Tình trạng chân vòng kiềng thường xuất hiện chủ yếu ở trẻ em dưới 4 tuổi và trẻ sơ sinh, chúng có thể biến mất khi con từ 18 tháng tuổi trở đi. Bệnh tuy không quá nghiêm trọng nhưng nếu không phát hiện và chữa trị kịp thời có khả năng gây ra ảnh hưởng lớn đến việc vận động đi lại của người bệnh.
Chân vòng kiềng là gì?
Đối với cấu tạo của một người bình thường, khi đứng thẳng thì hai chân sẽ song song với nhau, đầu gối hướng ra phía ngoài và thẳng hàng với hai chân. Hiện tượng hai đầu gối quay vào trong, cẳng chân cong hướng ra ngoài và hai mắt cá chân có xu hướng chạm vào nhau được gọi là chân vòng kiềng.
Theo một nghiên cứu cho thấy, có đến hơn 20% trẻ <3 tuổi gặp phải tình trạng vòng kiềng chân này. Đa số các trường hợp không quá nghiêm trọng, chúng ta có thể tự nắn chỉnh tại nhà mà không cần đến can thiệp y tế. Trong khi đó, có đến 1% trẻ trong khoảng từ 5-7 tuổi vẫn có nguy cơ mắc phải căn bệnh trên.
Hầu hết các trường hợp chân bị vòng kiềng đều có khả năng phòng ngừa được. Tuy vậy, đối với mỗi triệu chứng, tình trạng nặng nhẹ khác nhau mà sẽ có các phương pháp cải thiện và khắc phục bệnh khác nhau.
Dấu hiệu nhận biết chân vòng kiềng
Dấu hiệu đặc trưng và điển hình nhất của bệnh là hai chi cong hướng ra ngoài và mắt cá chân tiến sát vào nhau, gây ra dáng đi không ổn định cho người bệnh. Việc dáng đi bị thay đổi sẽ kéo theo các triệu chứng khác như:
- Hai chân đi bị khập khiễng.
- Đầu gối bị đau.
- Có hiện tượng cứng khớp.
- Phần hông, mắt cá chân và bàn chân bị đau nhức.
- Khả năng đi lại, vận động bị hạn chế.
- Bên cạnh đó, hiện tượng chân vòng kiềng có khả năng gây chứng đau và căng giãn cơ hông, dây chằng, bàn chân và mắt cá chân. Điều này khiến cho cơ thể bệnh nhân bị mất cân bằng, hình thành dáng đứng bất thường.
Nguyên nhân gây chân vòng kiềng
Có hai dạng chính là chân bị vòng kiềng bẩm sinh và chân vòng kiềng do các yếu tố khác. Cụ thể như sau:
Chân vòng kiềng bẩm sinh
Trường hợp xương bị vòng kiềng tự nhiên có thể được hình thành ngay từ khi trẻ còn trong thời gian mang thai, bụng của mẹ quá chật hẹp sẽ khiến cơ thể bé thiếu không gian để phát triển, vì vậy mà chúng dần dần chọn cách biến đổi hình thái cơ thể để thích nghi. Đây được xem là biểu hiện hết sức bình thường, không có gì xa lạ trong việc phát triển và tăng trưởng của trẻ.
Từ khi trẻ sinh ra, nếu được chú ý chăm sóc thì tình trạng này của trẻ có thể được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, nếu cha mẹ coi nhẹ chứng vòng kiềng của con thì bệnh có khả năng trở nên nghiêm trọng, biểu hiện cong nhận thấy rõ đặc biệt là ở trẻ bắt đầu tập đi.
Dấu hiệu vòng kiềng chân do bệnh lý
Chỉ có một vài trường hợp rất hiếm là người bệnh mắc chân vòng kiềng là do các bệnh lý gây nên. Đặc biệt, những đối tượng ở độ tuổi thanh thiếu niên và tuổi dậy thì sẽ có một số nguy cơ tiềm ẩn dẫn tới triệu chứng chân vòng kiềng này. Có thể kể đến một số yếu tố là nguyên nhân ảnh hưởng chủ yếu như:
Còi xương
Đây là nguyên nhân phổ biến và thường hay gặp nhất của hiện tượng chân bị vòng kiềng. Yếu tố chính gây nên hiện tượng này là việc thiếu hụt canxi trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày và ít khi được tiếp xúc với ánh sáng mặt trời (là nguồn tổng hợp vitamin D chính).
Bệnh lý còi xương gây ra các biến dạng ở cả chi trên và chi dưới, trong đó có cả dị tật gây chân bị vòng kiềng. Một số dị tật có khả năng tự nắn chỉnh tại nhà hoặc sau thời gian can thiệp y tế. Bên cạnh đó, các trường hợp bị bệnh nặng, có ảnh hưởng nghiêm trọng sẽ cần được can thiệp bằng phẫu thuật nhằm ngăn ngừa tối đa các thương tổn sâu hơn.
Bệnh Osteochondrodysplasia
Osteochondrodysplasia là khái niệm của một nhóm bệnh lý di truyền liên quan đến xương khớp hoặc rối loạn sản sinh xương. Biến dạng cột sống, biến dạng các chi, trong đó có dị tật chân đi vòng kiềng được cho là các biến chứng điển hình nhất mà tình trạng này gây nên.
Bệnh Blount
Blount là thuật ngữ nói đến dị tật tại chân, chúng thường chủ yếu gây ra ảnh hưởng chính tại vị trí từ hai đầu gối cho tới mắt cá của chân. Bệnh có dấu hiệu nhận biết rõ nhất là hiện tượng xương biến dạng với xu hướng xương bị cong ra ngoài hoặc vào bên trong.
Hai dạng Blount chính là Blount chẩn đoán ở trẻ nhỏ <4 tuổi và Blount ở độ tuổi thanh thiếu niên. Trong đó, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ bị mắc Blount thường gặp khó khăn trong quá trình chẩn đoán và phát hiện hơn. Vì vậy mà việc điều trị không được diễn ra kịp thời, dẫn tới các biến chứng nguy hiểm cho bé.
Ngoài ra, còn phải kể đến những yếu tố dẫn đến nguy cơ bị chân vòng kiềng khác gồm béo phì, tai nạn, chấn thương ảnh hưởng tới phần đầu gối, thiếu hụt vitamin D và canxi, người bị chứng viêm khớp, sưng khớp, thoái hoá khớp,…
Cách khắc phục tình trạng chân vòng kiềng
Duy trì cân nặng
Một cơ thể quá béo và nặng quá mức sẽ làm đầu gối bị gia tăng áp lực, hai chân trở nên căng thẳng hơn. Đây cũng có thể là một nguyên nhân quan trọng khiến cho tình trạng vòng kiềng chân trở nên nghiêm trọng. Vì vậy, các bác sĩ có thể đưa ra lời khuyên về việc cần duy trì cân nặng ổn định cho người bệnh bằng cách bổ sung dinh dưỡng phù hợp và luyện tập thể thao thường xuyên.
Vật lý trị liệu
Bên cạnh việc tập các bài thể dục đơn giản, nhẹ nhàng, giúp tăng độ dẻo dai của xương, săn chắc các bó cơ thì sử dụng các phương pháp phục hồi chức năng cũng được xem là lựa chọn tốt trong quá trình cải thiện dáng đi và các cơn đau của bệnh gây ra.
Người bệnh có thể tham khảo thêm các dụng cụ hỗ trợ chỉnh hình như lót giày điều chỉnh dáng đi, nẹp chỉnh hình,…
Phẫu thuật ngoại khoa
Phương pháp can thiệp ngoại khoa, phẫu thuật điều trị vòng kiềng chân chỉ tiến hành khi thực sự cần thiết và phải có chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa. Người bệnh có thể được lựa chọn hai loại phẫu thuật chính là biện pháp cắt gọt xương hoặc cài tấm kim loại vào trong đầu gối trong vòng 1 năm nhằm điều chỉnh quá trình phát triển của hai đầu gối.
Do đây là một thủ thuật đòi hỏi tay nghề cao và thực hiện trong thời gian dài nên người bệnh sẽ được tiến hành gây mê. Bạn có thể đứng dậy đi lại bình thường sau một khoảng thời gian hậu phẫu thuật.
Điều trị bệnh cơ bản
Người mắc chân vòng kiềng do bệnh còi xương, bệnh Blount hay Osteochondrodysplasia sẽ được bác sĩ khám và chẩn đoán mức độ bệnh, sau đó bạn có thể chỉ cần tự điều chỉnh tại nhà hoặc có thể sử dụng phẫu thuật can thiệp tuỳ vào từng trường hợp khác nhau.
Có thể thấy, chân vòng kiềng không phải là một bệnh lý nguy hiểm nếu bạn nhận biết và có hướng điều trị sớm. Hy vọng rằng những thông tin bổ ích mà chúng tôi muốn gửi gắm tới bạn đọc sẽ phần nào giúp bạn hiểu rõ hơn và đưa ra cho bản thân biện pháp phòng ngừa tốt nhất.