Gãy xương đòn ở trẻ em không phải là hiện tượng hiếm gặp và có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe bệnh nhi nếu không được điều trị, thăm khám kịp thời. Chính vì vậy, cha mẹ nên nắm rõ được những thông tin cần thiết liên quan đến tình trạng này, ví dụ như nguyên nhân, triệu chứng và cách xử lý hiệu quả nhất.
Nguyên nhân gãy xương đòn ở trẻ em
Xương đòn, tên khác: Xương quai xanh, là một đoạn xương nhỏ nối giữa xương bả vai và xương ức ngực. Nó đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc của bộ xương, đảm bảo sự vững chắc cho phần cánh tay. Ở trẻ em, đoạn xương này thường chưa phát triển toàn vẹn, vì vậy mà rất dễ gặp phải tổn thương. Một trong những vấn đề phổ biến nhất chính là gãy xương đòn.
Gãy xương đòn chiếm đến gần 15% tổng số ca bệnh có liên quan đến xương khớp ở trẻ em. Tình trạng này không chỉ mang đến cảm giác đau đớn khó chịu mà còn ảnh hưởng đến sự vận động của bệnh nhi. Theo các bác sĩ, việc chẩn đoán và điều trị sớm có thể giúp tăng khả năng phục hồi cũng như phòng ngừa tối đa nguy cơ di chứng khi trưởng thành ở trẻ.
Gãy xương đòn ở trẻ em do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, chúng bao gồm:
- Chấn thương: Có thể nói rằng đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng gãy xương quai xanh ở trẻ. Trẻ em vốn là lứa tuổi hiếu động, thích tham gia các hoạt động thể chất ngoài trời. Tuy nhiên, những hoạt động này lại tiềm ẩn nguy cơ va chạm, ngã hoặc chấn thương có thể khiến phẩn xương đòn của trẻ bị tổn hại, dẫn đến nứt, gãy.
- Tai nạn giao thông: Dù chiếm tỷ lệ thấp hơn chấn thương, tai nạn giao thông vẫn được xếp vào nhóm nguyên nhân chính gây ra gãy xương đòn, đặc biệt là tai nạn xe cộ. Mức độ thương tổn do tai nạn giao thông cũng nặng hơn do ngoại lực tác động thường lớn hơn.
Trong một số trường hợp, trẻ sơ sinh cũng có thể bị gãy xương đòn. Nguyên nhân gây ra thường là:
- Âm đạo của người mẹ bị hẹp: Đối với người sinh thường, âm đạo phải được mở đủ rộng để em bé có thể chui ra dễ dàng hơn. Nhưng nếu âm đạo của người mẹ bị hẹp hơn so với kích cỡ vai của em bé, áp lực đè lên xương đòn của bé nặng nề hơn, gây ra một số tổn thương sau sinh như gãy hoặc nứt.
- Dinh dưỡng không đủ: Nếu trong thời gian mang thai, người mẹ không bổ sung thêm nhiều canxi, khung xương của bé có thể yếu và giòn hơn. Điều này có thể khiến xương đòn của bé bị gãy trong quá trình sinh nở.
Triệu chứng gãy xương đòn ở trẻ em
Gãy xương đòn ở trẻ em thường có các triệu chứng sau đây:
- Cảm giác đau ở xương quai xanh hoặc bờ vai: Một khi xương đòn bị tổn thương, cảm giác đau đớn sẽ xuất hiện và gây ảnh hưởng lớn đến trẻ. Tùy thuộc vào mức độ gãy của xương mà mức độ đau cũng khác nhau, có thể chỉ âm ỉ nhưng cũng có thể nhức buốt dữ dội. Thường thì khi trẻ cử động vai và tay, cơn đau càng trở nên tồi tệ hơn.
- Sưng tấy và tụ máu bầm: Nếu nguyên nhân xuất phát từ chấn thương hay tai nạn xe cộ, phần xương quai xanh của trẻ rất dễ xuất hiện tình trạng sưng tấy kèm theo tụ máu bầm. Điều này là do khi phần vai và ngực bị va đập đã khiến mạch máu nhỏ bị vỡ, dẫn đến hiện tượng viêm sưng.
- Tay khó có thể cử động bình thường: Khi xương đòn bị gãy, thế cân bằng cũng mất đi, khiến tay khó có thể chuyển động như bình thường. Bên cạnh đó, lực của cánh tay cũng giảm đi đáng kể, khiến trẻ gặp khó khăn trong cầm nắm đồ vật.
- Quấy khóc: Đối với trẻ sơ sinh, trẻ có thể sẽ quấy khóc liên tục do bị ảnh hưởng bởi cơn đau. Vấn đề gãy xương đòn ở trẻ sơ sinh cũng khó phát hiện hơn bình thường, vì vậy cha mẹ cần đặc biệt lưu ý.
Gãy xương đòn ở trẻ em có nguy hiểm không? Mất bao lâu thì khỏi?
Ở trẻ em, cơ thể vẫn đang trong quá trình phát triển, vì vậy mà những vấn đề như gãy xương thường không quá nghiêm trọng và có thể được điều trị hiệu quả nếu phát hiện sớm. Tuy nhiên, trong trường hợp trẻ bị gãy xương đòn không được chẩn đoán và xử lý kịp thời, một số biến chứng sau đây có thể xảy ra:
- Đau đớn kéo dài gây ảnh hưởng cuộc sống: Vấn đề dễ nhận thấy nhất chính là trẻ sẽ bị quấy rầy dai dẳng bởi những cơn đau vùng bả vai. Tình trạng này không chỉ tác động tiêu cực đến sức khỏe mà còn cả tâm lý, từ đó kéo theo chất lượng cuộc sống suy giảm đáng kể.
- Xương đòn yếu hoặc bị ngắn: Nếu không được điều trị sớm, xương đòn bị gãy có thể để lại những di chứng về sau. Trong đó phổ biến nhất là xương đòn yếu và xương đòn ngắn đi. Những vấn đề này thường sẽ ảnh hưởng đến khả năng vận động của trẻ cũng như khiến nguy cơ gãy xương tái phát gia tăng.
Ngoài vấn đề nguyên nhân hay biến chứng, nhiều bậc phụ huynh cũng quan tâm đến việc gãy xương đòn ở trẻ mất bao lâu để khỏi. Theo các chuyên gia, trẻ em dưới 8 tuổi thường có thời gian phục hồi nhanh hơn những đối tượng còn lại. Cụ thể, trẻ dưới 8 tuổi chỉ mất khoảng 4 đến 5 tuần trong khi trẻ từ 8 tuổi trở lên có thể phải mất đến 6 hoặc 8 tuần lễ.
Trong thời gian này, cha mẹ cũng nên lưu tâm đến quá trình sinh hoạt và vận động của cơ để tránh khiến vết thương lại bị ảnh hưởng. Sau khi các bác sĩ khám lại và không phát hiện vấn đề nghiêm trọng nào khác, trẻ có thể tham gia các hoạt động thể chất như bình thường.
Chẩn đoán gãy xương đòn ở trẻ em
Chẩn đoán gãy xương đòn ở trẻ em khá đơn giản và không mất nhiều thời gian. Các bác sĩ trước tiên sẽ hỏi thăm bệnh nhi về triệu chứng thường gặp và yêu cầu các em thực hiện một số động tác, cử động cần sử dụng đến xương quai xanh.
Sau đó, trẻ sẽ được đưa đến phòng xét nghiệm để thực hiện các kiểm tra hình ảnh như chụp CT, MRI hay chụp X-quang. Những biện pháp này giúp tìm ra vị trí bị gãy của xương đòn cũng như ảnh hưởng của nó đến các khu vực xung quanh.
Điều trị gãy xương đòn ở trẻ em
Điều trị gãy xương đòn ở trẻ em gồm có các biện pháp sau đây:
- Dùng thiết bị hỗ trợ: Nếu trường hợp của trẻ không quá nghiêm trọng, các bác sĩ thường để cho cơ thể tự chữa lành vết nứt gãy. Họ chỉ sử dụng thêm một số thiết bị hỗ trợ như nẹp cánh tay để hạn chế tối đa các tác động có thể xảy ra với phần xương quai xanh. Trong thời gian này, trẻ cũng nên nghỉ ngơi nhiều hơn, tránh tham gia các hoạt động ngoài trời như chơi thể thao.
- Thuốc uống: Trẻ có thể cảm thấy đau nhức và viêm sưng khó chịu, vì vậy các bác sĩ sẽ kê thêm một số loại thuốc uống sử dụng kèm theo. Những loại thuốc này thường là chất giảm đau và chống viêm non steroids, giúp cải thiện triệu chứng và làm trẻ cảm thấy thoải mái hơn. Tuy nhiên, thuốc Tây y thường có nhiều tác dụng phụ, cha mẹ nên thận trọng khi cho con sử dụng.
- Phẫu thuật: Đối với trẻ gãy xương đòn do chấn thương và tai nạn nghiêm trọng, phẫu thuật là biện pháp cần thiết. Các bác sĩ sẽ sử dụng vít để cố định chỗ bị gãy, tạo điều kiện cho xương nối liền lại với nhau. Sau khi phẫu thuật, trẻ cũng cần thực hiện vật lý trị liệu để đảm bảo không để lại di chứng sau này.
Gãy xương đòn ở trẻ em là tình trạng tiềm ẩn nhiều mối nguy cơ, vì vậy cha mẹ tuyệt đối không thể chủ quan xem thường. Ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường ở trẻ, cha mẹ cần đưa bé đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.