Viêm bao hoạt dịch khớp háng có thể khiến vùng hông trở nên sưng tấy và đau nhức dữ dội, gây ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt hàng ngày. Theo các chuyên gia, nếu không điều trị sớm còn có nguy cơ dẫn đến tàn phế, teo cơ. Vậy đâu là nguyên nhân gây ra tình trạng này? Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị ra sao? Bạn đọc cùng bài viết sau đây tìm hiểu nhé!
Viêm bao hoạt dịch khớp háng là bệnh gì?
Viêm bao hoạt dịch khớp háng xảy ra khi những bao hoạt dịch nằm bên trong khớp háng bị tổn thương rồi trở nên sưng tấy, đau nhức. Đây là một tình trạng khá phổ biến, thường xảy ra ở những người thường xuyên phải sử dụng đến khớp háng, ví dụ như vận động viên marathon, vận động viên nhảy xa,…
Theo các bác sĩ, bao hoạt dịch khớp háng bị viêm có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đến hoạt động, sinh hoạt thường ngày. Không chỉ là những cơn đau nhức kéo dài dai dẳng, bệnh còn có nguy cơ tiến triển nặng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như teo cơ hay tàn phế.
Chính vì vậy, ngay khi phát hiện những dấu hiệu bất thường tập trung ở hông và bẹn, người bệnh cần tìm kiếm trợ giúp y tế sớm nhất để được chẩn đoán và trị liệu.
Nguyên nhân của viêm bao hoạt dịch khớp háng
Nguyên nhân dẫn đến viêm bao hoạt dịch khớp háng có thể là:
- Do chấn thương: Chấn thương được xem là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng này. Khi phần khớp háng phải chịu áp lực từ các va đập mạnh, ngã hay tai nạn giao thông, xương có thể bị xô lệch và ma sát với bao hoạt dịch, gây ra hiện tượng viêm sưng.
- Do căng thẳng kéo dài: Bên cạnh chấn thương, khớp háng căng thẳng kéo dài cũng có thể là nguyên nhân gây ra viêm bao hoạt dịch. Vấn đề này thường liên quan đến đặc thù nghề nghiệp với việc lặp đi lặp lại một tư thế, động tác. Ví dụ: Vận động viên thể thao, vũ công,… Theo thời gian, khớp háng bị tổn thương tại mọi vị trí, bộ phận cấu thành, trong đó có cả bao hoạt dịch.
- Do bệnh lý: Trong một số trường hợp, bao hoạt dịch khớp háng bị viêm có thể liên quan đến tình trạng bệnh lý nền ở người bệnh, ví dụ như gout, tiểu đường, nhiễm trùng, lao xương, viêm khớp dạng thấp,…
Bên cạnh các nguyên nhân nêu trên, tình trạng này còn có thể chịu tác động bởi một số yếu tố khác, đó là:
- Lão hóa: Khi cơ thể bước vào giai đoạn lão hóa, các bộ phận sẽ dần dần mất đi cấu trúc và chức năng ban đầu. Trong đó, các khớp xương lớn như khớp háng, khớp đầu gối dễ chịu ảnh hưởng hơn cả.
- Béo phì: Ở những người béo phì, phần khớp háng phải chịu nhiều áp lực từ khối lượng cơ thể hơn. Nếu các đối tượng này còn có thói quen ít vận động, tình trạng sẽ càng nghiêm trọng hơn. Hậu quả là bao hoạt dịch có thể bị tổn thương và viêm sưng.
Dấu hiệu viêm bao hoạt dịch khớp háng
Khi bị viêm bao hoạt dịch khớp háng, người bệnh thường gặp phải các dấu hiệu sau đây:
- Đau ở khớp háng: Đây là triệu chứng phổ biến nhất. Người bệnh cảm nhận được sự khó chịu kéo dài ở vùng háng, hông. Trong một số trường hợp, cơn đau có thể dữ dội và ảnh hưởng đến việc vận động, đi lại. Triệu chứng này cũng dễ khiến người bệnh lầm tưởng mắc phải một số vấn đề khác liên quan đến khớp hoặc gân cơ ở háng.
- Sưng tấy: Đối với người bệnh viêm nặng, phần hông có thể sưng tấy và nóng đỏ. Tình trạng này cũng gây ra những tác động tiêu cực đến khả năng vận động của người bệnh.
- Các triệu chứng khác: Bên cạnh hai dấu hiệu điển hình thường thấy ở trên, bệnh nhân còn có thể phải đối mặt với một số triệu chứng khác như bầm tím ở vùng khớp háng, có tiếng lạo xạo khi di chuyển khớp háng, không thể nâng chân lên, sốt nhẹ, cơ thể mệt mỏi uể oải, thường xuyên cáu gắt khó chịu,….
Viêm bao hoạt dịch khớp háng nguy hiểm không?
Nếu được chẩn đoán và điều trị sớm, tình trạng này có thể được chữa khỏi và không để lại di chứng nào đối với cơ thể và sức khỏe. Tuy nhiên, trong trường hợp ngược lại, người bệnh có thể gặp phải một số biến chứng sau đây:
- Teo cơ, yếu cơ: Khi bao hoạt dịch bị viêm sưng nghiêm trọng, người bệnh khó có thể cử động hay di chuyển như bình thường. Điều này dẫn đến việc người bệnh chỉ ngồi hay nằm liên tục để hạn chế tối đa cảm giác khó chịu. Theo thời gian, phần cơ vùng háng và hông sẽ dần teo nhỏ lại hoặc trở nên yếu hơn trước.
- Hỏng khớp, tàn phế: Vùng viêm ở bao hoạt dịch có thể lan rộng ra nhiều vị trí khác, nhất là với các trường hợp liên quan đến nhiễm khuẩn. Điều này làm gia tăng nguy cơ hỏng khớp, nhiễm trùng khớp háng. Nếu không có biện pháp xử lý sớm, người bệnh có thể tàn phế, bại liệt vĩnh viễn.
Chẩn đoán viêm bao hoạt dịch khớp háng
Việc chẩn đoán viêm bao hoạt dịch khớp háng được tiến hành thông qua các biện pháp sau đây:
- Khám tổng thể: Đây là bước đầu tiên trong quy trình chẩn đoán bất kỳ bệnh lý nào. Các bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân về các triệu chứng thường gặp cũng như xem xét kỹ lưỡng vùng khớp háng để đưa ra những nhận định ban đầu.
- Chẩn đoán hình ảnh: Vì tình trạng này có thể bị nhầm lẫn với các bệnh xương khớp khác, các bác sĩ sẽ thực hiện thêm một số loại xét nghiệm hình ảnh (X-quang, CT, MRI). Những phương pháp này sẽ giúp tìm ra chính xác vị trí bị tổn thương và mức độ viêm của bao hoạt dịch nằm trong khớp háng.
- Xét nghiệm máu: Nếu các bác sĩ nghi ngờ viêm bao hoạt dịch có liên quan đến nhiễm trùng, họ sẽ tiến hành xét nghiệm máu. Mẫu máu được lấy ở phần khớp háng đem đi soi chiếu hiển vi để tìm ra sự tồn tại của các yếu tố ngoại lai.
Điều trị viêm bao hoạt dịch khớp háng
Các biện pháp điều trị viêm bao hoạt dịch khớp háng hiện nay gồm có:
- Sử dụng thuốc Tây y: Đây là biện pháp được nhiều bệnh nhân áp dụng nhất vì có kết quả nhanh và không tốn nhiều thời gian chuẩn bị. Tùy theo tình trạng cụ thể của người bệnh mà các bác sĩ sẽ tiến hành kê đơn thuốc. Các loại thuốc này thường là: Thuốc chống viêm không steroids, thuốc giảm đau, kháng sinh và thuốc tiêm steroids.
- Vật lý trị liệu: Phương pháp này được áp dụng nhằm giúp bệnh nhân cải thiện tình linh hoạt của khớp háng và làm giảm cảm giác đau nhức khó chịu kéo dài. Vật lý trị liệu cũng giúp tăng cường lưu thông khí huyết, đẩy nhanh quá trình hồi phục ở bệnh nhân. Tùy vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng mà các bài tập trị liệu khác nhau sẽ được lựa chọn cho người bệnh.
- Phẫu thuật: Trong trường hợp viêm nặng và các thuốc uống, thuốc tiên không phát huy tác dụng, người bệnh có thể cần phải phẫu thuật. Hiện nay, có 3 loại phẫu thuật khớp háng thường được sử dụng. Chúng là: Phẫu thuật nội soi, phẫu thuật thay khớp háng và synovectomy.
Phòng tránh viêm bao hoạt dịch khớp háng
Để phòng tránh tình trạng viêm bao hoạt dịch khớp háng, bạn nên chú ý một số vấn đề sau:
- Hạn chế tối đa việc thực hiện lặp đi lặp lại một thao tác, tư thế, chuyển động ở vùng khớp háng. Nếu có liên quan đến đặc thù công việc, bạn nên dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn, massage cho vùng hông hơn.
- Sau một ngày làm việc căng thẳng và mệt mỏi, hãy ngâm mình trong bồn nước ấm có pha vài hạt muối biển để tăng cường lưu thông khí huyết và thả lỏng tối đa cho cơ bắp, xương khớp.
- Duy trì cân nặng ở mức hợp lý. Nếu có dấu hiệu thừa cân thì bạn nên áp dụng các biện pháp như ăn uống khoa học, tăng cường tập luyện thể thao,… để ổn định trọng lượng cơ thể.
- Khi tham gia các hoạt động thể thao, để tránh chấn thương nguy hiểm, bạn nên trang bị đầy đủ đồ bảo hộ cần thiết.
Viêm bao hoạt dịch khớp háng không phải là tình trạng hiếm gặp và có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe. Vì vậy, người bệnh không nên chủ quan khi cơ thể xuất hiện các dấu hiệu bất thường mà nên đặt lịch khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.