Xương bánh chè là một trong những bộ phận xương quan trọng trong hệ xương khớp của con người. Tuy nhiên hiện nay vẫn có nhiều người chưa có sự hiểu biết rõ ràng về loại xương này. Vậy xương bánh chè là gì? Cấu tạo, chức năng và cách hoạt động ra sao? Tất cả sẽ được giải đáp đầy đủ ngay trong bài viết dưới đây.
Xương bánh chè nằm ở đâu?
Xương bánh chè thuộc hệ thống các xương gối, là phần bao quanh trước mặt đầu gối của chúng ta. Xương bánh chè có hình dạng hơi tròn, dạng đặc với lớp sụn phủ dày bên dưới. Đây là một trong những xương vừng lớn nhất và đóng vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động sống của cơ thể. Ở tư thế duỗi gối, chúng ta có thể quan sát rõ nhất hình ảnh của xương bánh chè bao phủ trước phần xương đầu gối.
Cấu tạo của xương bánh chè
Xương bánh chè gồm nhiều lớp khác nhau. Bên ngoài cùng là phần xương đặc cứng bao trước đầu gối để bảo vệ vùng cơ thể này. Ở bên trong cùng, xương bánh chè có một lớp xương xốp và hai bên thì có cánh bánh chè.
Khi giải phẫu xương bánh chè, người ta có thể phân chia theo hai mặt xương (bao gồm mặt trước – mặt sau) và hai bờ xương (bao gồm bờ ngoài – bờ trong). Ngoài ra còn có nền xương bánh chè và đỉnh xương bánh chè.
- Hai mặt xương: mặt trước của xương bánh chè có nhiều khía rãnh, hơi lồi về phía trước và không nhẵn mịn. Mặt trước được coi là điểm tựa cho các gân cơ bám vào. Trong khi đó, mặt sau chiếm phần lớn diện tích xương bánh chè, đây là nơi chịu nhiều áp lực từ việc vận động nhất.
- Bờ xương: Xương bánh chè có hai bờ trong và bờ ngoài.
- Nền xương bánh chè: Nền xương bánh chè là vùng mà các gân cơ tứ đầu đùi liên kết để tạo nên điểm tựa cho hoạt động của khớp gối.
- Đỉnh xương bánh chè: Đỉnh xương có hình hơi nhọn, đây là vùng kết nối với dây chằng.
Chức năng của xương bánh chè
Xương bánh chè được coi là xương vừng lớn nhất trên cơ thể người. Theo các nhà nghiên cứu, các xương vừng thường phát triển ở những vị trí có sức ép lớn, thông thường ở những nơi gắn các cơ với khớp. Với vị trí ở đầu gối, xương bánh chè giúp có thể giữ ở vị rí cân bằng, hỗ trợ quá trình di chuyển ở tư thế thẳng đứng. Đồng thời, loại xương này cũng giúp bảo vệ các dây chằng, bảo vệ hoạt động của xương khớp.
Bánh chè có mối liên kết chặt chẽ với các xương của các chi và vùng đầu gối. Chính vì thế nếu gặp bất cứ tổn thương nào, người bệnh sẽ khó khăn trong việc di chuyển, gập duỗi khớp gối. Các cơ quan xương khớp xung quanh cũng sẽ bị ảnh hưởng theo.
Các vấn đề thường gặp ở xương bánh chè
Xương bánh chè là bộ phận xương quan trọng, cũng là khu vực chịu nhiều áp lực và dễ bị tổn thương nhất. Chúng ta thường xuyên gặp phải rất nhiều vấn đề về phần xương này, dưới đây là một số dẫn chứng điển hình nhất.
Gãy xương bánh chè
Gãy xương bánh chè là vấn đề không ít người thường xuyên gặp phải. Nguyên nhân xuất phát từ việc bánh chè ở phần gối luôn phải chịu áp lực lớn từ việc vận động, mang vác và sức nặng của cả cơ thể. Trong quá trình vân động, xương bánh chè che chở ở mặt trước cùng của đầu gối nên cũng rất dễ dẫn đến tổn thương do va chạm.
Trật xương bánh chè
Trật xương bánh chè thường gặp ở những người hay chơi thể thao, mang vác nặng hoặc gặp phải chấn thương đột ngột trong khi thực hiện các tư thế khó. tình trạng trật xương có thể xảy ra khi dây chằng bị giãn căng hoặc đứt đoạn hẳn. Khi bị trật, người bệnh sẽ cảm thấy đau đớn, không thể gập duỗi chân và đi lại như bình thường. Mức độ nặng nhẹ và cách chữa trị của người bệnh cần thông qua các chuyên gia y tế.
Gai xương bánh chè
Gai xương bánh chè xảy ra phổ biến nhất ở những người độ tuổi trung niên, về già. Căn bệnh này xuất phát từ nguyên nhân do sự thoái hóa xương khớp gây nên. Gai xương bánh chè là một trong những căn bệnh về xương khớp hết sức nguy hiểm, người bệnh cần phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt.
Biện pháp tăng cường sức khỏe xương bánh chè
Xương bánh chè là một phần hết sức quan trọng cấu thành hệ xương khớp đầu đủ phục vụ cho hoạt động sống của con người. Vậy nên mỗi chúng ta cần có các biện pháp chủ động bảo vệ, tăng cường sức khỏe xương bánh chè để đảm bảo một cuộc sống tích cực hơn.
Thay đổi chế độ sinh hoạt
Bỏ đi các thói quen xấu khiến xương bánh chè dễ bị tổn thương là điều cần thiết:
- Nên hạn chế vận động nặng, vận động quá sức dễ khiến khớp gối chịu sức ép nặng.
- Ngủ nghỉ đủ giấc, không thức quá khuya, không nên để tâm trạng áp lực lớn.
- Không ngồi một chỗ quá lâu hay duy trì một tư thế duy nhất trong khoảng thời gian kéo dài.
- Luôn ghi nhớ khởi động kỹ càng trước khi bắt đầu các môn thể thao, đặc biệt là các môn đòi hỏi vận động khớp gối.
Vận động thể thao thường xuyên
Để duy trì sự dẻo dai của cơ thể, đặc biệt là xương khớp vùng gối, đừng quên vận động thể dục thể thao thường xuyên. Quá trình vận động không chỉ giúp tăng sự linh hoạt của các khớp gối mà còn tốt cho quá trình điều tiết cơ thể, lưu thông tuần hoàn máu.
Bổ sung dinh dưỡng cho xương khớp
Đừng quên bổ sung dinh dưỡng hàng ngày để tăng cường sức khỏe cho xương khớp. Trong cuộc sống hàng ngày, nên cố gắng hạn chế việc sử dụng các loại thực phẩm ăn nhanh, nhiều chất béo, đồ chế biến sẵn, quá nhiều muối hay đường… Tăng cường bổ sung các dưỡng chất cho cơ thể: các loại thực phẩm giàu canxi, omega 3, các loại hải sản, xương hầm, rau xanh, tăng cường vitamin và uống nhiều nước…
Bài viết trên đây đã đem đến cho độc giả những thông tin quan trọng về xương bánh chè. Việc hiểu về cấu tạo, chức năng cũng như các vấn đề thường xuyên gặp phải ở xương bánh chè sẽ giúp mỗi người chủ động bảo vệ bản thân hơn. Đừng quên thực hiện các biện pháp tăng cường sức khỏe xương khớp, đặc biệt là xương bánh chè để khỏe mạnh hơn mỗi ngày.