớp và dẫn đến khớp gối bị tổn thương.
Dấu hiệu nhận biết viêm bao hoạt dịch khớp gối
Viêm bao hoạt dịch khớp gối thường gây ra các triệu chứng phổ biến là:
- Sưng tấy, đỏ ở vùng khớp gối.
- Người bệnh cảm giác ấm nóng phần khớp gối.
- Đau đớn và khó chịu khi cử động khớp gối. Cơn đau tăng nặng hơn khi người bệnh mang vác vật nặng hay làm việc quá sức.
- Cứng khớp, khó co hoặc duỗi khớp gối ở một thời điểm nhất định như khi mới ngủ dậy, khi ngồi một chỗ lâu…
- Một số triệu chứng kèm theo khác là mệt mỏi, sốt nóng, khó chịu…
Phần lớn những người bệnh viêm bao hoạt dịch khớp gối thường sẽ cảm nhận rõ triệu chứng bệnh khi hoạt động hoặc ma sát. Các triệu chứng của bệnh sẽ tăng nặng theo thời gian. Nếu không được điều trị, người bệnh sẽ bị trở ngại trong quá trình vận động và di chuyển.
Viêm bao hoạt dịch khớp gối có nguy hiểm không?
Viêm bao hoạt dịch khớp gối không phải là tình trạng nguy hiểm nếu người bệnh phát hiện sớm, điều chỉnh thói quen trong sinh hoạt và dinh dưỡng.
Tuy nhiên, nếu để lâu dài, tình trạng viêm bao hoạt dịch khớp gối có thể dẫn đến các cơn đau dữ dội ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận động. Đặc biệt, khi người bệnh bị viêm bao hoạt dịch do các bệnh lý về xương khớp có thể gây ra các biến chứng như phá hủy xương khớp dẫn tới liệt vận động.
Chẩn đoán viêm bao hoạt dịch khớp gối
Để chẩn đoán tình trạng viêm bao hoạt dịch khớp gối, các bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm y khoa, cụ thể:
- Thăm khám lâm sàng: Kiểm tra tình trạng tổn thương bên ngoài của hai khớp gối. Kiểm tra khả năng vận động của người bệnh.
- Kiểm tra hình ảnh: Người bệnh sẽ được yêu cầu thực hiện các xét nghiệm hình ảnh để xác định các tổn thương do viêm bao hoạt dịch khớp gối. Các xét nghiệm hình ảnh thường được chỉ định là: chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ MRI, siêu âm…
- Xét nghiệm: Xét nghiệm giúp loại trừ các bệnh lý khác dẫn đến đau nhức vùng khớp gối và xác định các vấn đề nhiễm trùng (nếu có) của người bệnh. Lúc này, người bệnh sẽ được hút một lượng dịch nhỏ ở khớp gối kết hợp với các xét nghiệm máu chuyên sâu.
Cách điều trị viêm bao hoạt dịch khớp gối
Căn cứ vào mức độ viêm và tình trạng sức khỏe người bệnh để các bác sĩ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp nhất. Thông thường, các biện pháp sau sẽ giúp hỗ trợ cải thiện nhanh triệu chứng bệnh:
Điều trị tại nhà
Điều trị tại nhà giúp giảm đau nhức và khó chịu do chứng viêm bao hoạt dịch khớp gối gây nên. Lúc này, người bệnh sẽ được tư vấn:
- Nghỉ ngơi: Giảm thiểu các hoạt động có thể làm tăng nguy cơ nặng hơn chứng bệnh viêm bao hoạt dịch ở khớp gối. Người bệnh tránh mang vác hoặc tác động đến vùng khớp gối.
- Chườm đá: Chườm đá giúp giảm tình trạng sưng tấy và khó chịu ở khớp gối do viêm bao hoạt dịch. Người bệnh có thể cho đá vào một túi vải và chườm trực tiếp lên vùng đầu gối bị đau. Người bệnh thực hiện chườm đá 2-3 lần mỗi ngày để giảm nhanh triệu chứng bệnh.
- Chườm nóng: Chườm nóng giúp giảm căng cơ và khó chịu cho người bệnh viêm bao hoạt dịch khớp gối. Người bệnh có thể sử dụng các thảo dược thiên nhiên sao nóng hoặc chai nước nóng, túi chườm để đặt lên phần đầu gối bị đau.
- Nâng cao đầu gối: Giúp giảm áp lực và tạo cảm giác thoải mái cho người bệnh. Bạn có thể kê cao phần đầu gối khi ngồi, khi ngủ…
Sử dụng các loại thuốc
Các loại thuốc sử dụng điều trị viêm bao hoạt dịch khớp gối cần theo đơn kê của bác sĩ. Thông thường, người bệnh có thể sẽ được chỉ định dùng:
Thuốc giảm đau
Thuốc giảm đau như Noramidopyrine, Paracetamol, Ibuprofen… được chỉ định để giảm nhanh triệu chứng đau nhức khó chịu ở người bệnh viêm bao hoạt dịch khớp gối. Các loại thuốc giảm đau này chỉ sử dụng trong một số trường hợp nhất định, người bệnh không được lạm dụng có thể dẫn đến các tác động xấu tới cơ thể.
Thuốc chống viêm không steroid
Các loại thuốc chống viêm như: Aspirin, Diclofenac, Naproxen… được bác sĩ chỉ định khi người bệnh bị viêm đau khớp gối mức độ trung bình. Thuốc chống viêm giúp kiểm soát viêm, ngăn ngừa bệnh ngày càng tiến triển nặng.
Thuốc kháng sinh
Các bác sĩ có thể sẽ kê thuốc kháng sinh khi người bệnh bị viêm bao hoạt dịch khớp gối do nguyên nhân nhiễm trùng. Người dùng cần đảm bảo sử dụng đúng và đủ liều theo chỉ định để phòng ngừa kháng thuốc.
Vật lý trị liệu
Người bệnh sẽ được hướng dẫn tập các bài tập vật lý trị liệu để giúp phục hồi chức năng khớp gối. Phương pháp này cũng giúp hỗ trợ kháng viêm, giảm đau và sưng vùng khớp gối khá hiệu quả. Bạn có thể được: châm cứu, massage, tập thể dục hỗ trợ hoặc hỗ trợ cải thiện sức khỏe khớp gối…
Phẫu thuật
Trong một số trường hợp, tình trạng viêm bao hoạt dịch khớp gối có thể sẽ cần can thiệp phẫu thuật khi bệnh ngày càng tiến triển nặng và người bệnh không đáp ứng các phương pháp điều trị khác.
Trên đây là những thông tin cơ bản về chứng viêm bao hoạt dịch khớp gối, hy vọng những thông tin trên giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh cũng như có các phương pháp điều trị và phòng ngừa hiệu quả!