Hoại tử vô mạch chỏm xương đùi là tình trạng nguy hiểm, gây ra nhiều biến chứng khó lường. Bệnh không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe, khả năng vận động mà còn đe dọa tính mạng người bệnh. Để hiểu rõ hơn về bệnh, mời bạn cùng tham khảo thông tin dưới đây!
Tìm hiểu chung về hoại tử vô mạch chỏm xương đùi
Theo y học, hoại tử vô mạch chỏm xương đùi có bản chất là hiện tượng chỏm xương bị thiếu hụt máu và dinh dưỡng là cho tế bào xương dần bị hoại tử. Khi bệnh mới xuất hiện, tình trạng hoại tử sẽ thể hiện dưới dạng những ổ khuyết trên xương hoặc không có biểu hiện rõ rệt. Một thời gian sau, vùng tổn thương sẽ nhanh chóng phá hủy lớp xương dưới sụn khiến chúng yếu dần và dễ gãy. Thậm chí có trường hợp người bệnh còn bị tàn phế suốt đời.
Căn bệnh này phát triển theo 7 giai đoạn khác nhau:
- Giai đoạn ban đầu: Đây là giai đoạn tiềm ẩn các yếu tố dẫn tới bệnh. Tuy nhiên khi thực hiện các chẩn đoán vẫn chưa phát hiện được bệnh.
- Giai đoạn 1: Người bệnh bắt đầu xuất hiện các triệu chứng như đau nhức ở vùng háng hoặc hai bên khớp gối. Cơn đau tái phát nhiều lần kèm theo kết quả xạ hình xương và chụp MRI đã xuất hiện hoại tử. Kết quả chẩn đoán qua hình ảnh X-quang trong giai đoạn 2 không rõ rệt.
- Giai đoạn 2 tới giai đoạn 6: Các biểu hiện bệnh xuất hiện rõ nét trên phim X-quang. Chúng có thể là những bất thường ở khe khớp, cổ gối hoặc vùng chỏm của xương đùi.
Theo thống kê thu được, bệnh có thể bắt gặp ở nhiều đối tượng, giới tính và độ tuổi khác nhau. Trong đó phần lớn người bệnh thường là nam giới, độ tuổi 40 – 50 hoặc bệnh nhân đã từng mắc các vấn đề về xương khớp (chấn thương, rối loạn chức năng xương khớp,…).
Biểu hiện nhận biết hoại tử vô mạch chỏm xương đùi
Như bài viết đã nêu trên, khi bệnh ở giai đoạn đầu sẽ không có bất kỳ biểu hiện nào. Khi bệnh đã phát triển được một thời gian, những cơn đau nhức sẽ liên tục tái diễn nhiều lần ở khớp háng. Người bệnh càng di chuyển hoặc giữ nguyên 1 tư thế trong thời gian dài thì cơn đau càng tăng mức độ. Khi nghỉ ngơi cơn đau sẽ thuyên giảm.
Tuy nhiên nếu tình trạng phát hiện muộn, cơn đau nhức ở háng vẫn sẽ tiếp diễn không ngừng ngay cả khi người bệnh đang nghỉ ngơi, thư giãn. Không chỉ vậy, cơn đau còn có khả năng cao lan rộng ra các vị trí xung quanh như đùi, mông. Lúc này quá trình cử động của cơ thể người bệnh sẽ vô cùng khó khăn.
Hoại tử vô mạch chỏm xương đùi do đâu?
Nguyên nhân chính gây bệnh là do sự suy giảm hoặc gián đoạn lưu lượng máu tới phần chỏm của xương đùi. Bất thường này xuất hiện có thể là do một trong các nguyên nhân sau:
Nguyên nhân tự phát
Theo thống kê thu được, có tới 50% trường hợp mắc bệnh là do nguyên nhân thứ phát gây ra. Cụ thể, tình trạng hoại tử vô mạch chỏm xương đùi chủ yếu gặp ở phái mạnh và độ tuổi từ 40 trở lên.
Nguyên nhân thứ phát
Nhóm nguyên nhân này được chia thành 2 thể chính:
- Do các chấn thương gây ra
Chấn thương trật khớp, gãy cổ xương có thể khiến mạch máu tại chỏm xương đùi bị tổn thương. Từ đây máu không thể lưu thông thuận lợi để nuôi dưỡng xương dẫn tới tình trạng vị trí này dần bị hoại tử đi.
- Do nguyên nhân khác
Chỏm xương đùi bị hoại tử có thể là hệ lụy của một số yếu tố sau:
- Ảnh hưởng của quá trình điều trị ung thư làm cho các mạch máu tắc nghẽn, máu khó lưu thông.
- Trong mạch máu có chất béo dư thừa lắng đọng.
- Sử dụng nhiều thuốc lá và rượu bia làm lượng lipid trong máu lắng đọng càng nhiều dẫn tới tắc nghẽn, không đủ dưỡng chất nuôi xương.
- Ảnh hưởng các bệnh lý như: Viêm ruột, HIV/AIDS, viêm tụy, bệnh đái tháo đường.
Chẩn đoán hoại tử vô mạch chỏm xương đùi
Hoại tử vô mạch chỏm xương đùi là một căn bệnh nguy hiểm. Nếu không phát hiện bệnh kịp thời sẽ có thể dẫn tới tình trạng tàn phế. Bệnh được chẩn đoán theo các phương pháp sau:
Kiểm tra các biểu hiện trên cơ thể người bệnh
Đây là phương pháp chẩn đoán lâm sàng bệnh. Các bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh liệt kê các biểu hiện bất thường của cơ thể, tiền sử dùng thuốc, các chấn thương đã mắc phải và có sử dụng rượu bia/ thuốc lá hay chất kích thích không. Sau đó người bệnh cần tiến hành kiểm tra các triệu chứng bệnh.
Quét xương
Phương pháp này được các bác sĩ thực hiện bằng cách tiêm chất phóng xạ y tế với lượng nhỏ vào trong tĩnh mạch. Khi chất này di chuyển dần tới chỏm xương sẽ tạo thành những điểm sáng trên màn hình thu được. Qua đây các bác sĩ sẽ nhận thấy được tổn thương hoại tử có xuất hiện hay không.
Chụp MRI
Đây là phương pháp chẩn đoán bệnh hữu hiệu. Chụp MRI sẽ giúp các bác sĩ xác định rõ hơn mức độ hoại tử và các biến chứng kèm theo (nếu có).
Chụp X-quang
Chụp X-quang cho thấy rõ nét cấu trúc và những bất thường trên xương. Tuy nhiên với căn bệnh này, phim chụp chỉ có thể cho kết quả khi bệnh đã ở giai đoạn muộn. Tổn thương nhận biết bệnh bao gồm:
- Hẹp khe khớp háng
- Dấu trăng lưỡi liềm (vết gãy xương ở đùi)
- Chỏm đùi biến dạng.
Điều trị hoại tử vô mạch chỏm xương đùi
Tùy thuộc theo mức độ bệnh, thể trạng và tuổi tác bệnh nhân, các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị thích hợp nhất. Dưới đây là một phương pháp chữa bệnh phổ biến:
- Sử dụng thuốc Tây y: Người bệnh có thể phải uống thuốc giảm đau, thuốc chống viêm, thuốc điều trị loãng xương và các viên uống bổ sung thêm canxi cho xương khớp.
- Vật lý trị liệu: Để tăng cường hiệu quả chữa bệnh, các bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh một số bài tập vật lý trị liệu.
- Nghỉ ngơi thư giãn: Hạn chế vận động, tăng cường nghỉ ngơi, thư giãn cơ thể là một giải pháp hữu hiệu trong thời gian điều trị bệnh.
- Phẫu thuật: Trường hợp chữa bệnh thất bại bằng phương pháp trên thì phẫu thuật là giải pháp cuối cùng.
Trên đây là những thông tin về bệnh hoại tử vô mạch chỏm xương đùi. Hy vọng bài viết đã đem lại những thông tin bổ ích cho bạn. Xin chào và hẹn gặp lại trong những chuyên mục tiếp theo của chúng tôi!