Để đảm bảo đời sống sinh hoạt cho những người có đĩa đệm bị hư hỏng hoàn toàn, y khoa đã nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm đĩa đệm nhân tạo. Chúng được thiết kế với kích thước và cấu tạo giống như địa đệm thật để thực hiện các chức năng tương tự. Vậy đối tượng nào được khuyên dùng đĩa đệm nhân tạo và chi phí thay thế là bao nhiêu? Mời bạn đọc tham khảo thông tin sau.
Tìm hiểu về đĩa đệm nhân tạo
Trong cấu trúc cơ thể con người, địa đệm là bộ phận nằm ở vị trí giữa hai đốt của cột sống, có chức năng đảm bảo khả năng vận động linh hoạt của cơ thể. Đĩa đệm thường bị hư hỏng sau những chấn thương hoặc tai nạn, chúng có thể chèn ép vào các mô mềm gây tổn thương. Ngoài ra còn làm suy giảm chức năng của cột sống.
Đĩa đệm nhân tạo là một trong những thiết bị y khoa được làm bằng chất liệu kim loại và nhựa. Chúng có thể chịu được lực, không bị biến dạng hay mài mòn. Thiết bị này có cấu trúc và chức năng giống như đĩa đệm của con người để duy trì khả năng vận động.
Đối với những bệnh nhân có chấn thương ở đĩa đệm, trước tiên bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra tình trạng bằng cách chụp X-quang và áp dụng các biện pháp cứu chữa nội khoa. Nếu như đĩa đệm đã mất hoàn toàn chức năng và hư hỏng nặng thì sẽ tư vấn cho bệnh nhân về việc thay thế đĩa đệm nhân tạo.
Các loại đĩa đệm nhân tạo sử dụng trong y học
Dựa vào tình trạng hư hỏng đĩa đệm ở mỗi bệnh nhân mà đĩa đệm nhân tạo sẽ được thiết kế khác nhau. Trong đó có 2 loại phổ biến và được thay thế nhiều nhất là:
- Đĩa đệm nhân tạo thay thế hoàn toàn: Loại này được sử dụng cho những người bệnh có đĩa đệm hư hỏng nặng và mất hoàn toàn chức năng. Chúng mang cấu tạo và kích thước hoàn chỉnh của một đĩa đệm thông thường. Thực hiện tính năng của hầu hết các mô và đĩa đệm trong cơ thể người.
- Đĩa đệm nhân tạo thay thế không hoàn toàn: Thiết bị này áp dụng cho những bệnh nhân chỉ bị mất khả năng của phần nhân nhầy nằm ở trung tâm của đĩa đệm. Ngoài ra, các phần bao xơ bên ngoài vẫn được giữ nguyên.
Đối tượng nào nên và không nên thay thế địa điệm nhân tạo?
Không phải bất cứ bệnh nhân nào có vấn đề về đĩa đệm đều nên thay đĩa đệm nhân tạo. Việc này còn phụ thuộc vào sức khỏe và tình trạng bệnh của mỗi người. Để phẫu thuật đĩa đệm, người bệnh phải đảm bảo: Không bị mẫn cảm với các thành phần của đĩa đệm nhân tạo, không có tiền sử phẫu thuật đĩa đệm cùng tầng, không mất vững cột sống, không mắc các loại bệnh như loãng xương, viêm khớp…
Các đối tượng nên thay thế đĩa đệm nhân tạo
Những người thường được chỉ định thay thế đĩa đệm bao gồm:
- Sau 6 tháng điều trị bằng những phương pháp nội khoa bệnh không tiến triển.
- Không còn khả năng vận động.
- Có nguy cơ bị teo cơ.
- Các chi bị rối loạn cảm giác.
- Không thể kiểm soát vấn đề đi vệ sinh.
- Hư hỏng hoàn toàn đĩa đệm, không còn khả năng hồi phục.
Các đối tượng không nên thay thế đĩa đệm nhân tạo
Những đối tượng sau đây không nên thay thế đĩa đệm:
- Bệnh nhân thoái hóa cột sống
- Những người bị gãy, nhiễm trùng hay U cột sống
- Phụ nữ đang mang thai
- Người đang được điều trị bằng Steroid
- Người bệnh loãng xương
Quy trình cấy ghép đĩa đệm nhân tạo
Để cấy ghép đĩa đệm nhân tạo, bác sĩ sẽ phẫu thuật theo các bước sau:
- Bước 1: Thăm khám tình trạng và tư vấn cho bệnh nhân.
- Bước 2: Tháo gỡ và loại bỏ phần đĩa đệm đã không còn khả năng hoạt động ra khỏi cơ thể con người.
- Bước 3: Kết nối những đốt sống bằng đĩa đệm kim loại.
- Bước 4: Đảm bảo khả năng uốn cong, di động và linh hoạt của cột sống sau khi phẫu thuật.
- Bước 5: Khâu lành vết thương, sát trùng và hoàn thành quá trình cấy ghép.
Việc cấy ghép đĩa đệm nhân tạo chỉ được khuyên dùng với những người có đĩa đệm bị tổn thương. Chúng không phải là phương pháp để chữa các bệnh như đau lưng hay các vấn đề về cột sống.
Ngoài ra, tuổi thọ của thiết bị này cũng phụ thuộc nhiều vào khả năng thích nghi của người bệnh, chất liệu thiết bị, trình độ của bác sĩ phẫu thuật…Bệnh nhân cũng không cần thiết quay lại tái khám nếu thấy vùng tổn thương không có hiện tượng viêm nhiễm, sưng đau, sức khỏe ổn định và có thể vận động bình thường trở lại.
Sau khi phẫu thuật cần lưu ý điều gì?
Để việc thay thế đĩa đệm mang lại hiệu quả cao nhất, sau khi phẫu thuật người bệnh cần lưu ý những điều dưới đây:
- Đảm bảo vệ sinh cho vết thương bằng cách thay băng hàng ngày. Kết hợp với một số loại thuốc chống sưng, viêm do bác sĩ chỉ định. Hạn chế tối đa tình trạng nhiễm trùng.
- Phân bổ thời gian nghỉ ngơi và đi lại vận động hợp lý. Không nằm bất động trong thời gian quá dài để tránh bị tê, cứng khớp. Nên đi lại và hoạt động nhẹ nhàng sau khoảng 3 ngày phẫu thuật để tạo cơ hội thích nghi giữa đĩa đệm nhân tạo với cơ thể.
- Không bê vác các vật nặng hoặc ngồi, vận động sai tư thế để tránh những rủi ro không mong muốn. Sử dụng nẹp cố định và các biện pháp hỗ trợ sau phẫu thuật khác.
- Người bệnh có thể áp dụng thêm phương pháp vật lý trị liệu để đẩy nhanh quá trình hồi phục và khả năng vận động. Tuy nhiên cần được sự tư vấn, hướng dẫn kỹ càng từ các chuyên gia.
- Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung chất dinh dưỡng và thăm khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ để theo dõi tình trạng bệnh.
Lợi ích và rủi ro khi dùng đĩa đệm nhân tạo
Người bệnh khi thay thế và sử dụng đĩa đệm nhân tạo sẽ có những lợi ích nhất định như là: Đảm bảo được độ linh hoạt và các hoạt động của cột sống, giảm bớt tình trạng viêm đau của đĩa đệm bị hư hỏng, phục hồi quá trình vận động và sinh hoạt của con người…
Nhưng bên cạnh đó bệnh nhân cũng có thể đối mặt với những rủi ro thường ít gặp như sau: Nhiễm trùng khu vực phẫu thuật đĩa đệm, xuất huyết, các mạch máu có nguy cơ bị tổn thương, trật khớp, chấn thương hệ thần kinh, rối loạn khả năng tình dục, thiết bị đĩa đệm có thể bị vỡ, hao mòn, chấn thương cấu trúc tiết niệu…
Vì vậy người bệnh cần hết sức cân nhắc trong trường hợp có nên thay thế đĩa đệm nhân tạo hay không. Ngoài ra hãy lựa chọn những cơ sở bệnh viện lớn và uy tín để được tư vấn và phẫu thuật.
Chi phí thay đĩa đệm nhân tạo
Chi phí thay thế đĩa đệm nhân tạo phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như là: Giá của đĩa đệm tại thời điểm phẫu thuật, loại đĩa đệm là hoàn toàn hay một phần, tình trạng hiện tại của bệnh nhân hoặc người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế hay không?
Ngoài ra, có những các khoản phát sinh cần thanh toán như là: Chi phí thăm khám bệnh, các thủ thuật chụp chiếu, xét nghiệm, chi phí giường bệnh trong quá trình nằm viện, thuốc và một số công cụ hỗ trợ sau phẫu thuật…
Thông thường mỗi một thiết bị đĩa đệm nhân tạo sẽ có giá dao động từ 50 triệu đến 90 triệu tùy thuộc vào chất lượng, nguyên vật liệu, hãng sản xuất và đơn vị nhập khẩu.
Hy vọng rằng với thông tin của bài viết trên đã mang lại những kiến thức cơ bản nhất về đĩa đệm nhân tạo cho bạn đọc. Theo đánh giá chung thì phẫu thuật và thay thế đĩa đệm là phương pháp khá đơn giản và an toàn. Tuy nhiên người bệnh cần có biện pháp chăm sóc và luyện tập hợp lý để tránh những rủi ro không may xảy ra. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để có được phương pháp điều trị đĩa đệm phù hợp nhất với bạn.