Gai cột sống L4 L5 là bệnh lý xương khớp phổ biến ở nhiều độ tuổi. Bệnh thường gây ra các cơn đau buốt lưng cho bệnh nhân khiến việc đi lại trở nên khó khăn, thậm chí là không thể di chuyển được. Vậy nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị gai cột sống thắt lưng L4 L5 là gì. Câu trả lời sẽ có trong bài viết sau đây.
Gai cột sống l4 l5 là gì?
Xương sống của con người kéo dài từ cổ cho đến dưới thắt lưng bao gồm 7 đốt sống cổ, 12 đốt sống ngực, 5 đốt sống thắt lưng rời nhau và 5 đốt sống dính liền với nhau. Những đốt sống này được liên kết với nhau tạo thành một hệ xương vững chắc nhằm nâng đỡ cho phần thân trên.
Đốt sống L4 L5 là 2 vị trí đốt sống thấp nhất trên cột sống có nhiệm vụ nâng đỡ toàn bộ cơ thể, vậy nên chúng sẽ phải chịu nhiều lực tác động nhất. Cũng chính vì lý do này mà bệnh gai cột sống L4 L5 cũng thường xuyên xảy ra hơn.
Gai cột sống L4 L5 được hiểu đơn giản là hiện tượng gai xương hình thành và mọc nhô ra tại vị trí đốt sống L4 L5. Các gai xương này tác động vào các mô mềm, dây chằng hoặc chèn ép vào các rễ thần kinh gây ra các cơn đau khó chịu cho người bị bệnh.
Nguyên nhân dẫn đến việc hình thành các gai xương này là do quá trình lão hóa hoặc do chế độ ăn uống, sinh hoạt không điều độ dẫn đến khớp bị thoái hóa, các sụn khớp vì thế mà bị bào mòn, hư tổn làm trơ ra hai đầu xương lồi lõm. Cơ thể khi ấy tự “sửa chữa” bằng cách đưa canxi đến để san lấp các vị trí lồi lõm, nhưng quy trình diễn ra không được trơn tru và đã vô tình tạo ra các xương gai.
Nguyên nhân gây gai đốt sống lưng L4 L5
Có nhiều nguyên nhân gây gai đốt sống lưng L4 L5 được chia thành các nhóm nguyên nhân chính sau:
- Do lão hóa: Từ 30 tuổi trở đi, cơ thể bắt đầu lão hóa và cột sống là bộ phận thường được “hỏi thăm” đầu tiên. Khi ấy, chức năng đốt sống, dây chằng, mô sụn, đĩa đệm,… bắt đầu suy giảm, các đốt sống dễ bị tổn thương và nguy cơ hình thành các gai xương là khá cao.
- Do chế độ dinh dưỡng: Chế độ dinh dưỡng không đủ chất, đặc biệt là khi thiếu các chất omega 3, canxi, magie, vitamin B,…sẽ dễ dẫn đến tình trạng khô ráp ở xương cột sống, dần dần dẫn đến thoái hóa và hình thành các gai.
- Do chấn thương: Một số chấn thương mạnh do tai nạn khiến đốt sống bị tổn thương và khi ấy, cơ thể tự sửa chữa tổn thương bằng cách đưa canxi đến vị trí ấy để chữa lành. Tuy nhiên, tình trạng canxi được tích tụ quá nhiều sẽ vô tình dẫn đến hình thành các gai xương.
- Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như do thường xuyên phải mang vác nặng, ngồi hoặc đứng nhiều, do thừa cân béo phì,…khiến cột sống phải chịu lực lớn trong thời gian dài khiến nguy cơ mắc gai cột sống tăng cao.
Triệu chứng gai cột sống L4 L5
Bệnh nhân mắc gai cột sống L4 L5 sẽ gặp một số triệu chứng điển hình sau:
- Thường xuyên gặp các cơn đau nhức, buốt dọc xương sống khi quay cổ, nghiêng trái, nghiêng phải hay vận động vùng lưng.
- Khi mới mắc bệnh, cơn đau chỉ xuất hiện ở vùng có gai (ở vùng đốt sống L4 L5).
- Sau đó, cơn đau lan dần xuống hông, mông, đùi và chạy dọc xuống tận bàn chân.
- Gây tê bì, mất cảm giác, thậm chí là thấy châm chích, nóng ran ở vùng chân.
- Hạn chế khả năng đi lại
- Gây bí tiểu tiện, đại tiện
Phương pháp điều trị gai cột sống thắt lưng L4 L5
Sử dụng thuốc Tây y
Ưu điểm: Hiệu quả giảm đau nhức nhanh chóng, người bệnh dễ dàng tìm mua tại các hiệu thuốc.
Nhược điểm: Hầu hết thuốc Tây y chỉ thường chữa được các triệu chứng bên ngoài chứ không điều trị tận gốc các nguyên nhân bên trong, cơn đau dễ quay lại. Lạm dụng thuốc Tây y nhiều còn gây ra các tác dụng phụ ảnh hưởng đến dạ dày, gan, mật.
Một số loại thuốc Tây y dùng cho bệnh nhân gai cột sống L4 L5 gồm:
- Thuốc giảm đau: Paracetamol, Gabapentin,…
- Thuốc kháng viêm không chứa Steroid: Piroxicam, Naproxen, Indomethacin hay Tolperison, vitamin nhóm B.
- Thuốc tiêm Corticoid giảm đau viêm: Hydrocortison, Methylprednisolon, Prednisolon, …
Lưu ý: Tất cả các loại thuốc Tây y chỉ được sử dụng dưới sự hướng dẫn và theo dõi từ bác sĩ chuyên khoa.
Sử dụng các dược liệu từ thiên nhiên
Ưu điểm: An toàn, không gây tác dụng phụ, hiệu quả tương đối tốt khi kiên trì thực hiện. Hỗ trợ điều trị bệnh từ bên trong, tăng cường bồi bổ sức khỏe.
Nhược điểm: Mất một thời gian dài sử dụng thì mới thấy được tác dụng rõ rệt và còn phụ thuộc vào cơ địa từng người.
Có rất nhiều bài thuốc từ thiên nhiên hỗ trợ chữa gai cột sống L4 L5 trong đó phải kể đến bài thuốc từ cây ngải cứu. Theo bài thuốc này, bạn chỉ cần lấy một nắm lá ngải cứu rửa sạch, để ráo, cắt nhỏ rồi đem giã nhuyễn lọc lấy nước cốt. Bạn có thể hòa thêm vài thìa mật ong vào nước cốt ngải cứu trên và uống hết trong ngày. Ngoài ra, bạn cũng có thể lấy thân và lá ngải cứu đem xao nóng với muối hạt rồi đắp trực tiếp lên vùng gai . Kiên trì thực hiện trong 1-2 tháng cơn đau nhức sẽ giảm bớt.
Vật lý trị liệu
Ưu điểm: Có tác dụng giảm đau nhanh các cơn đau nhức.
Nhược điểm: Cần kết hợp với các phương pháp điều trị khác để đạt được hiệu quả tối đa. Và thường chỉ có tác dụng với những trường hợp bệnh nhẹ ở giai đoạn đầu tiên.
Bạn có thể tìm đến các cơ sở phòng khám Đông y uy tín để thực hiện các bài vật lý trị liệu như xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu, giác hơi, … để làm giảm các cơn đau gai cột sống L4 L5.
Phương pháp phẫu thuật
Ưu điểm: Có thể chữa khỏi gai cột sống L4 L5 trong nhiều trường hợp bệnh nhân.
Nhược điểm: Chi phí cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro, biến chứng.
Chỉ những trường hợp gai cột sống L4 L5 rất nặng mới được chỉ định phẫu thuật. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ thật kỹ trước khi quyết định có phẫu thuật hay không. Một số phương pháp phẫu thuật được thực hiện như mổ hở (nhiều rủi ro hơn) và mổ nội soi.
Gai cột sống L4 L5 là một bệnh xương khớp nguy hiểm đòi hỏi bệnh nhân phải kết hợp một số phương pháp điều trị trên thì mới có thể đem lại hiệu quả tốt nhất. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần thường xuyên thăm khám và lắng nghe những tư vấn từ bác sĩ để có những quyết định điều trị kịp thời và phù hợp nhất. Chúc các bạn luôn có một sức khỏe tốt.