U xương dạng xương là một thể u lành tính, có thể xảy ra ở bất kỳ xương nào trên cơ thể, trong đó, phổ biến nhất là các xương dài, thân đốt sống, xương bàn tay, bàn chân. Vậy u xương dạng xương là bệnh gì, dấu hiệu nhận biết, nguyên nhân, cách điều trị bệnh như thế nào, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong nội dung dưới đây.
U xương dạng xương là gì?
U xương dạng xương là tình trạng phát triển một khối u bất thường trên xương. Chúng thường có kích thước khoảng 1.5 – 2cm, bao quanh một khu vực xơ cứng. Một số nghiên cứu cho thấy tỷ lệ xuất hiện bệnh ở các vị trí xương khác nhau có sự chênh lệch: xương ống chân (xương chày) và xương đùi (chiếm khoảng 80 – 90 % các trường hợp) hoặc cột sống (chiếm khoảng 7 – 20%). Hầu như bệnh không xuất hiện ở các khớp và xương sọ.
U xương dạng xương thường xảy ra ở trẻ em trên 4 tuổi, thanh thiếu niên và những người dưới 25 tuổi, rất ít trường hợp bệnh trên 50 tuổi. Bệnh có tần suất gặp ở bé trai nhiều hơn.
U xương dạng xương có khả năng tự biến mất trong vài năm. Tuy nhiên, người bệnh cũng cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám cẩn thận, loại trừ các bệnh lý nguy hiểm khác trên xương.
Dấu hiệu nhận biết u xương dạng xương
Triệu chứng chính của u xương là đau xương, các cơn đau có thể âm ỉ hoặc dữ dội ảnh hưởng tại vị trí bị u xương. Cơn đau tăng mạnh vào ban đêm, đôi khi ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của người bệnh, gây nên trạng thái mệt mỏi vào sáng ngày hôm sau.
Trong trường hợp khối u phát triển ở chân, lâu ngày có thể dẫn đến hiện tượng yếu chân, làm suy yếu khả năng vận động bình thường. Ở một số người bệnh, u xương còn tạo ra cảm giác ngứa ran, thậm chí là luồng điện giật, có khả năng gia tăng nguy cơ loãng xương.
Đôi khi dấu hiệu của u xương cũng dễ bị nhầm lẫn với các bệnh về xương khớp khác. Do đó, khi có các triệu chứng nghi ngờ bệnh, bạn nên đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Nguyên nhân gây u xương dạng xương
Cho tới nay, nguyên nhân gây nên u xương vẫn chưa được xác định cụ thể. Nhưng các chuyên gia cho rằng yếu tố dẫn tới bệnh có thể là lý do di truyền, bên cạnh đó là do virus, do các viêm nhiễm, hoặc liên quan đến miễn dịch.
Chẩn đoán u xương dạng xương
Dưới đây là một số chẩn đoán chính của bệnh u xương dạng xương thường được thực hiện:
Chẩn đoán lâm sàng
- Kiểm tra phản ứng đau của bệnh nhân: Khi bị u xương dạng xương, người bệnh thường có cảm giác đau nhức, khó chịu tại vị trí phát hiện khối u. Các cơn đau thường tiến triển từ âm ỉ tới dữ dội, tăng nhiều vào ban đêm, giảm khi trời sáng, ảnh hưởng đến giấc ngủ và tinh thần của người bệnh. Bên cạnh đó, cơn đau do u xương dạng xương gây ra cũng có thể ảnh hưởng đến dáng đi của người bệnh, từ đó gây ra những tác động nhất định tới cột sống.
- Tại vị trí khối u: Người bệnh có thể bị sưng đau, tăng tiết mồ hôi, khi chạm vào tăng cảm giác đau
- Một số triệu chứng khác: u xương gây cong vẹo cột sống, đau lưng, đau cổ hoặc đau lan đến các chi, khá giống với bệnh thoát vị đĩa đệm. Bên cạnh đó, tại vị trí bàn tay người bệnh còn gặp phải các triệu chứng như viêm khớp, bàn tay bệch bất thường,…
Chẩn đoán cận lâm sàng
Chẩn đoán hình ảnh
Chụp X – quang: thông qua hình ảnh trên phim chụp, u xương dạng xương được phát hiện thông qua một số đặc điểm sau:
- Tổn thương rõ nét có hình tròn hoặc hình oval
- Đường kính nhỏ dưới 2 cm
- Vùng trung tâm dày đặc
- Có thấu quang khoảng 1 – 2 mm
Tuy nhiên, u xương dạng xương chỉ được nhìn thấy trên phim chụp X – quang trong giai đoạn bệnh đã tiến triển nặng.
Chụp cắt lớp vi tính: Chụp cắt lớp vi tính có thể xác định chính xác vị trí của khối u trong một số trường hợp sau:
- Khối u ngoài khớp, chính xác 90%
- Khối u ở vị trí cổ xương đùi hoặc cột sống, chính xác khoảng 66%
Chụp cộng hưởng từ (MRI): Kỹ thuật này được chỉ định cho trường hợp chưa xác định được tình trạng bệnh. Bên cạnh đó chụp cộng hưởng từ cũng giúp tìm thấy vị trí chính xác của khối u.
Chụp đồng vị phóng xạ: Xác định chính xác ổ nidus tới 2mm
Chụp động mạch: Phương pháp này giúp xác định được 3 pha của u xương dạng xương, được thực hiện khi các kỹ thuật khác không phát huy được tác dụng.
Chẩn đoán mô bệnh
U xương dạng xương là tổn thương màu đỏ nâu tại vỏ xương hoặc tủy xương. Ổ (nidus) được bao quanh bởi xương bị xơ cứng và các tế bào tạo xương bị dày đặc, có hạt (gritty), các tế bào hủy xương xuất hiện.
Chẩn đoán phân biệt
Bên cạnh đó, thông qua các kỹ thuật, bác sĩ cũng tiến hành thực hiện phương pháp chẩn đoán phân biệt để loại trừ khả năng nguyên nhân đến từ các bệnh khác.
Điều trị u xương dạng xương
U xương dạng xương là khối u lành tính, do đó không đe dọa tới tính mạng con người. Thông thường, bệnh sẽ tự hết sau vài năm. Tuy nhiên, một số trường hợp cần phải nhờ đến sự can thiệp của các biện pháp điều trị để cải thiện tình trạng bệnh.
Dưới đây là một số phương pháp chữa u xương dạng xương phổ biến:
Sử dụng thuốc Tây
Việc dùng các loại thuốc Tây sẽ giúp đẩy lùi những triệu chứng của bệnh. Một số loại thuốc thường được chỉ định có thể là: thuốc giảm đau (Aspirin, Paracetamol), thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) như Etoricoxib, Diclofenac, Celecoxib, Meloxicam. Tùy vào tình trạng cụ thể của từng người mà bác sĩ sẽ tư vấn liều dùng phù hợp nhất. Bạn cần tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ để hạn chế những tác dụng phụ có thể xảy ra.
Phẫu thuật
Phương pháp này thường được chỉ định cho những trường hợp bệnh nặng, khi mà cách điều trị nội khoa từ thuốc không đáp ứng được nhu cầu điều trị. Phẫu thuật là biện pháp khá đắt đỏ, có thể dẫn đến một số biến chứng hậu phẫu. Khi thực hiện phẫu thuật, người bệnh cần một khoảng thời gian đủ dài để phục hồi.
Dưới đây là một số kỹ thuật phẫu thuật chính:
- Phẫu thuật mở: Phương pháp này sẽ giúp cắt bỏ triệt để khối u, ngăn chặn nguy cơ tái phát. Tuy nhiên, phương pháp này gây mất thẩm mỹ, thời gian phục hồi khá lâu.
- Điều trị phẫu thuật không xâm lấn: Phương pháp này được thực hiện nhờ video nội soi và kính hiển vi để phá vỡ khối u bằng sóng cao tần. Điều trị không xâm lấn được thực hiện thông qua da, ít gây tổn thương cho các mô, ít để lại sẹo.
- Phẫu thuật dưới da với sự hỗ trợ của chụp cắt lớp vi tính: Để thực hiện kỹ thuật này, các bác sĩ sẽ sử dụng dây Kirschner đưa vào qua da để xác định vị trí khối u. Sau đó, sử dụng khoan qua lớp xương, kết hợp đưa kim sinh thiết qua dây và loại bỏ hoàn toàn khối u.
- Phẫu thuật có sự tham gia của các chất đồng phóng xạ: Trước khi tiến hành, bác sĩ sẽ chỉ định chụp hình xạ xương nhằm xác định chính xác ổ khối u. Điều này hạn chế sự đau đớn cũng như rút ngắn thời gian điều trị cho người bệnh.
- Phẫu thuật có sự hỗ trợ của máy tính: Đây là phương pháp tổng hợp các kỹ thuật hình ảnh và thiết bị theo dõi ba chiều. Điều này có thể nâng cao hiệu quả hỗ trợ điều trị phẫu thuật, đặc biệt là ở các khối u nằm sâu bên trong các xương nhỏ.
Tiên lượng cho u xương dạng xương
Trong quá trình điều trị, người bệnh cần thực hiện X – quang mỗi 3 – 6 tháng để kiểm soát quá trình tiến triển của bệnh. Đối với phương pháp phẫu thuật, mỗi năm, người bệnh cũng cần tái khám để kiểm tra mức độ hồi phục, ngăn ngừa nguy cơ tái phát.
U xương dạng xương là bệnh lành tính, không nguy hiểm tới tính mạng. Tuy nhiên, khi phát hiện những triệu chứng của bệnh, bạn cần đến các cơ sở y tế sớm để được bác sĩ chẩn đoán cũng như tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.