Loãng xương là bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi. Thống kê cho thấy bệnh này chỉ đứng sau bệnh tim mạch về độ phổ biến ở người già. Vậy thực chất loãng xương là gì?Bệnh do những nguyên nhân nào gây ra? Cách điều trị loãng xương như thế nào và làm gì để ngăn ngừa tình trạng loãng xương? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu ở bài viết dưới đây.
Loãng xương là bệnh gì?
Giòn xương hay xốp xương là những tên gọi khác của bệnh loãng xương. Loãng xương là tình trạng lượng chất có trong xương giảm dần đi, mật độ chất thưa dần khiến xương trở nên mỏng dần và giòn dần. Từ đó, xương dễ bị gãy hơn hoặc dễ bị tổn thương hơn khi gặp chấn thương hoặc va chạm nhẹ. Tình trạng này có thể xảy ra ở bất kì xương nào trên cơ thể. Tuy nhiên, theo các số liệu thống kê, người ta thấy rằng xương cổ tay, xương cột sống và xương đùi là những vị trí thường dễ bị loãng xương nhất. Hai trong ba loại xương này nếu bị gãy có khả năng khó lành lại nhất đó là xương đùi và xương cột sống. Thêm vào đó, để điều trị và phục hồi hai xương này, đòi hỏi chi phí lớn và qui trình điều trị tương đối phức tạp hơn những loại xương khác.
Đáng chú ý là bệnh loãng xương diễn tiến thầm lặng, không có dấu hiệu rõ rệt. Bệnh nhân chỉ thấy đau mỏi người, trong khi những cơn đau nhức lại là dấu hiệu của rất nhiều bệnh lý khác nhau. Cùng với đó, chiều cao của bệnh nhân cũng giảm dần và cột sống bị vẹo hoặc gù. Tuy nhiên, những triệu chứng này cũng chỉ biểu hiện sau một khoảng thời gian tương đối dài, khi bệnh đã khá nặng. Đặc biệt, nhiều người bệnh chỉ được phát hiện bị loãng xương khi xương bị gãy. Càng về già, nguy cơ loãng xương càng cao bởi lúc này xương không còn chắc khỏe với mật độ chất dày đặc như khi còn trẻ nữa.
Nguyên nhân chính gây bệnh loãng xương
Nguyên nhân chính gây nên tình trạng lượng chất trong xương giảm dần là do cơ thể không được nạp đủ lượng chất dinh dưỡng cần thiết. Chất cần thiết cho xương ở đây là canxi và phosphate (phốt phát). Vì vậy, khi lượng canxi và phốt phát nạp vào không đủ thì sẽ ảnh hưởng xấu đến quá trình hình thành và phát triển xương và mô xương. Hơn nữa, xương có đặc điểm điển hình là luôn có quá trình làm mới. Điều này có nghĩa là xương mới sẽ được hình thành và xương cũ bị phá vỡ một cách liên tục, lặp đi lặp lại. Ở độ tuổi trưởng thành, tốc độ hình thành xương mới so với tốc độ phá vỡ xương cũ là nhanh hơn, ngược lại khi về già, lượng xương mất đi sẽ lớn hơn lượng xương được tạo ra, từ đó dẫn đến loãng xương. Như vậy, chế độ ăn uống thiếu canxi là một nguyên nhân gây loãng xương.
Bên cạnh đó, bệnh loãng xương cũng có thể được hình thành từ các nguyên nhân khác như: Thói quen sinh hoạt không lành mạnh, lười vận động hoặc vận động quá sức, mang vác các vật nặng quá mức, lao động quá sức trong thời gian dài. Nghiên cứu cũng cho thấy bệnh loãng xương dễ gặp phải ở nữ nhiều hơn nam, hay nói cách khác nữ giới có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn. Thói quen ăn uống và vận động khi còn trẻ ảnh hưởng rất nhiều đến xương khi cao tuổi. Bởi, sự thiếu hụt dinh dưỡng, nhất là canxi trong rất nhiều năm sẽ làm giảm sự tái tạo xương mới và tăng sự loại bỏ xương cũ khi già. Thêm vào đó, quá trình lão hóa cũng làm sụt giảm mật độ xương, khiến xương xốp dần, trở nên yếu đi và dễ gãy.
Các phương pháp điều trị bệnh loãng xương
Nguyên nhân chính gây loãng xương là thiếu canxi nên đầu tiên cần bổ sung canxi. Nếu thực phẩm không đủ canxi, người bệnh có thể dùng thuốc và dùng hằng ngày từ đầu đến cuối liệu trình điều trị. Lưu ý rằng lượng canxi được bổ sung chỉ từ 500 – 1.500mg/ngày và không được vượt quá liều lượng canxi cho phép nạp vào cơ thể. Bên cạnh đó vitamin D với một lượng 800 – 1.000 IU/ngày cũng được chỉ định bổ sung cho cơ thể.
Nhóm Bisphosphonat và Cholecalciferol 2800UI là hai loại thuốc điều trị cần thiết cho quá trình điều trị loãng xương. Tuy nhiên, thuốc Bisphosphonate có thể có tác dụng phụ ảnh hưởng đến thực quản và dạ dày. Nếu bệnh nhân bị dị ứng với bất kì thành phần nào của thuốc hoặc biểu hiện tác dụng phụ, cần trao đổi với bác sĩ ngay. Lưu ý với thuốc Cholecalciferol 2800UI là sau khi dùng 30 phút, người bệnh không nằm mà nên vận động. Người bị loãng xương cũng có thể cân nhắc truyền tĩnh mạch Zoledronic acid 5mg và liều này chỉ được truyền 1 liều/năm.
Một loại thuốc khác có công dụng kép trong điều trị loãng xương là Strontium ranelate. Thuốc này có hai tác dụng đồng thời, vừa tăng sự hình thành xương mới, vừa ức chế quá trình hủy bỏ xương cũ. Tuy nhiên, chúng lại khá an toàn và không gây ảnh hưởng đến hoạt động sinh lý của xương. Thuốc được bác sĩ kê đơn trong trường hợp bệnh nhân không được dùng hoặc không thể thu nạp thuốc điều trị loãng xương nhóm bisphosphonat.
Ngoài ra, người ta cũng sử dụng các chất hooc môn để điều trị loãng xương, đặc biệt là trị loãng xương cho phụ nữ. Đó chính là liệu pháp ERT (liệu pháp thay thế Estrogen). Nội tiết tố Estrogen còn có khả năng chống lại bệnh tim, tốt cho nhận thức và hỗ trợ tốt chức năng tiết niệu. Tuy nhiên không phải phụ nữ nào cũng có thể áp dụng phương pháp này, bởi ERT chỉ phù hợp với một mật độ xương cụ thể khi quá trình mãn kinh bắt đầu diễn ra. Cùng với hạn chế này, ERT cũng có thể khiến phụ nữ áp dụng có nguy cơ ung thư vú cao hơn bình thường. Do đó, người bệnh cần cân nhắc và trao đổi kỹ lưỡng với bác sĩ trước khi quyết định áp dụng liệu trình.
Như vậy, bệnh loãng xương được gây ra bởi nguyên nhân chính là thiếu canxi, bệnh khiến xương bị giòn và dễ bị gãy hơn. Bệnh diễn tiến thầm lặng không rõ rệt và rất khó phát hiện sớm cũng như đòi hỏi bệnh nhân điều trị trong khoảng thời gian không ngắn. Do đó, nhóm đối tượng được chẩn đoán có nguy cơ mắc bệnh cao cần theo dõi sức khỏe thường xuyên để được điều trị sớm nhất có thể. Mọi người cần sử dụng thực phẩm giàu dinh dưỡng nhất là canxi ngay từ khi còn trẻ để phòng ngừa bệnh.