U bao hoạt dịch có thể phát triển ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể, tuy nhiên phổ biến hơn cả ở vùng cột sống. Khi gặp phải tình trạng này, người bệnh có thể chịu nhiều cảm giác đau đớn khó chịu cùng với đó là việc sinh hoạt thường ngày chịu ảnh hưởng đáng kể. Cùng bài viết sau đây tìm hiểu chi tiết về vấn đề nói trên để có thể bảo vệ tốt nhất cho sức khỏe bạn nhé!
U bao hoạt dịch là gì?
Bao hoạt dịch là các túi nhỏ chứa đầy chất lỏng hình thành bên trong ổ khớp. Nhiệm vụ của chúng là sản sinh ra các dịch nhờn có khả năng bôi trơn khớp, giúp khớp xương hoạt động trơn tru hơn cũng như bảo vệ khớp khỏi sự hao mòn. Nếu vì một nguyên nhân nào đó khiến dịch nhờn không thể thoát ra khỏi bao hoạt dịch, dịch nhờn sẽ tích tụ lại và hình thành nên các u nang được gọi là u bao hoạt dịch.
Các khối u này có thể phát triển ở bất kỳ khớp xương nào trên cơ thể. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu thống kê, 90% u nang bao hoạt dịch gây ảnh hưởng đến các khớp xương ở cột sống người, nhất là khu vực thắt lưng. Nếu không chẩn đoán và điều trị sớm, những khối u rất dễ chèn ép lên dây thần kinh, khiến ống sống bị hẹp cũng như gây ra một số biến chứng nghiêm trọng khác đối với sức khỏe bệnh nhân.
Triệu chứng u bao hoạt dịch
Theo các chuyên gia, biểu hiện của u bao hoạt dịch còn phụ thuộc vào vị trí mà chúng hình thành cũng như kích thước của khối u. Có rất nhiều trường hợp người bệnh không cảm nhận được bất kỳ sự bất thường nào mà chỉ tình cờ phát hiện bệnh khi đi khám tổng thể định kỳ.
Thông thường, người bệnh có khối u nang bao hoạt dịch có thể gặp phải một số các triệu chứng sau đây:
- Cảm giác đau và khó chịu: Có thể nói rằng đây là triệu chứng phổ biến nhất ở người bệnh. Tùy vào vị trí cũng như kích cỡ khối u mà cảm giác đau nhức có thể có mức độ khác nhau. Người bệnh có khối u hoạt dịch ở cột sống thắt lưng thường đau đớn dữ dội hơn những trường hợp khác. Cơn đau thậm chí có thể kéo dài nhiều ngày, gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và tâm lý bệnh nhân.
- Gặp khó khăn khi đi bộ hoặc đứng: Tình trạng này chủ yếu xảy ra ở những bệnh nhân u nang hoạt dịch cột sống. Nguyên nhân là vì cột sống có chứa nhiều dây thần kinh liên quan đến hai chi dưới. Một khi khối u phát triển và chèn ép lên chúng, người bệnh có thể gặp khó khăn trong khi đứng hoặc đi bộ vì cảm giác chân bị yếu và mất sức.
- Cảm giác tê ngứa: Có một số trường hợp người bệnh gặp phải cảm giác tê ngứa râm ran ở những khu vực xuất hiện khối u. Nếu khối u phát triển ở cột sống thắt lưng thì bệnh nhân có thể cảm nhận rõ ràng hơn vì vùng chịu ảnh hưởng thương là hông, đùi và hai chi dưới. Triệu chứng này khả tương đồng với đau dây thần kinh nên thường gây nhầm lẫn trong các phán đoán ban đầu.
Nguyên nhân gây ra u bao hoạt dịch
Hiện nay, các chuyên gia vẫn chưa thể đưa ra được nguyên nhân chính xác gây ra u bao hoạt dịch. Họ đưa ra nhiều giả thuyết và lý luận khác nhau, nổi bất trong số đó có thể kể đến là:
- Thoái hóa khớp: Theo một số chuyên gia, khi các khớp chịu ảnh hưởng của ma sát trong một thời gian dài và dần bị thoái hóa, chúng có thể mất đi cấu trúc ban đầu và dẫn đến sự biến đổi của các bộ phận liên đới, ví dụ như bao hoạt dịch. Lúc này, bao hoạt dịch có thể sản xuất dư thừa chất lỏng mà không thể đào thải dịch ra bên ngoài, gây ra sự tích tụ và hình thành nên u nang.
- Viêm xương khớp: Nguyên nhân này thường có liên quan đến thoái hóa khớp. Bởi vì đối với những bệnh nhân viêm xương khớp, hiện tượng khớp bị thoái hóa thường xảy ra nhanh hơn thông thường. Các chuyên gia nhận định đối tượng trên 65 tuổi là những trường hợp có nguy cơ cao bị khối u hoạt dịch tấn công.
- Rối loạn chức năng bao hoạt dịch: Có một số ít chuyên gia nghiêng về giả thuyết rối loạn chức năng bao hoạt dịch. Những rối loạn này có thể liên quan đến trung khu thần kinh hoặc hệ thống miễn dịch của cơ thể. Khi bao hoạt dịch đã không còn giữ được chức năng và vai trò như ban đầu, chúng có thể sản xuất liên tục các chất dịch bôi trơn, tạo điều kiện thuận lợi cho u nang hình thành và phát triển.
U bao hoạt dịch có nguy hiểm không?
Đa phần các trường hợp u bao hoạt dịch thuộc dạng lành tính, không gây nguy hiểm đến tính mạng và có thể được chữa trị thông qua các biện pháp đông – tây y cũng như việc cải thiện lối sống. Tuy nhiên, không phải là không tồn tại nguy cơ biến chứng ở người bệnh. Các biến chứng có thể là:
- Hội chứng chùm đuôi ngựa: Tình trạng này thường xảy ra khi các u nang phát triển ở cột sống thắt lưng và chèn ép lên các dây thần kinh vùng yên ngựa. Hậu quả là người bệnh liên tục gặp phải triệu chứng tê ngứa, đau nhức ở lưng dưới. Nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể mất hoàn toàn khả năng kiểm soát ruột và bàng quang hoặc đối mặt với nguy cơ bại liệt.
- Khối u biến chất: Có một số trường hợp khối u nang hoạt dịch bị biến chất và trở thành ác tính. Lúc này, khối u có thể phát triển thành ung thư cũng như di căn đến những khu vực gần đó, ví dụ như xương. Tuy biến chứng này chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ nhưng người bệnh cũng không nên chủ quan, xem thường mà cần đi khám sớm để được điều trị dứt điểm kịp thời.
Chẩn đoán u bao hoạt dịch
Chẩn đoán u bao hoạt dịch có thể bao gồm các biện pháp sau đây:
- Khám tổng quát: Các bác sĩ bắt đầu bằng việc yêu cầu người bệnh liệt kê những triệu chứng thường thấy và mô tả chi tiết cảm giác gặp phải. Sau đó, họ sẽ kiểm tra cụ thể khu vực bị đau nhức khó chịu để tìm kiếm sự tồn tại của khối u hoạt dịch.
- Kiểm tra hình ảnh: Để đưa ra kết luận chính xác cũng như loại bỏ các nguyên nhân gây đau nhức khác, các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân tiến hành chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ hoặc chụp CT. Thông qua các phương pháp xét nghiệm này, kích cỡ, vị trí cũng như mức độ ảnh hưởng của khối u đối với khu vực xung quanh sẽ được xác định. Các thông tin này được sử dụng để xây dựng phác đồ điều trị cho người bệnh.
Điều trị u bao hoạt dịch
Theo các bác sĩ, việc điều trị u bao hoạt dịch phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, vì dụ như kích thước, vị trí và mức độ gây ảnh hưởng. Đối với các trường hợp khối u nhỏ, lành tính và không gây ra bất kỳ triệu chứng khó chịu nào, người bệnh có thể không cần phải trị liệu.
Tuy nhiên, đối với những trường hợp khối u gây cản trở đến sinh hoạt thường ngày, người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp sau:
- Vật lý trị liệu: Sau khi nghỉ ngơi và theo dõi một thời gian, các chuyên gia sẽ sắp xếp cho bệnh nhân tham gia trị liệu tại trung tâm. Những bài tập được thiết kế riêng cho người bệnh, giúp cải thiện các triệu chứng khó chịu cũng như giúp khả năng vận động trở lại bình thường như ban đầu.
- Dùng thuốc giảm đau: Người bệnh cũng có thể dùng thuốc để loại bỏ những cảm giác đau nhức kéo dài khó chịu. Nếu mức độ đau nhẹ, bệnh nhân chỉ cần sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn, ví dụ như naproxen hay ibuprofen. Còn đối với trường hợp nặng hơn, bác sĩ sẽ dụng thuốc tiêm steroids theo liều lượng thích hợp.
- Phẫu thuật: Đối với các trường hợp dùng thuốc và vật lý trị liệu không mang lại kết quả như mong muốn, bác sĩ có thể yêu cầu phẫu thuật. Phẫu thuật giúp loại bỏ hoàn toàn khối u, nhờ đó mà áp lực đè nén lên dây thần kinh, tủy sống không còn nữa.
Bài viết hy vọng đã giúp bạn đọc giải đáp được các băn khoăn, thắc mắc liên quan đến u bao hoạt dịch. Dù đây không phải tình trạng nguy hiểm nhưng bệnh nhân vẫn nên tìm kiếm sự trợ giúp y tế sớm. Điều này giúp hạn chế tối đa nguy cơ biến chứng và nâng cao tỷ lệ hồi phục sức khỏe về sau cho người bệnh.