Tình trạng rối loạn xương hay còn gọi là còi xương xảy ra chủ yếu ở trẻ nhỏ. Khi mắc căn bệnh này, hệ thống cấu trúc xương của trẻ bị thiếu hụt khiến chúng trở nên mềm, chậm phát triển hoặc dễ bị gãy. Vậy làm thế nào để nhận biết và khắc phục được bệnh lý còi xương này? Mời bạn đọc cùng chúng tôi tham khảo bài viết dưới đây để tìm câu trả lời.
Còi xương là gì?
Còi xương hay có tên khoa học là Rickets, được biết đến là một bệnh lý khá phổ biến ở trẻ dưới 3 tuổi, gây ra tình trạng mềm và yếu xương. Một khi mắc phải căn bệnh này, xương của trẻ thường phát triển khá chậm, dẫn đến nguy cơ biến dạng xương nếu không chữa trị kịp thời.
Bên cạnh đó, các bạn nhỏ sống tại khu vực thành phố ít khi ra ngoài, được bảo vệ ở trong nhà dẫn đến việc tắm nắng không thường xuyên cũng làm tăng khả năng mắc còi xương do không tổng hợp được vitamin D.
Đặc điểm dịch tễ hay gặp của bệnh là trẻ ở tại vùng núi, nhiều sương mù, ánh nắng ít dẫn tới thiếu hụt vitamin D cùng các hợp chất khác của quá trình tạo xương.
Dấu hiệu nhận biết còi xương
Khi cấu trúc xương suy yếu, rất có thể xương của bệnh nhân bị biến dạng, mềm yếu. Bệnh được nhận biếu bởi một số dấu hiệu điển hình như sau:
- Có cảm giác đau nhức xương mỗi khi đi lại, vận động, các bước đi của trẻ thường bị khập khiễng bất thường.
- Người bệnh xuất hiện dấu hiệu dị tật xương, nhất là sự dày lên tại đầu gối, mắt cá chân, cổ tay và có thể quan sát bằng mắt thường. Một và trường hợp đặc biệt trẻ bị mềm xương sọ, chân đi vòng kiềng, cột sống cong vẹo.
- Các dị tật ở răng bao gồm men răng có lỗ, men răng yếu, sún răng, răng mọc chậm, sâu răng,…
- Khung xương của trẻ có biểu hiện không bình thường, chúng phát triển chậm, kém khiến chiều cao của trẻ nhỏ thấp hơn chỉ số trung bình.
- Xương của trẻ nhỏ trở nên giòn, yếu và dễ bị gãy bởi bất kỳ tác động nhẹ từ bên ngoài.
- Một số bé mắc còi xương còn cho thấy lượng canxi bị hạ thấp. Nếu như không có biện pháp điều trị kịp thời thì bệnh sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, kèm theo đó là hiện tượng co giật, chuột rút và ngừa chân tay.
Nguyên nhân gây bệnh còi xương
Căn nguyên chủ yếu gây ra còi xương là hiện tượng thiếu hụt vitamin D, chúng đến từ hai nguồn chính là:
- Vitamin D nội sinh: Bắt đầu là một chất tồn tại dưới da, sau khi chịu sự tác động của ánh nắng mặt trời sẽ xảy ra phản ứng hoá học và chuyển hóa thành vitamin D3. Đây là loại vitamin tham gia chủ đạo vào quá trình tạo xương ở trẻ nhỏ. Bởi vậy mà trẻ nhỏ thường hay mắc bệnh còi xương hơn người lớn do bị thiếu hụt vitamin D.
- Vitamin D ngoại sinh: Chúng có ở trong sữa mẹ và các loại thực phẩm hay sử dụng hàng ngày nhưng chúng thường chiếm một tỷ lệ nhỏ. Bên cạnh đó, cần lưu ý rằng vitamin D là chất tan trong dầu mỡ nên việc ăn dầu cũng là một cách để tăng hấp thu vitamin D cho trẻ.
- Một lí do nữa dẫn đến còi xương ở trẻ đó là thiếu khoáng chất nhue magie, canxi, photphat, kẽm,… cùng chất tham gia tạo xương vitamin K2.
- Ngoài ra, các yếu tố như độ tuổi, màu sắc da, vị trí địa lý, sinh non, ảnh hưởng của thuốc,… cũng được xem là các yếu tố nguy cơ dẫn đến còi xương nhanh hơn.
Chẩn đoán bệnh còi xương
Để chẩn đoán chính xác bệnh còi xương, các bác sĩ có thể dựa vào những đặc điểm lâm sàng dưới đây.
- Đầu: Điểm thóp bị rộng do chậm liền (Đối với trẻ >12 tháng tuổi), các xương hộp sọ mềm, có bướu đỉnh, bướu trán, vòng đầu to.
- Ngực: Một vài trẻ khi bị mắc còi xương có thể xuất hiện sự phát triển không bình thường ở phần khung hai bên xương sườn, kể đến như xương ức bị nhô quá mức, lồng ngực hẹp,…
- Chân: Trẻ bị cong chân hoặc nhẹ hơn là chân đi dáng vòng kiềng.
- Cổ chân và cổ tay: Cổ chân và cổ tay của những em nhỏ bị chứng còi xương thường bị to hơn so với các bạn cùng độ tuổi.
- Hệ thần kinh: trẻ còi xương thường ngủ không ngon giấc, hay bị giật mình, đổ mồ hôi trộm vào ban đêm, tóc rụng nhiều.
Ngoài ra, còn phải kể đến các biện pháp cận lâm sàng xác định còi xương gồm có chụp X-quang, xét nghiệm chỉ số canxi, vitamin D, photpho, xét nghiệm nồng độ acid trong máu động mạch,… để đánh giá mức độ bệnh và đưa ra hướng điều trị thích hợp.
Cùng với đó, người nhà cũng cần hợp tác, cung cấp tất cả thông tin cần thiết về bé để hỗ trợ tốt nhất trong việc tìm ra bệnh.
Phòng ngừa bệnh còi xương
Biện pháp tốt nhất để ngăn ngừa chứng bệnh còi xương là phải tuân thủ chế độ dinh dưỡng với đầy đủ các vitamin, đặc biệt là vitamin D, canxi, khoáng chất, phosphate, natri, kali,… Chúng có trong một số loại thực phẩm như sữa, ngũ cốc, các loại hạt, bánh mỳ, trái cây,…
- Với phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai, bản thân mẹ cần chú ý cung cấp đầy đủ dưỡng chất xuyên suốt cả thai kỳ, nhất là các mẹ mang thai đôi, ba trở lên bởi lúc đó nhu cầu dinh dưỡng của chúng sẽ cao hơn bình thường.
- Cân đối chế độ ăn cho trẻ, không nên ăn ít quá mà cũng không cần quá nhiều đồ ăn cùng một lúc. Thường xuyên cho con đi ra ngoài tắm nắng vào 8 – 10 giờ sáng, 4-5 giờ chiều sẽ giúp tổng hợp vitamin D, giúp tăng cường cấu trúc và giảm tỷ lệ mắc còi xương.
- Đối với các bé vẫn đang còn bú thì nguồn dinh dưỡng chính, chứa rất nhiều vitamin D, lợi khuẩn, khoáng chất,… là ở nguồn sữa mẹ, chúng tốt hơn rất nhiều so với các loại sữa bột, sữa công thức từ bên ngoài. Còn với các con đã tới thời kỳ ăn dặm thì mẹ sẽ bổ sung trực tiếp qua các nguồn thực phẩm hàng ngày.
- Bổ sung thức uống vitamin D3 trong trường hợp trẻ nhỏ ở tại những vùng địa hình ít có ánh sáng, sương mù nhiều. Đặc biệt là đừng bao giờ bắt trẻ không được ăn dầu mỡ, điều này có thể làm cản trở sự hấp thu vitamin D của các con.
Hy vọng rằng những thông tin về bệnh còi xương mà chúng tôi cung cấp ở bài viết đã phần nào giúp ích cho bạn đọc trong việc phát hiện và phòng ngừa căn bệnh này. Bên cạnh đó, bạn nên đến các cơ sở y tế để được khám và tư vấn kỹ hơn về tình trạng sức khỏe của bản thân, từ đó lựa chọn được phương pháp điều trị bệnh phù hợp. Chúc bạn mau khỏi bệnh!