Viêm xương chũm là một bệnh lý nhiễm trùng xương ở hộp sọ. Đây là một bệnh lý hiếm gặp và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Để hiểu rõ hơn về viêm xương chũm, mời bạn đọc tìm hiểu qua bài viết!
Viêm xương chũm là gì?
Viêm xương chũm còn được gọi là viêm tai xương chũm, là bệnh lý nhiễm trùng xương chũm ở xung quanh tai giữa và sào bào. Lúc này, vùng xương tai chũm của người bệnh bị ứ đọng dịch, ảnh hưởng đến khả năng nghe của người bệnh.
Tình trạng nhiễm trùng ở xương chũm có thể lan ra các thông thông bào khiến người bệnh bị viêm toàn bộ phần thông bào xương chũm. Trong một số trường hợp, nhiễm trùng có thể lan vào trong gây nên tình trạng áp xe não, rất nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Nếu như trước đây, viêm xương chũm được xem là một bệnh lý nghiêm trọng dẫn đến tử vong nhiều ở trẻ em. Thì hiện nay, bệnh lý này ngày càng hiếm gặp và có thể kiểm soát tốt bằng thuốc kháng sinh. Do đó, người bệnh cần có những phương pháp phát hiện và điều trị kịp thời để phòng ngừa những biến chứng không mong muốn của bệnh.
Triệu chứng bệnh viêm xương chũm
Viêm xương chũm thường xảy ra sau khi người bệnh bị nhiễm trùng tai không điều trị triệt để. Người bệnh có thể nhận biết các triệu chứng viêm xương chũm bao gồm:
- Cảm giác đau nhức ngày càng dữ dội ở xung quanh và bên trong tai.
- Trong tai cảm nhận có các chất lỏng hoặc mủ chảy ra.
- Sốt cao hoặc ớn lạnh.
- Tai bị sưng đỏ ở phía dưới hoặc phía sau.
- Tai có mùi hôi khó chịu.
- Thường xuyên cảm thấy ù tai, khó nghe.
- Đau nhói vùng đầu hoặc vùng cổ.
- Các triệu chứng khác liên quan như: mũi khó thở, họng khó nuốt nước bọt, lú lẫn, mệt mỏi, mất ngủ…
- Đối với trẻ nhỏ có thể nhận biết qua các dấu hiệu bất thường như: đánh vào một bên đầu, thường xuyên quấy khóc, khó nghe lời nói của bố mẹ…
Tình trạng viêm xương chũm có thể xảy ra theo từng đợt và tự thuyên giảm. Tuy nhiên, ở không ít người tình trạng này ngày càng nghiêm trọng khiến người bệnh đối mặt với các cơn đau nhức khó chịu liên tục.
Nguyên nhân gây viêm xương chũm
Nguyên nhân chính gây viêm xương chũm là do bệnh viêm tai không được điều trị triệt để. Đặc biệt, bệnh thường được phát hiện khi người bệnh điều trị tái phát viêm tai giữa. Ngoài ra, trong một số trường hợp, bệnh có thể xuất hiện do các nguyên nhân về bất thường tế bào ở tai như cholesteatoma
Viêm tai giữa
Tình trạng nhiễm trùng hay còn được gọi là viêm tai giữa xảy ra khi vi khuẩn hoặc virus tấn công khu vực tai sau màng nhĩ. Lúc này người bệnh bị tổn thương ở tai, cảm giác khó nghe.
Viêm tai giữa là một bệnh lý có thể tự khỏi. Tuy nhiên trong một số trường hợp bệnh tiến triển nặng gây nên các cơn đau kéo dài ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh thậm chí dẫn đến viêm tai xương chũm.
Do đó, nếu nghi ngờ các dấu hiệu bệnh viêm tai giữa, người bệnh cần đến thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn và điều trị phù hợp nhất.
Viêm tai Cholesteatoma
Cholesteatoma thường phát triển ở phần giữa của tai. Tình trạng này thường do dị tật bẩm sinh dẫn đến hình thành như u nang chứa lớp da. Khi các tế bào này tích tụ dẫn đến tăng kích thước khối u và phá hủy xương tai giữa dẫn đến tình trạng viêm xương chũm.
Ngoài ra, nếu viêm tai Cholesteatoma không được điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến các xương và màng nhĩ trong tai. Điều này có thể khiến người bệnh đối mặt với nguy cơ mất khả năng nghe vĩnh viễn.
Nhiễm trùng bởi các loại vi khuẩn khác
Khi người bệnh bị nhiễm trùng bởi các loại vi khuẩn như Staphylococcus, Haemphilus influenzae hoặc Streptococcus thường có nguy cơ bị tấn công vùng tai gây suy giảm thính lực. Nếu lâu dài, những loại vi khuẩn này có thể tấn công vào vùng xương chũm dẫn đến viêm xương chũm.
Tình trạng viêm xương tai chũm có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào, nhưng tỷ lệ trẻ nhỏ dưới 2 tuổi mắc bệnh sẽ chiếm tỷ lệ cao hơn so với người lớn. Do vậy nếu nghi ngờ viêm xương chũm, người bệnh cần thăm khám để có phương pháp xử lý kịp thời.
Viêm xương chũm có nguy hiểm không?
Viêm xương chũm là một bệnh lý hiếm gặp và không gây ra các biến chứng nguy hiểm nếu người bệnh phát hiện và điều trị đúng cách. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, viêm xương chũm không được điều trị đúng cách có thể dẫn đến hỏng xương chũm và các vấn đề nguy hiểm như:
- Viêm màng não
- Mất thính lực
- Áp xe ngoài tai
- Tụ mủ bên trong tai
- Nhiễm trùng huyết
- Liệt mặt…
Xương chũm có vị trí nằm sâu trong tai nên việc điều trị thường gặp khó khăn. Tuy nhiên, người bệnh có thể kiểm soát tốt bệnh lý nếu điều trị đúng cách và phòng ngừa tái phát cao.
Điều trị viêm xương tai chũm
Để có thể điều trị tình trạng viêm xương chũm dứt điểm, người bệnh thường được chỉ định thực hiện các xét nghiệm chuyên khoa để xác định tình trạng tổn thương của bệnh. Cụ thể, các phương pháp chẩn đoán phù hợp là: chụp cắt lớp vi tính vùng tai và đầu, chụp X-quang vùng hộp sọ để phát hiện bất thường…
Sau khi xác định được mức độ tổn thương của viêm xương chũm, người bệnh sẽ được các bác sĩ tư vấn các phương pháp điều trị bao gồm:
Điều trị y tế
Viêm tai giữa thường được chỉ định sử dụng các loại thuốc kháng sinh tiêm tĩnh mạch để cải thiện triệu chứng viêm. Trường hợp sử dụng các loại thuốc kháng sinh cơ bản không mang lại hiệu quả, người bệnh sẽ được lấy mẫu kiểm tra để xác định loại vi khuẩn và chỉ định dùng kháng sinh phù hợp.
Trong một số trường hợp hiếm gặp, khi bệnh lý ngày càng nghiêm trọng và có nguy cơ ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể, người bệnh có thể sẽ được đề nghị phẫu thuật. Các bác sĩ sẽ thực hiện các thủ thuật xâm lấn vùng tai để loại bỏ phần xương chũm bị nhiễm trùng nghiêm trọng và không có khả năng phục hồi.
Trường hợp viêm xương tai chũm đã hình thành ổ áp xe khiến tai sưng và hình thành các chất lỏng, các bác sĩ sẽ phẫu thuật dẫn lưu áp xe và giảm tối đa những tổn thương vùng tai.
Điều trị viêm tai giữa
Đối với những người đã hoặc đang bị viêm tai giữa, cần có phương pháp điều trị dứt điểm và phòng ngừa tái phát để hạn chế nguy cơ viêm xương chũm. Người bệnh nên thực hiện thăm khám định kỳ để phòng ngừa nguy cơ biến chứng.
Người bệnh không tự ý bỏ thuốc kháng sinh khi tình trạng viêm tai giữa đã cải thiện. Điều này có thể dẫn đến khả năng tái phát lại cao, khi tái phát nguy cơ bệnh sẽ nghiêm trọng hơn. Do đó, bạn cần thực hiện đúng và đủ theo đơn kê của bác sĩ, hỏi ý kiến bác sĩ khi muốn dừng hoặc thay đổi thuốc.
Đối với những người bệnh bị viêm tai giữa tái phát, không nên tự ý sử dụng lại đơn thuốc cũ. Người bệnh cần thăm khám để được tư vấn loại thuốc kháng sinh đặc hiệu phù hợp nhất.
Nhìn chung, viêm xương chũm không phải là một bệnh lý nguy hiểm nếu người bệnh tuân thủ các nguyên tắc điều trị và sinh hoạt khoa học. Tuy nhiên, bạn cũng không nên chủ quan với bệnh mà cần có sự chủ động khi phát hiện các triệu chứng nghi ngờ viêm xương chũm. Chúc bạn luôn khỏe mạnh!