Hội chứng đau bánh chè – đùi là tổng hợp những cơn đau ở khu vực bánh chè và đùi ảnh hưởng đến khả năng sinh hoạt và vận động của người bệnh. Hội chứng này sẽ trở nên nguy hiểm nếu không được kiểm soát và điều trị đúng cách. Để hiểu rõ hơn, mời bạn tìm hiểu qua bài viết!
Hội chứng đau bánh chè – đùi là gì?
Hội chứng đau bánh chè – đùi chỉ những cơn đau ở phía trước đầu gối và xung quanh khu xương bánh chè. Các cơn đau này sẽ tăng lên khi người bệnh chạy, đi cầu thang, ngồi xổm hoặc ngồi lâu một chỗ.
Bất kỳ ai cũng có thể mắc phải hội chứng này. Tuy nhiên, những đối tượng sau thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn thông thường: Người chơi thể thao, người ngồi nhiều, xương khớp yếu…
Do xương bánh chè có vai trò hỗ trợ cho chân đứng thẳng và đi lại cũng như giảm áp lực lên xương đầu gối. Vì vậy, khi khu vực bánh chè – đùi bị ảnh hưởng sẽ dẫn đến việc đi lại, đứng vững của người bệnh bị giảm.
Hội chứng đau bánh chè – đùi khiến người bệnh đối mặt với các cơn đau âm ỉ và nhức nhối ở phía trước của đầu gối. Nếu không được điều trị, các cơn đau này sẽ ngày càng tăng nặng, ảnh hưởng đến khả năng đi lại và hoạt động của người bệnh.
Triệu chứng nhận biết hội chứng đau bánh chè – đùi
Một số triệu chứng dễ nhận biết của hội chứng đau bánh chè – đùi mà bạn nên lưu ý:
- Triệu chứng đau ở khu vực trên đầu gối và xung quanh xương bánh chè. Bệnh khởi phát đau nhẹ, sau đó các cơn đau này ngày càng tăng nặng.
- Các cơn đau lan tỏa xung quanh, dây chằng đầu gối cảm nhận sự kéo giãn mỗi khi quỳ, ngồi xổm, chạy, lên xuống dốc hoặc cầu thang…
- Đau nhức và khó chịu khi gập gối.
- Nghe thấy tiếng kêu ở khớp gối khi di chuyển.
Nguyên nhân dẫn đến hội chứng đau bánh chè – đùi
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hội chứng đau bánh chè – đùi có thể kể đến như:
- Các môn thể thao ảnh hưởng đến khớp gối: Một số môn thể thao thường xuyên tác động hoặc gây lực ép lên khớp gối như: chạy, đá bóng, cử tạ…. Những người chơi các môn thể thao này với cường độ mạnh có thể gây kích ứng tới đùi và xương bánh chè.
- Chấn thương: Một số chấn thương có thể ảnh hưởng đến bánh chè – đùi như gãy xương, trật khớp…
- Tiền sử phẫu thuật: Những người từng có tiền sử phẫu thuật khu vực bánh chè – đùi như sửa dây chằng, phẫu thuật nối xương… thường có nguy cơ mắc hội chứng đau bánh chè – đùi cao hơn thông thường.
- Người bị yếu cơ: Những người bị yếu cơ thường có nguy cơ mắc hội chứng này cao hơn so với người bình thường.
Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ sau làm tăng khả năng một người mắc hội chứng đau bánh chè – đùi: người cao tuổi, thanh thiếu niên tham gia các môn thể thao tần suất nhiều, người có tiền sử gia đình từng mắc bệnh xương khớp…
Phương pháp chẩn đoán
Để chẩn đoán hội chứng đau bánh chè đùi, các bác sĩ thường sử dụng các biện pháp sau:
Chẩn đoán lâm sàng
Các bác sĩ sẽ hỏi người bệnh về bệnh lý xương khớp, chấn thương hoặc các vấn đề đã từng gặp. Đồng thời, trong quá trình khám lâm sàng, người bệnh sẽ được kiểm tra hình dáng, tư thế khối cơ, tư thế bàn chân, khả năng co duỗi và hoạt động ở khu vực bánh chè – đùi.
Các xét nghiệm chẩn đoán hội chứng đau bánh chè – đùi
Sau khi chẩn đoán lâm sàng và nghi ngờ dấu hiệu bệnh, các bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu, bao gồm:
- Chụp X-quang: Giúp các bác sĩ kiểm tra vấn đề bất thường ở xương thông qua hình ảnh.
- Chụp cộng hưởng từ MRI: Cho ra hình ảnh về xương khớp và dây chằng chi tiết. Nhờ đó, các bác sĩ sẽ quan sát rõ những tổn thương và bất thường ở xương khớp của người bệnh.
- Chụp CT (cắt lớp vi tính): Giúp quan sát về phần cấu trúc bên trong của xương khớp theo nhiều góc độ. Giúp các bác sĩ loại bỏ được nguyên nhân gây đau bánh chè – đùi là do các bệnh lý khác.
- Phương pháp siêu âm: Giúp loại bỏ các nguyên nhân khác gây bệnh.
Điều trị hội chứng đau bánh chè – đùi
Tùy vào mức độ tổn thương và tình trạng sức khỏe của người bệnh mà các bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp chỉ định điều trị phù hợp nhất. Trong đó bao gồm:
Sử dụng thuốc
Các loại thuốc điều trị hội chứng đau bánh chè – đùi chủ yếu là thuốc giảm đau không kê đơn như: Acetaminophen, Naproxen sodium, Ibuprofen… Những loại thuốc này giúp kiểm soát triệu chứng và giảm cảm giác khó chịu ở người bệnh.
Phương pháp vật lý trị liệu
Các phương pháp vật lý trị liệu giúp xương khớp phục hồi chức năng, giảm đau nhức và tăng khả năng đi lại ở người bệnh. Người bệnh sẽ được dùng nẹp hỗ trợ để cải thiện cơn đau, chườm lạnh, xoa bóp, bấm huyệt… tác động lên khu vực đau giúp máu lưu thông tốt hơn.
Phẫu thuật
Nếu các phương pháp điều trị khác không mang lại kết quả tốt, các bác sĩ có thể chỉ định người bệnh phẫu thuật. Phương pháp này nhằm mục đích điều chỉnh lại sự sai lệch của xương bánh chè và giảm những áp lực trên sụn.
Người mắc hội chứng đau bánh chè – đùi cần phải nghỉ ngơi, tập luyện nhẹ nhàng và không gây va chạm đến khu vực bị đau. Ngoài ra, người bệnh cần duy trì các thói quen để hạn chế diễn tiến của hội chứng này như: ăn uống, tập luyện khoa học và tốt cho xương khớp, sử dụng các bài tập vật lý trị liệu, tham khảo ý kiến bác sĩ và tái khám thường xuyên…
Nhìn chung, hội chứng đau bánh chè – đùi là một hội chứng không nên xem thường. Bởi nếu để lâu dài hội chứng này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận động, di chuyển của người bệnh. Vì vậy, bạn nên thăm khám bác sĩ và sử dụng các phương pháp điều trị phù hợp để cải thiện tình trạng bệnh tốt nhất. Chúc bạn nhanh hồi phục!