X – quang là phương pháp chẩn đoán hình ảnh không gây cảm giác khó chịu, đau đớn được áp dụng phổ biến hiện nay. Phương pháp này giúp bác sỹ phát hiện những bất thường của xương khớp và các cấu trúc khác trong cơ thể để có thể đưa ra chẩn đoán cũng như biện pháp can thiệp phù hợp.
X – quang là phương pháp gì?
X – quang là biện pháp chẩn đoán hình ảnh không gây đau, nhanh chóng và dễ thực hiện. Phương pháp này cho ta hình ảnh xương và các cấu trúc khác trong cơ thể một cách chi tiết bằng cách sử dụng tia X.
Khi thực hiện chụp X – quang, một chùm tia X sẽ được chiếu vào cơ thể. Tuỳ vào mật độ tế bào ở từng bộ phận mà số lượng tia X được hấp thụ sẽ khác nhau. Khi đó, xương khớp và các khối cơ quan đặc sẽ hiển thị trên phim X – quang một cách rõ nét. Hình ảnh của các cơ quan này có màu trắng nên ta có thể dễ dàng phân biệt chúng với mô mềm.
Trên phim X – quang, chất béo và cơ sẽ có màu xám, màu đen biểu thị không khí ở trong phổi. Điều này cũng giúp ta có thêm thông tin chi tiết để đánh giá mức độ thương tổn.
Bệnh nhân có thể được chỉ định chụp X – quang thường hoặc sử dụng những chất tương phản (phổ biến là i-ốt hoặc bari) nhằm có được hình ảnh rõ nét và chi tiết hơn.
Tuỳ thuộc vào tình trạng của bệnh nhân và các bộ phận cần kiểm tra, kỹ thuật X – quang được tiến hành với các mục đích như:
- Đánh giá mật độ xương
- Kiểm tra tình trạng xương gãy, nứt
- Đánh giá tình trạng nhiễm trùng
- Phân biệt ung thư xương và u xương lành tính
- Chẩn đoán các vấn đề liên quan đến răng miệng
- Kiểm tra, đánh giá tim, phổi và các thương tổn liên quan
- Chẩn đoán và xác định ung thư ở giai đoạn nào
- Theo dõi quá trình tiến triển ung thư và tình trạng đáp ứng điều trị
- Đánh giá nguy cơ suy tim và hiện tượng mạch máu bị tắc nghẽn.
Trường hợp nào cần áp dụng phương pháp chụp X – quang?
- X – quang bụng
Bệnh nhân thường được chỉ định chụp X – quang bụng khi có dấu hiệu nghi ngờ hoặc đang gặp các vấn đề như:
- Vấn đề liên quan đến đường tiêu hoá: Trường hợp này người bệnh thường được chỉ định dùng chất tương phản có bari hoặc thuốc xổ trước khi chụp để đánh giá các vấn đề về tiêu hoá. Chất này sẽ giúp hiển thị chi tiết và rõ nét đường thức ăn, đường tiêu hoá trên phim X – quang.
- Dị vật đường tiêu hoá: Bệnh nhân cần áp dụng lỹ thuật này khi chẳng may nuốt phải dị vật.
- X – quang ngực
Phương pháp này cũng được chỉ định trong trường hợp nghi ngờ hoặc theo dõi các bệnh như:
- Ung thư vú: Người bệnh thường được yêu cầu chụp nhũ ảnh đặc biệt nhằm kiểm tra các mô tại vú cũng như kích thước của khối u.
- Các bệnh liên quan đến phổi: Phương pháp trên cho phép kiểm tra tình trạng nhiễm trùng và các chứng bệnh khác liên quan đến phổi như viêm phổi, bệnh lao, ung thư phổi,…
- Các bệnh lý về tim: Phim kết quả sẽ giúp bác sỹ phát hiện và chẩn đoán chứng suy tim và một số bệnh lý khác.
- Mạch máu bị tắc nghẽn: Trước khi chụp, người bệnh cần tiêm chất cản quang có i-ốt để làm nổi bật các mạch máu, hệ tuần hoàn trong cơ thể. nhờ vậy có thể xác định hiện tượng nghẽn mạch và vị trí thương tổn.
- X – quang răng và xương
- Đánh giá tình trạng sâu răng: Vị trí và kích thước những lỗ sâu trên răng sẽ được phim X – quang thể hiện rõ nét.
- Nhiễm trùng răng: Hình ảnh sau khi chụp sẽ cho thấy hiện tượng nhiễm trùng răng một cách rõ nét.
- Viêm khớp: Chùm tia X khi được chiếu vào cơ thể sẽ giúp thể hiện chi tiết các bộ phận dày đặc, bao gồm cả khớp. Do đó, kỹ thuật này có thể thể hiện rõ nét vị trí thương tổn và hiện tượng viêm khớp. Bên cạnh đó, phương pháp này cũng giúp theo dõi quá trình phát triển của bệnh.
- Gãy xương: Kỹ thuật này được chỉ định với gần như tất cả các bệnh nhân gãy xương để chẩn đoán, đánh giá mức độ và vị trí vết nứt, gãy.
- Loãng xương: Phương pháp chẩn đoán hình ảnh trên có ý nghĩa đáng giá mật độ xương trong trường hợp này.
- Ung thư xương: Hình ảnh chụp X – quang sẽ giúp các bác sỹ xác định chính xác kích thước và vị trí khối u.
- Các vấn đề khác: Áp xe răng, gù, cong vẹo cột sống
Các trường hợp chống chỉ định
Không chỉ định phương pháp chụp X – quang đối với người bệnh đang có thai, nghi ngờ có thai. Cũng giống như kỹ thuật CT scan, các tia X sử dụng trong phương pháp này có thể gây ảnh hưởng và tác động tiêu cực tới sự phát triển bình thường của thai nhi.
Bên cạnh đó, phương pháp chụp có dùng chất cản quang chống chỉ định đối với các trường hợp mẫn cảm, dị ứng với chất này.
Chụp X – quang có gây hại không?
Đây là kỹ thuật chụp đơn giản, không gây đau và không ảnh hưởng đến sức khoẻ, tuy nhiên nếu áp dụng nhiều lần và liên tục có thể dẫn đến những vấn đề sau:
- Tiếp xúc với bức xạ nhiều: Tiếp xúc với tia bức xạ nhiều có thể làm tăng nguy cơ tế bào bị đột biến dẫn tới ung thư. Trong phương pháp này, lượng bức xạ mà bệnh nhân tiế xúc khá thấp, các lợi ích mà kỹ thuật này đem lại vượt xa nguy cơ rủi ro.
- Ảnh hưởng tới thai nhi: Phương pháp này chống chir định đối với phụ nữ có thai hoặc nghi ngờ có thai vì chất tương phản và tia bức xạ có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng cho thai nhi như dị tật, chậm phát triển, tăng nguy cơ ung thư, thậm chí là chết phôi thai.
- Tác dụng phụ: Sử dụng chất tương phản có thể gây ra một số biểu hiện như buồn nôn, nôn, ngứa ngáy, chóng mặt, cảm thấy vị kim loại trong miệng, đỏ bừng, huyết áp giảm nghiêm trọng, sốc phản vệ, tim ngừng đập.
Nhìn chung X – quang là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh nhanh gọn, đơn giản và dễ thực hiện. Mặc dù vậy, bạn chỉ nên áp dụng kỹ thuật này khi có chỉ định của bác sỹ và không nên lạm dụng để tránh các rủi ro đối với sức khỏe. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết.