Vẹo cột sống được xếp vào nhóm bệnh về xương khớp – cột sống ảnh hưởng nhất định đến cuộc sống và công việc của người mắc. Triệu chứng của bệnh ra sao? Nguyên nhân gây bệnh là gì? Cách điều trị nào hiệu quả nhất? Cùng chúng tôi tìm hiểu nội dung chi tiết trong bài viết dưới đây.
Vẹo cột sống là gì?
Cột sống là bộ phận hỗ trợ trung tâm cơ thể, đảm nhận vai trò giúp người bệnh đứng thẳng. Ở cơ thể người bình thường, cột sống có hình dáng giống như hình chữ S do đường cong ở 2 đầu vai và một đường cong ở lưng dưới tạo thành. Nếu hình dáng của cột sống chuyển từ chữ S thành chữ C hoặc thay đổi độ cong bất thường thì bạn đã mắc vẹo cột sống.
Thống kế thực tế cho thấy, trên thế giới hiện có khoảng 3% dân số đang mắc bệnh vẹo cột sống. Đối tượng mắc bệnh phổ biến nhất là thanh thiếu niên trong tuổi dậy thì. Nguyên nhân dẫn đến bệnh đa dạng nhưng có khoảng 80% trường hợp không tìm được nguyên nhân chính xác.
Vẹo cột sống được xếp vào dạng rối loạn nhẹ và có thể tự cải thiện. Đa số các trường hợp bệnh vẹo cột sống đều có triệu chứng rất nhẹ. Người bệnh có thể thực hiện một số bài tập để hỗ trợ hồi phục cột sống. Trong trường hợp không can thiệp điều trị, vẹo cột sống có thể tiến triển xấu đi gây biến dạng cột sống nghiêm trọng khi trẻ bước vào lứa tuổi trưởng thành.
Một số trường hợp vẹo cột sống có thể tự cải thiện sau một thời. Khi phát hiện bệnh, một số bệnh nhân được yêu cầu mang nẹp để cải thiện hình dáng cột sống.
Trong trường hợp bệnh đã trở nặng mà không được điều trị có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như:
- Gây tổn thương đến tim và phổi
- Đau nhức vùng lưng
- Ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý của người mắc
Phân loại vẹo cột sống
Bác sĩ đã tổng hợp và liệt kê ra các loại vẹo cột sống phổ biến hiện nay là:
- Vẹo cột sống không tìm được nguyên nhân: Loại vẹo cột sống này còn được gọi là vẹo cột sống vô căn. Loại này được gặp phải ở nhiều độ tuổi nhưng độ tuổi vị thành niên từ 4 đến 10 tuổi có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất.
- Vẹo cột sống bẩm sinh: Tình trạng vẹo cột sống hình thành từ khi bé còn nằm trong bụng mẹ. Thông thường, vẹo cột sống bẩm sinh sẽ xảy ra ở các đốt sống lưng. Đốt sống không phân chia đúng cách và người bệnh không có đủ các đốt sống cơ bản giống người bình thường. Bệnh thường có thể được chẩn đoán ngay từ khi sinh ra. Tuy nhiên, trong một số trường hợp phải chờ đến giai đoạn vị thành niên mới có thể nhận biết được bệnh.
- Vẹo cột sống thần kinh cơ: Loại vẹo cột sống này thường xảy ra do những ảnh hưởng của bệnh bại não hoặc chấn thương ở tủy sống ở thai nhi, trẻ sơ sinh. Các loại bệnh tác động làm hỏng cơ và làm cột sống không được hỗ trợ một cách chính xác nhất, từ đó dẫn đến cột sống bị cong.
- Vẹo cột sống thoái hóa: Loại này phổ biến ở người lớn tuổi do ảnh hưởng của quá trình thoái hóa xương khớp. Người bệnh thường gặp phải bệnh ở vùng lưng dưới khi các đốt sống bị mòn. Ngoài ra, khi đĩa đệm thoái hóa gây thoát vị đĩa đệm cũng có thể ảnh hưởng đến cột sống.
Triệu chứng bệnh vẹo cột sống
Theo Đại tá – Bác sĩ Nguyễn Bá Vưỡng (nguyên Phó khoa Đông y Viện YHCT Quân đội) cho biết, bệnh vẹo cột sống có thể nhận biết qua các dấu hiệu đặc trưng sau:
- 2 vai không đều, một bên xương vai nhô cao hơn bên còn lại
- Eo không cân đối
- Hông bên thấp bên cao
Nếu tình trạng vẹo cột sống nặng, người bệnh có thể gặp phải triệu chứng cột sống xoắn lại từ bên này sang bên kia. Xương sườn ở một bên sẽ nhô cao hơn bên kia.
Để thuận tiện trong quá trình điều trị, bác sĩ chỉ ra một số dấu hiệu vẹo cột sống ở giai đoạn đầu và khi bệnh để chuyển nặng. Một số triệu chứng ban đầu mà người bệnh có thể nhận biết là:
- Mặc quần áo không vừa, không cân xứng 2 bên
- Lưng của người bệnh bị cong, cột sống nghiêng hoặc vẹo sang hẳn một bên
Khi bệnh đã trở nặng, người bệnh có thể gặp phải một số triệu chứng như:
- Dáng đi bất thường: Cột sống bị xoắn lại, uốn cong sang một bên làm hông bị lệch. Chính điều này dẫn đến việc người bệnh thay đổi dáng đi. Một bên tay người bệnh có thể không thể chạm vào hông.
- Phạm vi chuyển động bị hạn chế: Cột sống bị xoắn gây cứng, giảm tính linh hoạt dẫn đến việc hạn chế vận động khu vực này.
- Khó thở: Khung xương sườn có thể bị xoắn khi cột sống bị xoắn. Khi đó, khung xương sườn thắt chặt không gian của phổi dẫn đến tình trạng khó thở.
- Xuất hiện một số bệnh tim mạch: Người bệnh có thể gặp phải một số bệnh tim mạch do khung xương sườn xoắn lại. Không gian tim thu hẹp, hạn chế khả năng bơm máu.
- Đau nhức: Cơ lưng, eo và vai của người bệnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi mắc vẹo cột sống. Cột sống thay đổi cấu trúc có khả năng làm tăng viêm cục bộ các cơ, từ đó hình thành nên các cơn đau nhức nghiêm trọng.
- Thoát vị đĩa đệm: Vẹo cột sống ảnh hưởng trực tiếp đến đĩa đệm và khớp mặt do tải trọng cơ thể không được đồng đều. Thoát vị đĩa đệm gây ra các cơn đau nhức tại vùng cột sống bị tổn thương và khu vực lân cận.
Nguyên nhân gây vẹo cột sống
Như đã khẳng định, 80% các trường hợp vẹo cột sống thuộc loại vẹo cột sống vô căn, tức không rõ nguyên nhân. Với tình trạng này, nguyên nhân di truyền hoặc một số loại dị tật bẩm sinh đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành bệnh vẹo cột sống.
Với nhóm bệnh vẹo cột sống không cấu trúc, nguyên nhân hình thành có thể do:
- Hai chân có kích thước không đều nhau
- Co thắt cơ
- Viêm trong cơ thể như viêm ruột thừa
Trong nhóm vẹo cột sống cấu trúc, bệnh có thể hình thành do:
- Dị tật bẩm sinh
- Bại não
- Bệnh loạn dưỡng cơ
- Một số loại bệnh gây nhiễm trùng
- Ảnh hưởng của khối u
- Một số hội chứng di truyền như Down hoặc Marfan
Ngoài các nguyên nhân kể trên, các bác sĩ cho biết vẹo cột sống có thể hình thành do tuổi tác. Ở giai đoạn trẻ dậy thì/vị thành niên cơ thể phát triển thì vẹo cột sống có nguy cơ bùng phát cao.
Ngoài ra, nguy cơ mắc vẹo cột sống ở bé gái cao hơn bé trai. Nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra các triệu chứng vẹo cột sống ở bé gái nghiêm trọng hơn và cần can thiệp từ sớm để tránh biến chứng.
Chẩn đoán vẹo cột sống
- Thực hiện thử nghiệm: Thử nghiệm uốn cong về phía trước để xác định vẹo cột sống là phương pháp chẩn đoán đơn giản nhất. Khi người bệnh uốn cong một góc 90 độ với cánh tay duỗi về phía đầu gối, bác sĩ sẽ quan sát cột sống và phát hiện ra sự không đối xứng ở vai, khung xương sườn, hông, eo, chiều dài 2 chân…
- Đo độ cong cột sống: Bác sĩ sử dụng một thước đo độ cong để xác định tình trạng vẹo cột sống. Theo nguyên tắc, nếu độ cong trên 5 độ người bệnh sẽ được chụp chiếu để có kết quả chính xác.
- Đo góc Cobb: Góc Cobb được tìm thấy bằng cách vẽ đường vuông góc từ góc nghiêng của cột sống nhất trên và dưới trên phim chụp X-quang. Góc Cobb lớn hơn 10 độ sẽ bị kết luận là vẹo cột sống.
Ngoài ra, người bệnh cần thực hiện một số chẩn đoán hình ảnh như chụp MRI, chụp CT cắt lớp hoặc quét xương…
Điều trị vẹo cột sống
Đeo đai định hình cột sống
Đai định hình được dùng để cố định lại cột sống và cải thiện một số triệu chứng bệnh. Thông thường, đai định hình cột sống được dùng khi góc Cobb lớn hơn 25 -30 độ và xương hiện đang trong quá trình phát triển hoặc trong thời gian 4 đến 6 tháng độ cong tăng lên 5 độ.
Phẫu thuật
Phương pháp được thực hiện nhằm ngăn ngừa tình trạng cong vẹo, hạn chế các biến dạng cột sống, đồng thời duy trì sự cân đối ở hông, chân. Phương pháp phẫu thuật được chỉ định thường là hợp nhất cột sống (ghép xương và sử dụng vít).
Dùng thuốc giảm đau
Trong các trường hợp vẹo cột sống ở người lớn, bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh sẽ dụng thuốc giảm đau như Ibuprofen để cải thiện triệu chứng vẹo cột sống. Thuốc có thể ảnh hưởng đến gan, thận nên người bệnh cần chú ý sử dụng.
Trên đây là các thông tin tổng hợp liên quan đến bệnh lý vẹo cột sống. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn thông tin bổ ích.