Viêm khớp vảy nến là một căn bệnh tự miễn có thể xảy ra ở bất cứ vị trí khớp nào trên cơ thể. Bệnh không chỉ gây đau đớn, khó chịu và ảnh hưởng tới tính thẩm mỹ, mà còn trực tiếp đe dọa tới khả năng vận động của người bệnh. Thậm chí, nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh rất có thể phải đối mặt với nguy cơ tàn phế. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp một số thông tin cơ bản về căn bệnh này.
Viêm khớp vảy nến là gì?
Viêm khớp vảy nến được hiểu đơn giản là một dạng viêm khớp xuất hiện trên những người mắc bệnh vảy nến. Đây là một căn bệnh tự miễn và đồng thời cũng là bệnh mãn tính, thường xuất hiện theo đợt và có khả năng trầm trọng hơn theo thời gian. Theo thống kê, cứ khoảng 10 người mắc bệnh vảy nến thì sẽ có 2 người mắc phải căn bệnh này. Bệnh có thể xuất hiện bất kỳ độ tuổi nào, song thường phổ biến trong khoảng 30-50 tuổi. Trong đó, tỉ lệ mắc bệnh ở cả hai giới là như nhau.
Cơ chế bệnh sinh viêm khớp vảy nến
Viêm khớp vảy nến là một dạng bệnh lý tự miễn. Tức, hệ miễn dịch tự quay sang tấn công chính các tế bào khỏe mạnh của cơ thể. Do đó, các nguyên nhân gây bệnh cho đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ hoàn toàn. Tuy nhiên, 3 yếu tố như môi trường, miễn dịch và môi trường vẫn được coi là những tác nhân có thể ảnh hưởng đến quá trình phát sinh và phát triển của bệnh.
Cụ thể, theo các báo cáo, có đến 40% số bệnh nhân bị viêm khớp vảy nến có tiền sử gia đình mắc các bệnh tương tự. Đồng thời, bệnh cũng thường phát tác khi người bệnh đã từng bị nhiễm trùng virus, xảy ra chấn thương hay bị căng thẳng kéo dài. Bên cạnh đó, các tác nhân xấu từ môi trường cũng được đánh giá là có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của bệnh.
Triệu chứng viêm khớp vảy nến
Đúng như tên gọi, các triệu chứng của bệnh viêm khớp vảy nến có biểu hiện tương đối giống với cả 2 bệnh viêm khớp và bệnh vảy nến. Cụ thể, ở ngay giai đoạn đầu, người bệnh sẽ thấy xuất hiện hiện tượng sưng đau các khớp. Trong đó, phổ biến nhất là tại các khớp bàn ngón tay chân, các khớp lớn của chi dưới và các khớp nửa dưới cột sống. Vị trí đau có thể xuất hiện ở một bên hoặc ở cả 2 bên đối xứng của cơ thể. Đây được coi là dấu hiệu phân biệt giữa vảy nến thông thường và viêm khớp vảy nến.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng xuất hiện các triệu chứng điển hình của bệnh vảy nến. Ví dụ như xuất hiện các mảng da có vảy trắng, bong tróc da đầu, tổn thương da ở các vị trí kẽ như mông, ngực, toàn thân mệt mỏi,… Đặc biệt, 80% người bệnh sẽ xuất hiện tình trạng loạn dưỡng móng, khiến móng tay, móng chân bị rỗ, mất màu, hoặc tách hẳn khỏi phần thịt bên dưới. Ngoài ra, tổn thương cũng có thể gặp ở các mô mềm như đỏ mắt, viêm mống mắt, viêm kết mạc, loét miệng, viêm niệm đạo,…
Viêm khớp vảy nến có nguy hiểm không?
Ngoài các dấu hiệu bên trên, bệnh viêm khớp vảy nến còn có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm khác nếu như không được điều trị kịp thời và đúng cách. Trong đó, các bệnh về chuyển hóa như cao huyết áp, tiểu đường type 2, xuất hiện mỡ thừa, nồng độ cholesterol cao,…được xem là biến chứng phổ biến nhất.
Bên cạnh đó, bệnh nhân bị viêm khớp vảy nến cũng phải đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tim mạch như xơ vữa động mạch, đau tim, đột quỵ,… Tỉ lệ này chiếm đến 43% và thường xuất hiện ở những người cao tuổi. Với những phụ nữ đã mãn kinh và người thường xuyên sử dụng corticoid, bệnh viêm khớp vảy nến sẽ làm tăng nguy cơ loãng xương. Thậm chí, các báo cáo còn cho thấy tỷ lệ mắc các bệnh ung thư ở nhóm người mắc bệnh này cao hơn rất nhiều so với những người khỏe mạnh.
Biện pháp điều trị viêm khớp vảy nến
Như đã nói ở trên, viêm khớp vảy nến là một căn bệnh tự miễn và mãn tính. Vì vậy, cho đến nay, vẫn chưa có bất kì phương pháp nào có thể chữa khỏi tận gốc và dứt điểm căn bệnh này. Các biện pháp hiện tại chỉ nhằm mục đích khống chế tốc độ phát triển của bệnh, đồng thời cải thiện các triệu chứng, ngăn ngừa các biến chứng và nguy cơ dẫn đến tàn tật cho người bệnh.
Điều trị bảo tồn bằng thuốc
Thuốc dùng trong điều trị viêm khớp vảy nến có thể được chia thành nhiều nhóm, bao gồm: Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID), thuốc chống thấp khớp DMARDs, thuốc tiêm Corticoid, thuốc ức chế miễn dịch và các chế phẩm sinh học. Trong đó, thuốc kháng viêm không steroid là dạng thuốc nhẹ nhất, được dùng để giảm viêm và giảm đau ban đầu cho người bệnh. Tuy nhiên, khi việc điều trị bằng thuốc này không đem lại hiệu quả, thì việc tiêm Corticoid là điều cần thiết. Việc tiêm Corticoid chỉ được thực hiện tại 1 vị trí nhất định, không tác dụng cho toàn thân bởi chúng có thể gây ra những biến chứng hết sức nguy hiểm.
Bên cạnh đó, bệnh viêm khớp vảy nến còn được điều trị bằng thuốc chống thấp khớp DMARDs. Loại thuốc này có tác dụng làm chậm quá trình phát triển của bệnh, ngăn ngừa các tổn thương vĩnh viễn cho các ổ khớp và mô. Tuy nhiên, tác dụng phụ của chúng có thể dẫn đến tổn thương gan, nhiễm trùng phổi và ức chế tủy xương.
Thuốc ức chế miễn dịch và các tác nhân sinh học là 2 loại thuốc có cơ chế gần tương tự nhau. Loại thuốc đầu tiên được sử dụng để làm yếu đi toàn bộ hệ miễn dịch của cơ thể, từ đó hạn chế được sự tấn công của chúng đối với các mô khớp. Trong khi đó, các tác nhân sinh học lại nhắm vào một số phần nhất định của hệ miễn dịch- nơi được xác định là gây viêm và tấn công các khớp. Đây được coi là một phương pháp chữa trị mới của y học hiện đại, giúp cải thiện đáng kể các triệu chứng và hạn chế các tác dụng phụ. Tuy nhiên, cả hai loại thuốc này đều có thể khiến người bệnh bị nhạy cảm hơn với các nhiễm trùng.
Phẫu thuật
Khi các khớp đã bị viêm và tổn thương nghiêm trọng, việc can thiệp phẫu thuật ngoại khoa là điều cần thiết. Phương pháp này nhằm thay thế bộ phận tổn thương bằng các khớp nhân tạo. Thông thường, chúng được làm từ các kim loại hoặc bằng nhựa.
Trên đây là một số thông tin cơ bản nhất về bản chất, nguyên nhân, triệu chứng và cách chữa trị căn bệnh viêm khớp vảy nến. Thông qua bài viết, hi vọng bạn đọc đã tìm kiếm được những kiến thức bổ ích về sức khỏe. Cảm ơn đã đón đọc!